Báo chí cách mạng Việt Nam gắn liền với những cuộc chiến tranh khốc liệt, nhiều hy sinh, gian khổ để bảo vệ Tổ quốc, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân và góp phần không nhỏ vào quá trình xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước ngày một bền vững đi lên như ngày nay.

Những người làm báo chí cách mạng không chỉ là những nhà báo làm nhiệm vụ đưa thông tin đơn thuần mà họ còn trở thành những nhân vật của lịch sử, những chiến sĩ thực thụ trên chiến trường, những nhà cách mạng chiến đấu, hy sinh để giành độc lập, tự do cho dân tộc, những người đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của nền báo chí nước nhà. Những cống hiến của các nhà báo lão thành với nền báo chí cách mạng Việt Nam đã trở thành di sản báo chí quý giá, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Vì vậy, việc khai thác và gìn giữ nguồn tư liệu lịch sử báo chí vô giá từ thế hệ những nhà báo cách mạng tiên phong là việc làm có ý nghĩa trong bối cảnh sự phát triển của nền báo chí hiện nay.

leftcenterrightdel
 Bìa cuốn sách.

Với gần 400 trang sách, bằng kinh nghiệm trải đời, trải nghề, GS, TS Tạ Ngọc Tấn đã khéo léo sáng tạo mỗi bài viết của mình thành một bức ký họa đơn giản, tái hiện bức tranh lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam với đầy ắp sự kiện, tư liệu lịch sử và bài học kinh nghiệm, nhưng không hề khiến độc giả thấy khô khan, tẻ nhạt, nhàm chán, ngược lại rất lôi cuốn.

Theo GS, TS Tạ Ngọc Tấn: “Viết về các nhà báo, nhất là những người thuộc thế hệ tiền bối, là công việc không đơn giản, dễ dàng. Cái khó trước hết là tư liệu, tài liệu, nhất là các bộ sưu tập báo không dễ tìm thấy một cách đầy đủ. Chưa kể, các nhà báo thường sử dụng nhiều bút danh và cộng tác đồng thời với một số tờ báo khác nhau. Khó hơn chính là đánh giá, nhận định về chuyên môn, nghề nghiệp, sự đóng góp của mỗi nhà báo”.

Bác Hồ-nhà báo Hồ Chí Minh, người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam-là chân dung nhà báo Việt Nam đầu tiên được giới thiệu trong tập sách này. Các nhà báo tiếp theo được sắp xếp theo ngày, tháng, năm sinh để thuận lợi cho bạn đọc theo dõi dòng chảy của lịch sử, lần lượt là các nhà báo: Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Tất Tố, Nguyễn An Ninh, Trần Huy Liệu, Trường Chinh, Phan Thanh, Hải Triều, Võ Nguyên Giáp, Xuân Thủy...

Lịch sử báo chí cách mạng đã trải qua 99 năm với biết bao thăng trầm và biến động, nhưng những bài học kinh nghiệm về lập trường, quan điểm của người làm báo, sự giác ngộ đường lối cách mạng, những phẩm chất cần có của người làm báo, lòng yêu nghề và sự dấn thân trong “Chứng nhân lịch sử” (tập 1) vẫn còn nguyên giá trị, trở thành cẩm nang quý đối với những nhà báo trẻ cũng như những người đang chuẩn bị bước vào nghề báo.

Bằng giọng văn mộc mạc, mang đậm hơi thở cuộc sống, cuốn sách không chỉ giúp độc giả có cái nhìn chân thực, cùng hồi tưởng về những năm tháng gian khổ thuở mới làm nghề của những nhà báo gạo cội, khơi gợi những kinh nghiệm trong công việc làm báo cao cả nhưng cũng nhiều khó khăn, thách thức mà còn nhắc nhở mỗi thế hệ người làm báo bài học về tinh thần sáng tạo, ý thức trách nhiệm, ý chí và bản lĩnh trong quá trình lao động, cống hiến.

Hy vọng những tập sách tiếp theo sẽ được xuất bản trong thời gian tới, tiếp tục là những trang viết hấp dẫn mà bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc trẻ tuổi nên đọc, không chỉ để biết, để hiểu hơn nghề báo mà còn có thể rút ra những bài học nghề nghiệp, làm giàu có vốn tri thức và quan trọng hơn là truyền đến họ “lửa nghề”, động viên họ bước tiếp trên “cánh đồng chữ nghĩa”.

NGUYỄN CHẮT

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.