Cuốn sách “Động cơ Turbin, động cơ tên lửa và động cơ Ramjet/Scramjet trên các thiết bị bay hiện đại” do GS Nguyễn Hoàng Nghị làm chủ biên, TS Nguyễn Khải Hoàn và TS Nguyễn Ðình Thái đồng chủ biên, được xuất bản bởi Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật (Bộ Khoa học và Công nghệ).
 |
GS Nguyễn Hoàng Nghị (đeo kính) giới thiệu cuốn sách với các đại biểu tại lễ ra mắt sách.
|
Hiện nay mỗi năm nước ta có 70-80 triệu người đi máy bay. Mỗi ngày trên bầu trời Việt Nam có tới khoảng 2.000 chuyến bay. Những con số ước lượng trên cho thấy phương tiện bay ngày càng được người dân lựa chọn. Các máy bay chở khách ở nước ta đều gắn động cơ Turbin các loại. Turbin cánh quạt có trên máy bay ATR 72, các máy bay Airbus và Boeing các loại đều gắn các động cơ Turbin phản lực, chủ yếu là Turbofan. Các máy bay nước ngoài bay tới các sân bay quốc tế nước ta cũng gắn động cơ Turbofan như: Airbus 350, Boeing 787 hay IL 86-96, Sukhoi Jet 100...
GS Nguyễn Hoàng Nghị chia sẻ: “Cuốn sách như một tài liệu tham khảo dành cho các bạn đọc đang khai thác, vận hành hoặc bước vào nghề sửa chữa, thiết kế từng phần và tiến tới thiết kế các loại động cơ hiện đại cho các thiết bị bay. Nội dung cuốn sách sẽ giúp người đọc dễ dàng đọc các tài liệu chuyên sâu hơn về vật lý và công nghệ động cơ Turbin, động cơ tên lửa và động cơ Ramjet/Scramjet”.
 |
Bìa cuốn sách. |
Về nội dung, cuốn sách trải rộng trên nhiều vấn đề lý thuyết về sức đẩy của các loại động cơ, nguyên lý hoạt động của chúng dựa trên các định luật cơ học và nhiệt động lực học. Cuốn sách đề cập tới cấu tạo của các loại động cơ Turbin phản lực, động cơ tên lửa và động cơ Ramjet/Scramjet. Đây là các động cơ nhiệt, làm việc trong vùng nhiệt độ rất cao (1.500 - 2.500°C), vì vậy vấn đề làm mát các chi tiết động cơ và thiết kế các vật liệu chịu nhiệt để chế tạo động cơ cũng được trình bày. Một loại động cơ phản lực siêu thanh đồng thời là tên lửa siêu thanh Ramjet và Scramjet có cấu tạo đơn giản nhất cũng được giới thiệu.
Cuốn sách dày 314 trang, nội dung chia thành 6 chương: Động cơ Turbin khí; tên lửa và động cơ tên lửa; vòi phun tên lửa; lực đẩy của động cơ Turbin, của tên lửa và phương trình Tsionkovskii, động cơ Ramjet và Scramjet, các động cơ nhiệt và chu trình nhiệt động.
GS, TS Nguyễn Đại Hưng, Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam nhận xét: Cuốn sách phù hợp để bạn đọc tìm hiểu, làm chủ và tham khảo về mọi vấn đề cơ bản và công nghệ phức tạp nhất trong vận hành, sửa chữa và bước đầu thiết kế, chế tạo các loại động cơ hiện đại; đồng thời cuốn sách có thể bổ ích cho các sinh viên nghiên cứu sinh các chuyên ngành liên quan. Tuy nhiên, nội dung cuốn sách khá trải rộng, nên vấn đề nêu ra chỉ là sự gợi mở, là nguyên lý cơ bản nhất, trên cơ sở đó các chuyên gia có thể đi sâu vào một vài vấn đề quan tâm.
Tin, ảnh: LA DUY
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.