Cuốn sách do NSNA Hà Hữu Đức, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ và Triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam và NSNA, nhà nghiên cứu lý luận phê bình Trần Mạnh Thường biên soạn, với gần 600 trang khổ 25cm x 30cm.

leftcenterrightdel
Bìa cuốn sách.

Nghề nhiếp ảnh do người Pháp mang đến Việt Nam cuối thế kỷ XIX. Về sau, một số NSNA người Việt Nam học nghề nhiếp ảnh và bắt đầu sáng tác nên những bức ảnh giá trị như: Võ An Ninh, Đỗ Huân, Lê Đình Chữ, Nguyễn Văn Khải, Nguyễn Bá Khoản... Với hàng nghìn bức ảnh, cuốn sách như một pho lịch sử bằng hình ảnh đầy tính hiện thực, sinh động về vẻ đẹp thiên nhiên, các di tích lịch sử, công trình kiến trúc, đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XIX-đầu thế kỷ XX. Hình ảnh trong cuốn sách không chỉ cho chúng ta thấy những sự vật, sự kiện đã tồn tại trước đó, những sự vật, sự kiện mới hình thành mà còn cho chúng ta biết được những thứ đã mất đi do chiến tranh và những thay hình đổi dạng do quá trình thực dân hóa. Chẳng hạn, có những phong tục, thói quen do sự thay đổi của đời sống đã không còn hiện diện. Trước đây, gần đến những ngày Tết, người dân có thói quen đến các cửa hàng tranh Tết để mua câu đối, tranh Tết về treo, thay thế những đồ đã dùng năm ngoái. Ngày nay, thú vui đó đã mai một, hoặc nếu có thì nhờ thương mại điện tử phát triển, hàng hóa được gửi đến tận nhà nên ít ai đi ra phố mua tranh Tết về treo nữa.

Các bức ảnh được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau, bố cục theo chủ đề (di tích và phong cảnh Việt Nam, phố phường, văn hóa, giáo dục, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, giao thông vận tải, thương mại dịch vụ, đời sống hoàng gia triều Nguyễn và sứ thần, đời sống tầng lớp trung lưu và thượng lưu, đời sống người lao động, đời sống người dân tộc thiểu số) được sắp xếp từ Bắc vào Nam.

Do nội dung cuốn sách bao quát cả một thời kỳ dài của lịch sử, công tác sưu tầm có nhiều khó khăn nên cuốn sách không tránh khỏi hạn chế, còn nhiều bức ảnh chưa được đưa vào cũng như chưa khỏa lấp được hết các vùng, miền, các tỉnh, thành phố... Tuy nhiên, giá trị của cuốn sách vẫn rất lớn. Theo NSNA Trần Thị Thu Đông, Chủ tịch Hội NSNA Việt Nam: “Hình ảnh Việt Nam cuối thế kỷ XIX-đầu thế kỷ XX” không chỉ đem đến cho độc giả những ký ức lịch sử dân tộc mà còn gợi mở những vấn đề về bảo tồn kiến trúc đô thị, nông thôn, những vấn đề về lịch sử, văn hóa, giáo dục, phát triển kinh tế của Việt Nam trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Chính những vẻ đẹp trong quá khứ đó đã trở thành nền tảng cho sự phát triển của tương lai.

HÀM ĐAN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.