Càng đọc, tôi càng thấy ngỡ ngàng về một xứ Đông với tầng tầng trầm tích văn hóa, văn hiến. Tôi cảm nhận được sự gần gũi, được hòa cùng những trang sử hào hùng của dân tộc với các sự kiện văn hóa, lịch sử được khởi dựng lại nghiêm cẩn và minh triết, khoa học; những tên tuổi, sự nghiệp của các danh nhân được soi rọi, tỏa sáng; những địa danh lịch sử được xác định; những công trình văn hóa tâm linh được phục dựng...

Tâm huyết trong nhiều năm cống hiến cho sự nghiệp văn hóa, giáo dục của tỉnh Hải Dương, tác giả Nguyễn Hữu Oanh đã đúc kết, ghi chép lại công cuộc tìm kiếm, phục dựng, tôn tạo, khai mở... lớp trầm tích văn hóa, văn hiến xứ Đông giai đoạn 1997-2006. Tuy là một công trình biên khảo, ghi chép nhưng cuốn “Văn hiến xứ Đông” mang phong cách thấm đẫm chất văn và dã sử, phóng sự.

leftcenterrightdel

       Bìa cuốn sách “Văn hiến xứ Đông”.

Cuốn sách được kết cấu thành 5 phần, như 5 cung bậc, 5 khúc biến tấu của một bản sử thi về lịch sử, văn hóa và danh nhân xứ Đông.

Phần I-Cung thỉnh tiền nhân: Là cuộc đối thoại giả tưởng giữa tác giả với giáo sư Hoàng, một người bạn thân thiết. Cuộc đối thoại là câu chuyện sinh động, lúc tung hứng, lúc lục vấn, phản biện cuốn hút người đọc. 15 công trình văn hóa tâm linh quan trọng bậc nhất xứ Đông và cũng là tiêu biểu quốc gia mà tác giả được tham gia tìm kiếm, phục dựng, tôn tạo, như: Khu di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc, đền thờ Chu Văn An, Văn miếu Mao Điền, đền thờ Khúc Thừa Dụ, đền Thanh Mai... 

Phần II-Lời hậu thế: Đây là phần tập hợp những văn tế, diễn văn, hội thảo khoa học... về các bậc tiền nhân xứ Đông và gắn bó với tỉnh Hải Dương. Đó là những cảm xúc tối linh, những khảo cứu khoa học nghiêm cẩn mà minh triết, những gợi mở có tính phát hiện rất cao. Đặc biệt, những tham luận về Côn Sơn và Nguyễn Trãi, về Chu Văn An, Tuệ Tĩnh thần y, Khúc Thừa Dụ... có những kiến giải và phát hiện xứng tầm các công trình khoa học.

Phần III-Dấu ấn tháng năm và phần IV-Phút nhập đồng: Tác giả giới thiệu với người đọc về một phần đời tư của mình-một thầy giáo địa lý từng dạy học ở tuyến lửa Quảng Bình trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước về tham gia giảng dạy tại quê nhà, rồi rẽ sang làm cán bộ quản lý, từ Bí thư Huyện ủy Cẩm Giàng đến Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, phụ trách văn hóa, xã hội... 

Phần V-Tấm lòng bầu bạn: Phần kết của cuốn sách như lời tâm sự, gửi gắm của bạn bè tới tác giả-người có những đóng góp đáng ghi nhận với những công trình văn hóa tâm linh ghi ơn các anh hùng dân tộc, các danh nhân văn hóa, nhà khoa học, y học của xứ Đông mà ông đã cùng lãnh đạo chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương xây dựng trong nhiều năm.

Tin rằng, “Văn hiến xứ Đông” sẽ giống như một món quà tặng ý nghĩa của Hải Dương-vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu đẹp, văn hiến và luôn rộng mở đón bè bạn gần xa.

Bài và ảnh: GIANG LONG

*  Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.