Trên cương vị là Giám đốc Văn hóa Truyền thông, anh đại diện cho Thaco góp phần mang đến cho người hâm mộ trái bóng tròn những thăng hoa cảm xúc. Nguyễn Một khẳng định, trong quá trình xây dựng, phát triển, tập đoàn Thaco có quỹ hoạt động an sinh xã hội là nhằm chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng. Tôi rất thích lối nói chuyện rất dí dỏm của con người anh. Nguyễn Một liên tưởng giữa những chiếc bánh xe ô tô và trái bóng là “chuyển động tròn”. Những chuyển động tròn ấy có tác động giúp cho đời sống nhân loại phát triển.
 |
Tác giả và nhà văn Nguyễn Một.
|
Gặp nhanh nhưng không vội vã, trong câu chuyện, anh tặng chúng tôi cuốn sách mới tái bản: Năm đứa trẻ xóm đồi. Tập sách này anh viết cho thiếu nhi. Đọc cuốn sách ấy, tôi bắt gặp bao kỷ niệm tuổi thơ của mình. Cái khiến tôi tò mò hơn, bởi cái vóc dáng to lớn, hơi thô nhưng thân thiện của anh, rất chân tình, khi đằm lòng với ký ức tuổi thơ lại trong veo. Bởi nữa, tôi biết tuổi thơ của anh không được êm đềm như bạn bè mà phải vật vã, bươn chải.
Vừa chặt củi, đốt than kiếm sống, vừa đi học tìm chữ, anh trở thành thầy giáo, yêu chữ, yêu người trở thành nhà báo, rồi làm truyền thông ở một tập đoàn kinh tế lớn… Trong bộn bề của đời sống và của công việc, Nguyễn Một vẫn đủ sức để hoàn thiện gần 20 đầu sách. Sách của Nguyễn Một cũng như chất sống tổng hợp trong con người anh, khá đa dạng, anh có cả tản văn, bút ký, truyện ngắn, truyện vừa và tiểu thuyết. Các vấn đề mà anh đề cập cũng đa dạng, từ văn hóa, lịch sử, chiến tranh, đến thương trường… mạch đề tài, mạch sống nổi cộm hiện nay. Trong số những đứa con tinh thần của anh, truyện ngắn “Trước mặt là dòng sông” của anh được đạo diễn Khải Hưng chuyển thể thành phim và tiểu thuyết “Đất trời vần vũ” được giải C cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn Việt Nam 2010. Một số cuốn khác được các giải của ngành, địa phương trao tặng.
Đã rất thành công với hai tiểu thuyết “Đất trời vần vũ” và “Ngược mặt trời”, lần này, nhà văn Nguyễn Một tạm rời phong cách huyền ảo quen thuộc của những cuốn tiểu thuyết trước để đào sâu mảnh đất hiện thực bằng những chiêm nghiệm đời sống của chính tác giả. “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” là câu chuyện về cuộc tình của một chàng trai nông thôn "trốn lính" lên thành phố rồi đem lòng yêu một cô bé ở vùng ven phố thị. Câu chuyện tình của họ diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến đang giai đoạn rực lửa. Tuy nhiên, suy cho cùng đây không phải là một tiểu thuyết diễm tình, bởi xung quanh mối tình này còn chằng néo hàng loạt mối quan hệ với những nhân vật, những con người mang thân phận khác nhau.
Cuốn tiểu thuyết “Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín” này có lẽ anh thai nghén từ lâu nhưng mới xuất bản trong tháng 5 và mới ra mắt giữa tháng 6-2023 do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn thẩm định, Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Liên Việt phát hành. Cuốn tiểu thuyết dày hơn 300 trang, Nguyễn Một tiếp tục lựa chọn đề tài chiến tranh để khai thác. Chiến tranh không thể thiếu mất mát, đau thương nhưng góc nhìn của nhà văn trong cuốn sách này không bi lụy, mà đủ để thấy được khát khao sống trong hòa bình và vươn lên để cuộc đời tươi thắm hơn, như Nguyễn Một viết “Nắng tiếp tục đổ lửa xuống các mái nhà tranh. Những người lính căng thẳng đưa tay quệt mồ hôi. Chỉ có những hàng cau thản nhiên đung đưa đón nắng mỗi khi có cơn gió nhẹ thổi qua”. Một thoáng qua ấy, đủ để thấy, Nhà văn Nguyễn Một dù đã ở tuổi 60 nhưng người đàn ông đất Quảng này vẫn rất dồi dào cảm xúc, dồi dào nguồn năng lượng…
Xin được trân quý đón nhận cuốn sách của anh!
NGÔ ANH THU