“Người ta chỉ có thể tách con người ra khỏi quê hương chứ không thể tách quê hương ra khỏi con người” (Ra-xum Gam-za-tôp). Hơn 20 năm nhập ngũ cũng là thời gian Nguyễn Hội đằng đẵng xa quê, nhưng những kỷ niệm ấu thơ, hình ảnh của bố mẹ, ông bà nội ngoại, những người họ hàng, bạn bè, mái đình, dòng sông, cây bàng, những mùa gấc chín và những mùa hoa, mùa rau trong khu vườn của mẹ... như những cơn gió ngằn ngặt thổi vào lòng đứa con xa, thổn thức. Nguyễn Hội viết: “Những buổi trưa hè khi tiếng ve râm ran khắp khu vườn.
 |
Bìa cuốn sách |
Tôi thích trốn mình dưới những tán lá ken dày xanh um của cây táo trong khu vườn hay dưới bóng mát mênh mông của cây ổi với những chùm quả sai lúc lỉu. Ở đó, tôi có thể vừa học bài rồi lăn ra ngủ mà không bị ai quấy rầy, rồi tận mắt chứng kiến từng nhành cây, chùm quả lớn dần lên mỗi ngày” (“Khu vườn của mẹ”). Cũng như tất thảy những người con trên đời, Nguyễn Hội luôn dành một tình cảm đặc biệt với mẹ. Hầu hết các bài viết gợi nhớ quê hương đều thấp thoáng trong con chữ của anh là hình bóng mẹ, đặc biệt có đến ba bài viết trực tiếp khắc họa hình ảnh người mẹ: “Cơm chiều mẹ thổi khói bay”, “Khu vườn của mẹ”, “Mẹ già như chuối ba hương”. Nỗi nhớ, những nghĩ suy về mẹ của tác giả luôn làm người đọc xúc động: “Tôi vẫn thường nói với người bạn đời của mình rằng, những điều quý giá nhất trong cuộc đời này đang hiện hữu trong ngôi nhà của chúng ta, không thuộc về quá khứ, càng không phải ở tương lai. Và mẹ mãi mãi là điều quý giá nhất” (“Mẹ già như chuối ba hương”).
Chiếm dung lượng lớn trong tập sách là những bài viết của tác giả về miền Tây với rất nhiều quan sát, trải nghiệm, nghĩ suy, từ đó bồi đắp, vun vén trách nhiệm, tình cảm của một chàng trai miền Bắc theo tiếng gọi của Tổ quốc sẵn sàng Nam tiến, rồi tình nguyện ở lại gìn giữ biên cương và làm rể miền Tây. Qua ngòi bút của tác giả, ruộng đồng, sông nước vùng châu thổ Cửu Long hiện lên thật trù phú, trữ tình, lãng mạn. Đó là sắc hoa ô môi bừng nở trên đường tuần tra, là mênh mang những vạt hoa chiều tím, là man mác lục bình đòng đưa, xô dạt trên sông, là mùa vàng xôn xao lúa chín, là mùa vịt chạy rộn rã trên đồng, là mùa nước nổi ăm ắp cá tôm... Nhưng hơn hết, là tình người hồn hậu, giản dị như sen lúa trên đồng, như phù sa trên sông ngòi bồi đắp: “Từ bao năm rồi, bến sông nhà em là điểm dừng chân cho cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng trên đường công tác... Mỗi khi có anh em trên đồn ghé nhà, câu đầu tiên người phụ nữ lớn nhất trong gia đình vồn vã, cất tiếng vọng từ nhà trên xuống tới sau hè: “Mấy đứa nhỏ đâu rồi, đi mần cá, nấu cơm cho các anh ăn nha”. Và rồi mảnh đất ấy với người con gái dịu hiền đã làm nên một thứ mật ngọt, “bùa yêu” khiến tác giả ngất ngây, nguyện chẳng xa rời: “Tôi quen em khi mùa nước nổi đang về... Buổi ban đầu gặp gỡ hai đứa song ca một bài vọng cổ. Để từ buổi ấy, hai đứa quen, thương nhau. Những buổi đi công tác chung là những lần hẹn hò, thầm trộm nhìn nhau trong thẹn thùng, bẽn lẽn”.
Khép lại những trang sách ngồn ngộn hơi thở cuộc sống được tái hiện bằng một giọng văn mượt mà, hồn hậu, thấm đượm tình đất, tình người, độc giả sẽ thêm yêu những “vùng đất ta qua, những con người ta gặp” trên khắp dải đất Việt thân yêu.
NGUYỄN PHÚ TÂN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.