Bài 1: Khi sân khấu truyền thống không còn là... chính mình

“Khủng hoảng”, “thiếu sức sống”… là những cụm từ thời gian qua người ta hay dùng khi nói về hoạt động của các loại hình sân khấu nghệ thuật truyền thống như: Tuồng, chèo, cải lương, dân ca kịch. Thế nhưng có một mâu thuẫn: Tại các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật sân khấu truyền thống, vở diễn ngày càng nhiều, số lượng huy chương luôn tăng, trong khi chất lượng thực tế lại chưa như mong muốn chủ quan của nhà quản lý.

“Gieo vừng ra ngô”

Suốt chiều dài lịch sử, dân tộc Việt Nam rất coi trọng văn nghệ truyền thống. Năm 1946, chuẩn bị cho Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Phát triển hết cái hay, cái đẹp của dân tộc, tức là ta cùng đi tới chỗ nhân loại”. Nghệ thuật truyền thống của Việt Nam đã đến với bạn bè quốc tế khi tuồng Bình Định sang tận thủ đô Pa-ri (Pháp), chèo “Quan âm Thị Kính” biểu diễn trong sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả Béc-lin (Đức)...

Phát huy nghệ thuật truyền thống, chúng ta đã từng có một nền sân khấu "khỏe mạnh" với hàng trăm vở diễn, trích đoạn và tên tuổi nghệ sĩ để đời. Nghệ thuật sân khấu truyền thống luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm và được nhiều thế hệ nghệ sĩ "đắm đuối", thủy chung hết mình với loại hình nghệ thuật thấm đẫm hồn cốt dân tộc. NSND Đàm Liên, người được khán giả mệnh danh là “Bà chúa tuồng”, nay đã qua tuổi 70, nhưng khi nhắc đến sân khấu, hồi ức về những phút thăng hoa trong những vai diễn “Hồ Nguyệt cô hóa cáo”, “Ông già cõng vợ đi xem hội”… vẫn còn nóng hổi trong trái tim bà. Cả cuộc đời nghệ sĩ Đàm Liên gắn với tuồng, khóc cười cùng tuồng, ghi dấu trong lòng khán giả trong nước và quốc tế nhờ tuồng… Giờ đây, tuổi đã xế chiều mà bà vẫn chưa bao giờ hết nỗi lo đau đáu mất tuồng. Cũng bởi lẽ, khi nhắc đến tuồng, thường người ta nhớ đến Đàm Liên, còn sau NSND Đàm Liên, có không ít nghệ sĩ của loại hình nghệ thuật này được vinh danh danh hiệu này nọ, nhưng sao khán giả ít nhớ?

leftcenterrightdel
Cảnh trong vở ca kịch “Sáng trong như ngọc một con người” của Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế. 
PGS, TS Trần Trí Trắc, nhà lý luận phê bình nghệ thuật sân khấu truyền thống, thẳng thắn nhận định: Thời gian qua, các nghị quyết của Trung ương về văn hóa nghệ thuật, chính sách cho nghệ thuật sân khấu truyền thống đều đúng, được nghệ sĩ trông mong chờ đợi, nhưng thực tế nó chưa đi nhiều vào cuộc sống. Bởi khi ban hành chính sách, người quản lý ngành văn hóa chưa am hiểu sâu sắc về nghệ thuật sân khấu truyền thống, cho nên có lúc đã buông lỏng, để nó mất gốc, không còn là chính mình, “gieo vừng ra ngô” như lời cảnh báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời. Nhiều người làm quản lý văn hóa chưa có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về triết học, mỹ học, văn hóa học trong sân khấu truyền thống, mà lại tiếp thu sân khấu bên ngoài, áp dụng nó một cách vội vàng và coi đó là tiên tiến. Ngày nay, trong giới sân khấu ai cũng có thể nói kịch tuồng, kịch chèo, mà nói thế thì khác nào... phá tuồng, phá chèo!

Câu chuyện từng khiến giới sân khấu phía Bắc cảm thấy "sốc" nặng khi hay tin Đoàn Cải lương Vĩnh Phúc năm 2005 có quyết định chuyển thành Đoàn Chèo Vĩnh Phúc, đến năm 2013 lấy tên Nhà hát Chèo Vĩnh Phúc. Vẫn đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên hát cải lương, nhạc công, giờ chuyển sang hát chèo, chơi nhạc chèo. Nhưng đó là quyết định của nhà quản lý, nghệ sĩ đành phải theo. Nghệ sĩ Vũ Duy Dũng, Giám đốc Nhà hát Chèo Vĩnh Phúc bày tỏ: "Là đơn vị nghệ thuật địa phương nên các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công đã gặp rất nhiều khó khăn khi chuyển đổi từ hình thức nghệ thuật này sang hình thức nghệ thuật khác, níu được chân anh chị em nghệ sĩ ở lại, cống hiến cho nghệ thuật tỉnh nhà đã là một quá trình bền bỉ hơn 10 năm qua của chúng tôi".

Cùng chung "số phận" với Đoàn Cải lương Vĩnh Phúc, nhiều đoàn nghệ thuật bị chuyển đổi, sáp nhập như: Đoàn Cải lương Bông Sen Trắng sáp nhập với Đoàn Kịch dân ca Nghệ Tĩnh; Đoàn Cải lương Quảng Ninh sau thời gian xã hội hóa không bao lâu đã bị “khai tử”… và hiện giờ, không ít đoàn nghệ thuật truyền thống địa phương đang thấp thỏm lo âu trước "nguy cơ" phải sáp nhập vào các đơn vị nghệ thuật khác trong tỉnh.

Nhiều lượng, thiếu chất

Năm 2015, cuộc thi nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu, có tới 33 vở diễn của 27 đơn vị nghệ thuật tham gia, 5 vở được trao HCV, 8 vở nhận HCB, 57 diễn viên giành HCV, 80 diễn viên HCB. Năm 2016 diễn ra cuộc thi tuồng, kịch dân ca với 17 vở diễn, trong đó 3 vở HCV, 4 vở HCB, 32 HCV và 49 HCB cho cá nhân. Tháng 10 vừa qua, cuộc thi nghệ thuật sân khấu chèo toàn quốc có tới 27 vở diễn “thi đấu”, trao 5 HCV cho 5 vở, 5 vở HCB, 42 HCV và 82 HCB cá nhân. So với trước, 5 năm mới tổ chức một kỳ thi, nhưng nay, khoảng cách đã được rút ngắn 3 năm/lần.

Những đánh giá của Ban giám khảo về sự phát triển không ngừng của nghệ thuật sân khấu, nở rộ các vở diễn, nhiều phong cách, lực lượng diễn viên hùng hậu được "trau chuốt" sau mỗi kỳ cuộc liên hoan. Nhưng đáng tiếc phía sau những "mỹ từ" đó, có ít vở diễn hay, đa phần dựng lại kịch bản cũ, thậm chí có những vở dựng lại kịch bản từ cách đây 50 năm đậm chất nhân văn, nhưng bị chê là yếu kém về nội dung, nghệ thuật lẫn hình thức nghệ thuật so với các bậc tiền bối dựng. Không ít vở diễn dựng theo kiểu đạo diễn nghĩ đến đâu, chỉ diễn viên diễn đến đó, kiểu diễn này khiến diễn viên thành người thợ bắt chước mà không có sáng tạo, không cần tư duy… Một khía cạnh khác, biểu hiện rất rõ ở các cuộc thi là giải thưởng, khiến cho giới sân khấu dường như thấy quen thuộc lâu nay, cứ vào vai chính là có HCV, là việc “cài cắm” diễn viên để lấy giải thưởng, nhưng cài không khéo lại tạo nên những nhân vật méo mó, dị dạng, xộc xệch, phi thẩm mỹ, làm người xem có cảm giác nghèn nghẹn, chua xót, đắng cay cho số phận của nhân vật và cả thân phận diễn viên. Rồi chuyện đoàn của tỉnh đăng cai được giải thưởng, vở diễn có được giải thưởng dĩ nhiên kéo theo hàng loạt giải thưởng khác về cho tác giả, đạo diễn, diễn viên; đoàn của Trung ương đi thi, Trung ương đầu tư chẳng nhẽ lại không được trao giải (?).

Hiện nay, các cấp quản lý đang cho người nghệ sĩ khá nhiều quyền lợi cả về vật chất lẫn tinh thần. Nào là danh hiệu, huy chương này nọ, rồi tăng lương, tăng phụ cấp thanh sắc… Nhưng hỏi vì sao nhiều danh hiệu thế mà sân khấu vẫn khủng hoảng, thiếu tác phẩm đỉnh cao, không đủ sức cạnh tranh trong công cuộc hội nhập với nhiều loại hình nghệ thuật, giải trí khác? Sân khấu tối đèn, vở diễn dựng đi thi, đoạt giải nhưng về... cất kho! Còn không ít nghệ sĩ chân chính lại có tâm trạng buồn, nản. Khán giả hôm nay vắng, vắng ngay ở các cuộc thi, nội bộ không xem lẫn nhau, đoàn diễn xong đi về. Khán giả nội bộ không xem nhau thì mất ngay khán giả trong nhà còn đâu!

“Nhà quản lý đang được ví như người mẹ, thấy con khóc thì đưa cho cái điện thoại, thích mở gì xem thì tùy ý chứ chưa phải là người lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ, định hướng cho con vượt qua những khó khăn. Người quản lý không am hiểu sâu sắc nghệ thuật truyền thống, không sát sao đồng cam cộng khổ, không sống thực với sân khấu truyền thống nên dẫn đến một thực trạng là sân khấu nước nhà không có tác phẩm hay và đang dần thưa vắng khán giả”, PGS, TS Trần Trí Trắc nhận định.

(Còn nữa)

Bài và ảnh: VƯƠNG HÀ