Ông giảng dạy văn học Việt Nam hiện đại, chuyên chú về thơ tại Trường Đại học Tổng hợp Huế (nay là Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế) từ năm 1986. Hồ Thế Hà là tác giả các chuyên luận dày dặn, có tính khoa học cao và từng nhận được rất nhiều giải thưởng văn chương danh giá, tiêu biểu như: “Thế giới nghệ thuật thơ Chế Lan Viên”, “Những khoảnh khắc đồng hiện”, “Thơ Việt Nam hiện đại-thi luận và chân dung”, “Sức bền của thơ”, “Thao thức thơ”, “Khoảng lặng thơ”, “Đường biên thơ”...

Sau các cơn bạo bệnh, ở tuổi trên 70, ông lại làm bạn bè, đồng nghiệp và những học trò bất ngờ với chuyên luận phê bình thơ rất mới mẻ có tựa đề “Những tiêu điểm thẩm mỹ thơ” (Nhà xuất bản Văn học, 2023). Vừa qua, công trình này vinh dự được Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tặng thưởng mức B.

leftcenterrightdel
 Bìa cuốn sách.

 “Những tiêu điểm thẩm mỹ thơ” là một công trình phê bình thơ dày dặn và có tính hệ thống cao. Hơn 300 trang sách, Hồ Thế Hà đã lần lượt giới thiệu với chúng ta giá trị nghệ thuật, đặc trưng phong cách và các đóng góp cách tân của 20 gương mặt thơ ca Việt Nam đương đại. Trong số những gương mặt được lựa chọn để phê bình, có những người đã khá nổi tiếng trên văn đàn, như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Trọng Tạo, Chế Lan Viên, Yến Lan, Hàn Mặc Tử hay Huỳnh Thúc Kháng, song cũng có nhiều người khá mới mẻ so với đa phần bạn đọc phổ thông như Lê Văn Ngăn, Hải Kỳ, Hải Bằng, Trịnh Công Lộc, Lê Hữu Khóa, Cao Hạnh. Cái hay ở Hồ Thế Hà đó là, có những nhà văn, danh nhân lâu nay không được chú ý nhiều về thơ, song trong chuyên luận “Những tiêu điểm thẩm mỹ thơ” vẫn nhìn nhận những tác gia này dưới các sáng tác thi ca của họ, tiêu biểu có Huỳnh Thúc Kháng, Hoàng Phủ Ngọc Tường hay Nguyễn Quang Hà hoặc Hồng Nhu.

Việc lựa chọn 20 gương mặt thơ trong chuyên luận “Những tiêu điểm thẩm mỹ thơ” rõ ràng không tránh khỏi sự lựa chọn chủ quan của Hồ Thế Hà, dựa trên gu đọc và thẩm thơ, hoặc có thể, dựa vào mối quan hệ quen biết, yêu cầu nghiên cứu trường quy của ông. Song dẫu lựa chọn gương mặt nào, cái mà Hồ Thế Hà làm được đó là nhà phê bình luôn tìm được nhãn tự, con mắt thơ, tức phong cách cá nhân riêng của từng trường hợp. Đây là việc làm không dễ dàng gì, đòi hỏi sự nhạy cảm trong tiếp nhận thi ca, cũng như một trình độ lý luận thể loại nhất định.

Ví dụ, khi phê bình thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hồ Thế Hà nhận ra đây là một hồn thơ luôn khắc khoải, suy tư về nỗi buồn nhân thế, ám ảnh phù du có dấu ấn mơ mộng ảnh hưởng từ triết học. Lệ Thu là hồn thơ với những đam mê dâng hiến, càng về sau càng nghiêng về cảm hứng đời tư thế sự, “sống hết cái tôi nghệ sĩ của mình để sống hết cái ta nhân hậu”. Với Nguyễn Khắc Thạch, đó là thứ thơ lữ hành cô độc, dồn nén, ít nói và đậm chất thiền. Với Hồng Nhu, phong cách thơ đầy tính chất khắc khoải thời gian, một nghệ thuật “thời gian hóa không gian”. Thơ Lê Văn Ngăn thì đậm tiếng nói công dân, trữ tình, đề cao trách nhiệm công dân, cảm thức hiện sinh và triết lý cũng nổi lên như một phong cách riêng của ông.

Tóm lại, dù được viết ở nhiều thời điểm khác nhau, cũng như mức độ, trình độ nghệ thuật của các tác gia thơ Việt Nam đương đại mà Hồ Thế Hà lựa chọn để phê bình trong “Những tiêu điểm thẩm mỹ thơ” là có độ chênh nhất định, song cái thành công của công trình đó là đã tìm ra được mã thẩm mỹ riêng của từng thi sĩ. Để tìm được nhãn tự thơ đó, cần độ nhạy cảm tinh tế của tâm hồn nhà phê bình, và hơn hết là quá trình sống trọn vẹn với thi ca.

YẾN THANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.