Năm nay, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng nhờ công tác tổ chức bài bản, khoa học, Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc vẫn thu hút tới 4.200 bài dự thi. Bà Vũ Thị Kim Anh, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin-Thư viện (ĐHQGHN) cho biết: “Nếu như năm 2020 thí sinh trực tiếp gửi bài thi về trung tâm thì năm nay họ gửi về ngôi trường mà mình đang theo học. Từ đó, mỗi trường trong hệ thống ĐHQGHN sẽ tổ chức chấm thi, chọn 10 tác phẩm xuất sắc gửi tham dự vòng chung khảo. Tại đây, ban tổ chức sẽ chấm xếp hạng giải thưởng, đồng thời chọn ra 20 tác phẩm xuất sắc gửi Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc cấp quốc gia. Thông qua cách làm mới này, số lượng và chất lượng bài dự thi được nâng lên rõ rệt”.
 |
Ban quản lý Không gian tự học của sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) giới thiệu một số cuốn sách hay.Ảnh: VIỆT KHOA |
Sau 5 tháng triển khai, Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2021 của ĐHQGHN đã trao thưởng cho 36 bài thi xuất sắc, gồm: 1 giải đặc biệt, 4 giải nhất, 6 giải nhì, 11 giải ba, 14 giải khuyến khích. Ngoài ra, 7 tác phẩm của học sinh, sinh viên ĐHQGHN đã xuất sắc đoạt giải tại Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc 2021 cấp quốc gia, gồm: 1 giải nhì, 1 giải ba và 5 giải khuyến khích. Mỗi bài dự thi chính là suy nghĩ, cảm nhận của tác giả về cuốn sách hay và ý tưởng lan tỏa văn hóa đọc.
Em Bùi Nguyễn Tiến Thành, học sinh lớp 11A11, Trường THPT Khoa học Giáo dục (Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN) chia sẻ: “Em từng là người tự ti, nhiều khi cảm thấy cuộc sống có phần tẻ nhạt. Nhưng tất cả đã thay đổi từ khi em được mẹ tặng cuốn sách “Đánh thức con người phi thường trong bạn” của tác giả Anthony Robbins. Thế là chẳng hiểu sao mọi suy nghĩ trong em dần thay đổi. Cuốn sách khơi dậy trong em những suy nghĩ sâu sắc về giá trị cuộc sống. Từ đó, giúp em định hướng kế hoạch cuộc sống, tương lai một cách rõ ràng”.
Là đơn vị có nhiều tác phẩm dự thi nhất, Trường Đại học Ngoại ngữ (ĐHQGHN) với những cách làm hay để lan tỏa phong trào đọc sách cho sinh viên. TS Nguyễn Xuân Long, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ cho biết: “Nhà trường đã tổ chức một số cuộc tọa đàm nhằm chia sẻ những cuốn sách hay cho sinh viên. Ngoài ra, nhà trường tổ chức ngày hội sách, giới thiệu sách, thử thách "10 cuốn sách sinh viên cần đọc". Hiện tại, nhà trường có 8 không gian giống như thư viện mở giúp sinh viên vừa học tập, vừa đọc sách”.
Ông Phạm Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đánh giá: “Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc đã diễn ra được 3 năm với nhiều dấu ấn tốt đẹp về việc lan tỏa niềm đam mê đọc sách trong mọi lứa tuổi, đặc biệt với học sinh, sinh viên. ĐHQGHN là một trong những trường có nhiều học sinh, sinh viên hưởng ứng tham dự. Tôi mong rằng với bề dày truyền thống lịch sử, ĐHQGHN sẽ tiếp tục khơi dậy và phát huy niềm đam mê đọc sách cho học sinh, sinh viên tốt hơn trong thời gian tới”.
HOÀI PHƯƠNG