Từng được tặng thưởng danh hiệu Dũng sĩ, anh xuất ngũ với quân hàm Thượng tá, về công tác ở Thời báo Tài chính (bút danh Khánh Văn) vẫn tiếp tục cùng đồng đội đi tìm hài cốt đồng đội (Trung đoàn 27-Đoàn Triệu Hải và Trung đoàn 12-Đoàn Thanh Xuyên thuộc Công an nhân dân vũ trang, nay là Bộ đội Biên phòng) quy tập về nghĩa trang.
Tập thơ “Giọt sương bên cửa sổ” (năm 2025) nói thật những nghĩ suy người lính trong lúc cầm súng và cả lúc buông súng-thời hòa bình.
 |
Bìa tập thơ. |
Ai đã từng ở nơi sống chết đều thấm thía cái quý nhất của con người là thân thể, là máu huyết. Trong đời người, tuổi trẻ là quý nhất. Thế mà với người lính, khi Tổ quốc lâm nguy, họ đem những cái quý giá nhất ấy đi vào nơi khói lửa để giành lại sự sống cho đất nước, thì đó là sự cống hiến tuyệt đối. Nhẹ nhàng vô cùng. Ai cũng thấm thía, trong chiến tranh, người đau khổ nhất, hy sinh lớn nhất là người mẹ. Với người mẹ, có gì quý hơn đứa con mình đâu. Thế mà mẹ sẵn lòng đưa cái quý giá nhất vào nơi mất còn. Tập thơ đã khắc họa người mẹ Việt Nam bằng nỗi nhớ, nỗi đau, bằng lòng kính trọng thiêng liêng.
Xin cùng tác giả về lại “mái nhà xưa”, cũng là về với mẹ: “Em có về thăm lại mái nhà xưa/ Trong xóm nhỏ ngõ ba lần rẽ trái/ Khế chín ngọt chờ tay người hái/ Bắp ngô non mẹ luộc vẫn đang phần” (Em có về thăm lại mái nhà xưa). Cái hồn quê là ngõ xóm, là mái nhà, là ngõ nhỏ, là cây khế... Ở đây, bóng mẹ, tình mẹ nhập vào hình tượng “bắp ngô non”. Ngô non nóng hổi thơm phức cũng như tình mẹ ấm áp, nồng nàn.
Cách khắc họa về người mẹ trong tập thơ là đặt người mẹ trong mối quan hệ với ngôi mộ. Mà là ngôi mộ không tên. Mẹ đi tìm con chẳng thấy, thế là tất cả những linh hồn đã chết vì Tổ quốc đều là con mẹ: “Bình rượu kia và nải chuối bây giờ/ Mẹ phân phát, thôi, mỗi người một tí/ Cho con bớt cô đơn giữa bao đồng chí/ Tháng năm còn nằm lại cánh rừng xa/ Đêm xuống rồi thấm lạnh giọt sương sa/ Chiếc tiểu rỗng nặng đè trên lưng mẹ/ Con ở lại với cánh rừng săng lẻ/ Nước mắt cạn rồi-tiếng mẹ lạc về đâu” (Bên nấm mộ không tên). Lời thơ nâng hình tượng mẹ lên tầm vóc vĩ đại, lớn lao: Mẹ của chung tất cả, chung cho cả đất nước này.
Chiến tranh luôn tạo ra những nghịch cảnh. Tập thơ viết nhiều về nỗi đau người mẹ trong hoàn cảnh “lá vàng khóc lá xanh”, thế giới bên kia, linh hồn liệt sĩ an ủi mẹ: “Khăn tang phủ kín trên đầu/ Chiều quê bóng mẹ ôm sầu khóc con/ Mẹ ơi vì nước vì non/ Mất con nhưng Tổ quốc còn hôm nay” (Con xin ở lại nơi này). Hai câu đầu đau xót lắm nhưng câu cuối thật mạnh mẽ như “nâng” người mẹ đứng dậy. Tự hào, thiêng liêng: “Mất con nhưng Tổ quốc còn hôm nay”. Hơn ai hết, người lính thấm thía tấm lòng mẹ, sự hy sinh biển trời của mẹ, nên nhắc nhủ với muôn người: “Biết rằng ai cũng phải qua/ Nhưng còn cha, mẹ vẫn là ước ao/ Câu thơ lạc giữa trời cao/ Nén hương khóc mẹ bay vào hư không” (Viết trong ngày giỗ mẹ).
Thơ Nguyễn Văn Á là lời đau về sự hy sinh của đồng đội: “Có ai ngờ Thạch Hãn một màu xanh/ Trong phút chốc biến thành dòng sông máu/ Bao người lính qua đây nằm lại/ Làm mái chèo khuấy động mãi niềm đau” (Thạch Hãn chiều nay). Thơ là vậy, là tâm hồn, là nỗi lòng người ánh xạ vào nỗi lòng mình, khúc xạ qua trường văn hóa riêng để có những trường quang phổ tiếp nhận khác nhau. Miễn đó phải là tiếng thơ chân thật từ đáy lòng, có thể chưa được gọt giũa, còn thô mộc, nhưng nhiều khi cái thô mộc lại rất đáng quý, vì nó phù hợp với trường tiếp nhận “đồng đẳng”.
Đọc “Giọt sương bên cửa sổ”, những tâm hồn lính được gặp gỡ những tâm hồn lính, thấu hiểu và thấu cảm để cùng chia sẻ. Tập thơ cho thấy phẩm chất thi sĩ ở người chiến sĩ: “Anh nhặt nắng chiều đông trên lá cỏ/ Cùng heo may đợi cánh én xuân về” (Nhặt nắng). Cao hơn cả, tập thơ nói lên nhân cách đáng kính trọng của người lính, nói lên một thời đại văn hóa tất cả vì Tổ quốc quyết sinh.
NGUYÊN THANH
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.