Để tìm hiểu về vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Mạc Thùy Dương, Giám đốc Thư viện Quân đội.

Phóng viên (PV): Đồng chí cho biết công tác bảo đảm chế độ, định mức, tiêu chuẩn sách trong Quân đội hiện nay được thực hiện như thế nào?

Thượng tá Mạc Thùy Dương: Thực hiện theo Thông tư số 138/2020/TT-BQP ngày 10-11-2020 của Bộ Quốc phòng "Quy định chế độ, định mức, tiêu chuẩn đời sống văn hóa, tinh thần trong Quân đội nhân dân Việt Nam", Thư viện Quân đội bảo đảm 50% bằng hiện vật các sách về chính trị, pháp luật, quân sự, văn học, văn hóa, kỹ năng sống, hướng nghiệp... 50% còn lại do đơn vị tự bảo đảm theo nhu cầu đọc. Qua nắm tình hình ở cơ sở, có thể thấy sách trong các thư viện của Quân đội quản lý được thẩm định chặt chẽ về nội dung, đúng tỷ lệ quy định, đáp ứng cơ bản nhu cầu đọc sách của bộ đội, phục vụ có hiệu quả cho nhiệm vụ học tập, công tác và nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

leftcenterrightdel

Các đại biểu tham quan triển lãm sách tại Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2023 do Thư viện Quân đội tổ chức. Ảnh: VÂN HÀ 

PV: Bảo đảm cấp đúng, cấp đủ sách cũng quan trọng song không quyết định chất lượng phong trào văn hóa đọc ở đơn vị. Tính chủ động, sáng tạo trong triển khai phong trào văn hóa đọc hiện nay trong Quân đội như thế nào, thưa đồng chí?

Thượng tá Mạc Thùy Dương: Thư viện Quân đội đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm phát triển văn hóa đọc, đồng thời hướng dẫn, chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị trong toàn quân tổ chức tốt các hình thức phong phú, đa dạng như: Phát động Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc trong Quân đội, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, triển lãm, giao lưu, tọa đàm, hội thảo khoa học, tặng sách, luân chuyển sách, báo... nhằm khuyến khích cán bộ, chiến sĩ tham gia đọc sách.

Nhiều đơn vị đã có cách làm sáng tạo như phục vụ sách lưu động, luân chuyển sách xuống đơn vị cơ sở; xây dựng các video clip, truyền thanh nội bộ giới thiệu sách mới, sách hay; đưa việc tìm hiểu sách và đọc sách gắn với các ngày lễ, sự kiện quan trọng. Tuy nhiên, phong trào văn hóa đọc ở một số đơn vị còn thiếu thực chất; hình thức hoạt động chưa phong phú, chưa duy trì thành nền nếp thường xuyên. 

PV: Vấn đề thời sự là chuyển đổi số để thúc đẩy phong trào văn hóa đọc. Đồng chí cho biết hệ thống thư viện toàn quân đang thích ứng với sự thay đổi này như thế nào?

Thượng tá Mạc Thùy Dương: Ngành thư viện Quân đội đang nỗ lực chuyển đổi số khẩn trương, hiệu quả. Không chỉ đơn thuần là số hóa tài nguyên thông tin-thư viện, chuyển đổi số còn góp phần thay đổi quy trình, mô hình hoạt động để cung cấp dịch vụ mới, phục vụ bạn đọc tốt hơn. Hiện nay, Bộ Quốc phòng đã xây dựng được hệ thống thư viện số dùng chung trên Mạng truyền số liệu quân sự với hơn 40 đầu mối thư viện tham gia, tích hợp dữ liệu, khai thác và sử dụng chung dữ liệu. 

Các thư viện trong Quân đội đang tập trung số hóa tài liệu, giáo trình, đầu tư hạ tầng trang thiết bị, thay đổi phương thức phục vụ, tăng cường tuyên truyền qua trang web, mạng xã hội và các ứng dụng để lưu trữ, quảng bá video clip giới thiệu sách, triển lãm sách online... Tuy nhiên, kết quả vẫn còn ở mức khiêm tốn. Vì vậy, cần có sự quan tâm đầu tư của Bộ Quốc phòng để chuyển đổi số ngành thư viện. Chuyển đổi số thư viện thành công sẽ làm thay đổi toàn diện cách thức một thư viện tương lai hoạt động, tăng hiệu quả, tối ưu hóa hiệu suất của thư viện và mang lại giá trị cho người đọc, giúp người đọc tiếp cận được những nguồn tri thức phong phú, nhanh và tiện lợi nhất.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

HÀM ĐAN (thực hiện)