QĐND - Người Pháp gọi ông là “Beethoven của Việt Nam”; người Thụy Sĩ coi ông là “di sản sống” hiếm có của thế giới; kênh truyền hình hàng đầu nước Đức (DW) làm chương trình về ông trong chuỗi chương trình "Toàn cầu 3000" (một chương trình về 3.000 nhân vật, sự kiện trọng đại làm thay đổi bộ mặt thế giới đương đại)... Ông là nhà soạn nhạc-nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ.
Một tài năng âm nhạc hiếm thấy
Nhà soạn nhạc-nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ là tác giả của nhiều bài hát nổi tiếng như “Yêu người bao nhiêu, yêu nghề bấy nhiêu”, “Dạ khúc”, “Nhớ trăng huyền xưa”, “Bóng chiều”... Tuy nhiên, sự nghiệp âm nhạc của ông gắn nhiều với 9 bản xô-nát (sonate). Ở đó, thiên tư, sức tưởng tượng và tài năng sáng tạo của ông bộc lộ thực sự rõ ràng. Nhiều người nhận xét, nhạc của ông là sự kết hợp của âm nhạc hàn lâm quốc tế hòa quyện với tinh thần dân tộc Việt. Nhà sử học Dương Trung Quốc từng nói: “Âm nhạc của ông là sự kết hợp tuyệt vời của phương Đông và phương Tây. Những bản xô-nát của ông rất Việt Nam”. Những bản xô-nát mang ngôn ngữ quốc tế hòa quyện với tinh thần Việt của Nguyễn Văn Quỳ còn được các đại sứ quán tại Việt Nam sử dụng trong những buổi giao tiếp trọng thể. Chính những người ở Đại sứ quán Pháp gọi ông là “Beethoven của Việt Nam”.
Bà Bertile Fournier, giáo sư Nhạc viện Trung tâm Pa-ri (Pháp), Chủ tịch Hiệp hội âm nhạc Lily Laskine, đồng thời là chủ tịch nhiều cuộc thi nhạc quốc tế tại châu Âu, từng thốt lên: “Quỳ thân mến, anh đã tạo ra một ngôn ngữ âm nhạc mới nhưng khó với rất nhiều biến âm”. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ đã ba lần được bà Bertile mời sang Pháp để giới thiệu những bản xô-nát với tư cách nhà soạn nhạc. Chính những lần đó, ông được tận mắt chứng kiến khán giả bật khóc ngay tại thính phòng sau khi nghe nhạc của mình. Với ông, niềm hạnh phúc khi gặp những tâm hồn đồng điệu là phần thưởng lớn cho cuộc đời sáng tác.
 |
Nhà soạn nhạc - nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ bên cây đàn pi-a-nô thân thuộc. |
Nghệ sĩ Isabelle Durin, cây violon số 1 của Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Ile-de-France, cũng từng sang Việt Nam chỉ để gặp gỡ ông và biểu diễn những bản xô-nát của ông (trong đó có bản số 7 mà bà rất yêu thích) cùng những tác phẩm của các nhà soạn nhạc lừng danh thế kỷ 18, 19. Với 9 bản xô-nát được đánh giá cao, ông trở thành hội viên mang quốc tịch Việt Nam đầu tiên của Hiệp hội Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc toàn thế giới (SACEM). Và ông chỉ đồng ý cho SACEM ghi danh mình với điều kiện: Dành cho Việt Nam được toàn quyền sử dụng mọi tác phẩm của ông mà không phải trả tiền cho hiệp hội này.
Tại Việt Nam, bản xô-nát số 4 và số 8 của ông đã được trao giải nhì (không có giải nhất) của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. 6 trong 9 bản xô-nát của ông được Đài Tiếng nói Việt Nam thu âm. Bản xô-nát số 1 được Khoa Giao hưởng Nhạc viện Hà Nội đưa vào giáo trình giảng dạy. Bản số 4 được UNICEF tại Việt Nam đề nghị tặng cho Hội nghị Bảo vệ quyền trẻ em của Liên hiệp quốc. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho rằng: “Nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ là tấm gương về lao động sáng tạo, là tấm gương về tình yêu với nghệ thuật âm nhạc. Ông là một "Nghệ Sĩ Lớn" với nghĩa viết hoa. Giới nghệ sĩ Việt Nam ghi nhận cống hiến của ông suốt đời vì âm nhạc dân tộc”. Còn theo nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha: “Với tư cách là một chứng nhân, bằng tác phẩm của mình, ông đã cất lên tự đáy lòng chân thật nỗi dằn vặt của một thời, nỗi dằn vặt của dân tộc và cả nhân loại. Và vì thế, nó cứ lan tỏa mãi trong thế giới loài người”.
“Thầy Quỳ xô-nát”
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ học cao đẳng hòa âm ở trường tổng hợp hàm thụ tại Pa-ri (Pháp). Ngày từ Pháp trở về, hòa mình vào phong trào đấu tranh yêu nước của thanh niên cứu quốc nội thành, ông cùng bạn bè tham gia phổ biến các bài hát cách mạng Việt Nam và Liên Xô để chuẩn bị đón đoàn quân giải phóng về tiếp quản Thủ đô. Ông kể: “Chúng tôi chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm khoảng 4-5 người để dạy hát nhưng vẫn tránh được việc tập trung đông người. Cứ như thế, vừa sáng tác với bút danh Đỗ Quyên, tôi vừa dạy hát. Sau hai tháng, đến ngày 10-10-1954, ban đồng ca có khoảng 200 người. Chúng tôi xếp thành hàng 4 cùng lá cờ đỏ sao vàng tiến về Hồ Hoàn Kiếm”... Chính giờ phút thiêng liêng đó, hình ảnh nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ cùng cây đàn ghi-ta đã lọt vào ống kính của đạo diễn điện ảnh người Nga Roman Carmen trong bộ phim tài liệu “Việt Nam trên đường thắng lợi”.
Sau giải phóng Thủ đô, nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ dạy tại Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội đến năm 1978. Từ khi về hưu cho đến tận bây giờ, khi đã ngoài 90 tuổi, ông vẫn dạy và hướng dẫn nhạc cho nhiều thế hệ học trò. Họ yêu mến gọi ông là "Thầy Quỳ xô-nát". Tuổi tác không làm mờ nhòe tình yêu âm nhạc của ông, nhưng để kể về những người học trò đã gắn bó với nhạc xô-nát, ông không nhớ được bao nhiêu. Người học trò gần đây mà ông nhớ nhất là một thạc sĩ âm nhạc người Pháp tên là Mapphieu Frappé. Anh Mapphieu sang nhờ ông hướng dẫn về sáng tác, hòa âm, soạn nhạc… Ông dạy người học trò này bằng tiếng Pháp và giảng kỹ cho anh nghe về xô-nát vì thể loại nhạc này quá khó, thậm chí là cả với những nhạc sĩ sống ở “cái nôi” của nền âm nhạc hàn lâm thế giới.
Vẫn phong thái nhẹ nhàng, tế nhị và giữ cách truyền đạt của một nhà giáo, ông giảng giải cho chúng tôi về lý tưởng thẩm mỹ âm nhạc được xây dựng từ thói quen và thị hiếu thẩm mỹ. Xô-nát chính nằm ở mức cao nhất khi đưa con người đến lý tưởng thẩm mỹ. 9 bản xô-nát của ông được giới học giả và những người yêu nhạc thế giới đánh giá cao bởi trong âm nhạc nghe có nỗi buồn da diết, nhói đau nhưng dịu nhẹ, không làm tàn lụi ước mơ và luôn lấp lánh niềm hy vọng. Đó là thứ thuốc “kháng thể” giúp tâm hồn người nghe lớn lên, mạnh mẽ hơn. Phải chăng, chất “người Hà Nội” đã thấm đẫm trong ông, trong những bản xô-nát ảo diệu kia?
Bài và ảnh: HUY AN