Đọc tác phẩm, chúng ta bắt gặp một Nguyễn Trí vừa thân quen, vừa mới mẻ. Thân quen vì vẫn là giọng văn đầy rắn rỏi, góc cạnh, xù xì mà chan chứa yêu thương tình người. Mới mẻ vì sự xuất hiện ngồn ngộn của một lớp nhân vật mới: Người công nhân. “Hoa xương rồng” viết về đời sống của người công nhân trong một công ty có vốn đầu tư nước ngoài về dệt may.

leftcenterrightdel
 Bìa cuốn sách.

Nguyễn Trí đã dựng nên một “thế giới” công nhân với tất cả sự đa dạng về thân phận, cảnh huống. Trong thế giới ấy, có những em gái 15, 16 tuổi như Hương vì hoàn cảnh nghèo khó phải bỏ học giữa chừng để đi làm; có những “tay giang hồ” sau một thời gian vẫy vùng giờ vào nhà máy để sống cuộc đời yên ổn như Năm lựu đạn; lại có những cặp vợ chồng trí thức như Tuấn-Trang... Mỗi người tùy vào trình độ học vấn mà làm những công việc khác nhau. Người làm công việc tay chân ở kho, ở xưởng, người phụ trách phòng thí nghiệm, người làm quản lý... Song tất cả đều chỉ là người làm thuê, chịu sự sắp đặt của ông chủ người nước ngoài. Từ đây, Nguyễn Trí đã hé lộ những góc khuất ảm đạm, tăm tối của phận đời công nhân. 

Qua những trang viết của ông, người công nhân thật đáng thương vì đồng lương còm cõi, không đủ sống, phải làm việc trong môi trường độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe. Người công nhân cũng đáng trách vì còn có lúc, có thời điểm họ tỏ ra “khôn lỏi”, không chuyên nghiệp trong công việc, thậm chí trong nhiều cảnh ngộ, họ đã làm những việc phi pháp. Nga, An, Tâm trộm vật tư bán ra ngoài, Tin ghi đề. Kéo theo đó là các tệ nạn xã hội như hút chích, trai gái, nhậu nhẹt... để xả hơi, vơi bớt nỗi buồn sau những giờ làm việc căng thẳng. Sau cùng, người công nhân còn đáng trách khi vì miếng cơm manh áo, họ đã nhẫn nhịn trước những điều ngang trái, bất công xảy đến với mình và đồng nghiệp trong công ty.

Tuy nhiên, những điều ấy chỉ là “phông nền” để Nguyễn Trí làm nổi bật lên vẻ đẹp của con người Việt Nam nói chung, tầng lớp công nhân Việt Nam nói riêng. Vẻ đẹp ấy được thu lại trong gia đình Năm Thao và Năm lựu đạn. Đó là vẻ đẹp tình vợ chồng thủy chung son sắt, tình cha con nghĩa nặng, của phẩm cách “bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” trong con người Năm Thao trước những tệ nạn, cám dỗ cuộc đời ngày đêm bủa vây. Đó còn là vẻ đẹp của tình yêu thương, chở che, bảo vệ nhau của những công nhân tụ họp lại dưới lá cờ của công đoàn. Họ sát cánh bên nhau, đứng lên đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng, bất chấp việc mình sẽ bị trù úm, thậm chí đuổi việc. Hành động của Năm lựu đạn và vị chủ tịch công đoàn huyện bảo vệ Quân khỏi sự chèn ép của lãnh đạo công ty làm ấm lòng bạn đọc vì ở đâu, trong hoàn cảnh tăm tối, cơ cùng đến thế nào, cái thiện, cái cao cả của con người vẫn tồn tại, vẫn thắp sáng hy vọng về tương lai tốt đẹp hơn cho những con người khốn khó.

Với “Hoa xương rồng”, một lần nữa nhà văn Nguyễn Trí lại thành công ở đề tài sở trường của mình. Như lời của một nhà thơ, Nguyễn Trí luôn đứng về “phe nước mắt”, về phía những người yếu thế mà trong tác phẩm này là người công nhân.

Tiến sĩ ĐOÀN MINH TÂM

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.