Nhân vật Thục kể chuyện về thời gian sống và chiến đấu tại chiến trường rất ác liệt ở miền Trung từ năm 1972 đến kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước năm 1975. Toàn chuyện người thực, việc thực được kể hết sức giản dị nhưng giàu tình người, sâu đậm tình đồng chí, đồng đội, vẽ nên bức tranh rất đẹp của người chiến sĩ trong cuộc chiến đấu đầy gian nan, thử thách với biết bao hy sinh, mất mát, đau thương. Đây chỉ là một trong những lát cắt đẹp nhất trong cuộc đời nhiều sự kiện, nhiều hoạt động đặc sắc của Đại tá Vũ Thị Hồng, nguyên Trưởng ban Phụ nữ Quân đội.

leftcenterrightdel
Bìa cuốn sách.

Tác giả đã phác họa toàn cảnh cuộc chiến đấu của quân và dân ta tại miền Trung Trung Bộ trong thời điểm cam go của chiến tranh. Cái tài và sự nhạy bén chính trị của nhà văn Bắc Hà chính là ở chỗ chị chỉ là một sinh viên Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Khoa Văn học và Khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), tuổi đời còn rất trẻ, đã xung phong vào chiến trường chiến đấu bằng ngòi bút và cây súng, nhưng đã nhanh chóng nhập cuộc và có tầm nhìn bao quát toàn cảnh cuộc chiến đấu.

Đọc toàn bộ cuốn truyện ký hơn 250 trang của chị, lớp trẻ hiện nay đã hình dung được bối cảnh cuộc chiến đấu không chỉ trong địa bàn chị trực tiếp quan sát, mà rộng hơn là cục diện chiến tranh tại Quân khu 5 và mang dáng dấp cuộc chiến đấu trên toàn chiến trường. Điểm xuyết trong mỗi sự kiện, sự việc và con người trên các địa bàn của Quân khu 5, tác giả đều gắn với tin tức trên các chiến trường Việt Nam và hậu phương lớn miền Bắc ở thời điểm cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước đi gần đến đích thành công.

Qua các câu chuyện giản dị nhưng giàu tình người, tác phẩm đã khắc họa rõ nét vẻ đẹp đầy cá tính của sự anh hùng, quả cảm, đồng thời cũng không né tránh những mặt xấu của con người trong cuộc chiến. Những câu chuyện cảm động khiến người đọc rơi nước mắt trước những mất mát, hy sinh; đồng thời cho thấy những ai đã trải qua cuộc chiến đấu càng thấu hiểu và trân quý giá trị cuộc sống hòa bình hôm nay. 

Cuốn sách có nhiều chi tiết tinh tế, sâu sắc, thể hiện óc quan sát nhạy bén và ngòi bút nhân văn của tác giả. Ví như nhìn cây cọ trước lán mình ở, thấy nhú lên một mầm non và từng ngày, từng ngày quan sát để đếm được mốc thời gian mà chị sống tại chiến trường. Hoặc dư vị cái đói giày vò không ngủ được, tác giả phải lấy ngón tay chấm vào lọ muối cho lên miệng nhấm nháp vị mặn để quên đi cái đói. Cái hay và độc đáo trong tác phẩm là nhiều chi tiết mà chỉ người trong cuộc mới có thể nói ra được, chứ không thể bằng trí tưởng tượng hay hư cấu.

TRẦN NHUNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.