Ban đầu, những truyện về Phòm, nhà văn Đỗ Hàn viết “chơi”, đăng trên trang Facebook cá nhân. Bạn bè cầm bút, độc giả đọc được thấy “hay hay”, động viên ông in sách. Thế là “Chuyện của Phòm” ra đời năm 2017. Liên tiếp hai năm sau đó, ông cho ra thêm “Chuyện của Phòm” tập 2 và tập 3.
 |
Bìa cuốn sách “Chuyện của Phòm”.
|
Ba tập sách với hơn 500 trang được nhà văn Đỗ Hàn dùng bút danh LaHan đề tên. Hỏi ra thì đây là bút danh tự trào đặt theo loại lá han gây ngứa. Như thế, bút danh này là một từ khóa quan trọng để hiểu ý nghĩa trào phúng của bộ sách. Dù được viết dưới thể loại nào đi chăng nữa, đã là trào phúng nghĩa là thường sử dụng tiếng cười để làm nổi bật nhược điểm, hay những mặt tiêu cực, xấu xa, bất cập... của đối tượng-có thể là cá nhân, tập thể, một lớp người hay thậm chí đặc tính xấu của con người như tham, sân, si. Đối tượng bị nhắc điểm xấu thể nào chả khó chịu, như bị lá han gây ngứa chạm vào.
Thông qua nhân vật Trưởng thôn Phòm-một cựu chiến binh phục viên về quê, học hành không nhiều nhưng thật thà, tốt tính và nhất là thẳng thắn, những điều tốt đẹp, những thói hư tật xấu của người nông dân được phơi bày không ngần ngại. Mà ai cũng biết, mẫu người văn hóa gốc của người Việt Nam là tiểu nông, cho nên đọc “Chuyện của Phòm” dường như ai cũng sẽ thấy hình bóng chính mình.
Phòm không phải người tọc mạch chuyện người khác, nhưng vì được người dân bầu làm trưởng thôn nên chuyện to, chuyện nhỏ trên đời tác động vào thôn, Phòm phải nắm hết. Nghe nhiều, rồi cũng phải ngẫm, phải so sánh để làm việc dân ủy thác, để đối nhân xử thế trong nhà ngoài ngõ. Như bàn về chuyện giáo dục, ngay cả với người thân, họ hàng, Phòm đều kiên quyết phải học thực chất.
Phòm không bỉ bôi bằng cấp bởi cũng có người học thật nhưng nếu học để “rửa bằng”, lòe thiên hạ, giải quyết “khâu oai” thì Phòm kiên quyết để con cháu mình thà làm thợ còn hơn làm thầy. Nhiều tình huống thâm thúy như đón tiếp lãnh đạo về quê, tác giả đã ngầm phê bình gay gắt những thói tật hiếu danh, bệnh hình thức của một bộ phận người có chức quyền.
Có những truyện lại như lời giáo huấn. Truyện “Thương người thì vẫn hơn” kể về hai cô gái trẻ đi chơi muộn bị nghi là gái làng chơi. Hai cô gái trẻ quá hoảng loạn, lúng túng, bị cấm khẩu luôn. Phòm bình tĩnh nhờ bác sĩ, gọi người nhà, “minh oan” cho hai cô gái. Chuyện này không có gì là buồn cười nhưng vẫn thâm thúy ở chỗ, trách nhóm người máy móc thực thi công vụ khiến hai cô gái lâm vào tình huống dở khóc dở cười.
Với hình thức tiểu phẩm ngắn, mỗi câu chuyện chỉ vài trăm chữ, rất dễ đọc, đi thẳng vào vấn đề, không dẫn dắt vòng vo. Đặc biệt, ngôn ngữ nhà văn sử dụng rất đời thường, bình dân, cảm giác người đọc như đang ở đầu làng, đầu ngõ hóng chuyện quê. Nhà văn Đỗ Hàn đã khéo léo kể chuyện mà ít khi đưa ra những bình luận, giải quyết vấn đề. Bởi có lẽ ông quan niệm nhà văn là người phát hiện “bệnh” (ở đây là những thói hư tật xấu) chứ không có nhiệm vụ “chữa bệnh”.
Nhà văn Đỗ Hàn hiện là Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam. Ông là cựu chiến binh rồi tham gia công tác chính quyền, đoàn thể ở quê nhà Vĩnh Phúc và Hội Nhà văn Việt Nam. Vốn sống, trải nghiệm nhiều lĩnh vực của ông thật “lợi hại”, khi viết 3 tập sách về Phòm mà người đọc vẫn thèm đọc, vẫn cảm thấy Phòm còn nhiều chuyện để kể. Bạn đọc và có lẽ cả tác giả rất mong mỏi Phòm không chỉ dừng lại ở trang sách mà còn xuất hiện trên sân khấu, màn ảnh, mang lại tiếng cười và sự ngẫm ngợi cho công chúng rộng rãi.
MỘC MIÊN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.