Từ chất liệu đất gốm thô mộc...

Sản phẩm gốm Việt thời kỳ đồ đá đồ đồng trước Công nguyên chỉ đơn giản là những món đồ đất nung, được nhào nặn tạo hình thành những chiếc nồi, chân bếp, chum bình hũ... có tạo khắc thêm vài đường hoa văn đơn giản rồi cho vào lửa nung. Do nhiệt độ không cao nên đồ gốm thời kỳ này chưa đạt đến sự chắc chắn.

Bước sang thời kỳ Bắc thuộc, dù bị ảnh hưởng khá nhiều từ đồ gốm Trung Quốc nhưng đồ gốm của người Việt vẫn có những nét riêng biệt. Nhiều sản phẩm vẫn còn mang phong cách đồ gốm Đông Sơn, mà nếu có làm theo công nghệ của nước ngoài thì đồ gốm sản xuất tại Việt Nam nhìn cũng vẫn có nét đơn sơ, mộc mạc hơn hẳn. Rất nhiều hiện vật được khai quật phát lộ tại các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An... đã cho chúng ta một cái nhìn khá rõ nét về đồ gốm Việt giai đoạn này.

 Các nhà sưu tập gốm sứ tại TP Hồ Chí Minh trò chuyện, giao lưu. Ảnh: NGUYỄN ĐƯƠNG

Đồ gốm thời Lý-Trần từ thế kỷ 11 đến cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15 có thể nói đã phát triển vượt bậc, dần vươn lên đỉnh cao với các dòng gốm hoa nâu, men lục, men ngọc, hoa lam... Nhưng khác với bên Trung Hoa đã bắt đầu lựa chọn chất men chất đất khá kỹ càng tinh xảo để cho ra đời đồ sứ thì sản phẩm gốm Việt vẫn giữ cho mình chất đất thô mộc giản dị, không cần phải lựa chọn và xử lý nguyên liệu trước khi sản xuất quá cầu kỳ.

Song song với dòng sản phẩm gốm có tráng men vẽ hoa văn phục vụ khách hàng có điều kiện khá giả (như vua quan, quý tộc, tầng lớp trung lưu...) thì đồ đất nung vẫn được sản xuất mạnh để bán cho tầng lớp bình dân. Tuy nhiên khác với các giai đoạn trước, đồ đất nung thời Trần được lựa chọn nguồn nguyên liệu tốt và nung ở nhiệt độ cao nên sản phẩm ra lò rất bền chắc cùng với màu sắc xám đen đặc trưng mà người ta bắt đầu quen gọi là đồ sành.

Thời Lê Mạc từ thế kỷ 15 tới thế kỷ 18 khi bên Trung Hoa đồ sứ đã phát triển khá thịnh thì gốm Việt vẫn trung thành với chất liệu thô mộc. Dù các sản phẩm gốm hoa lam Chu Đậu cổ được tìm thấy có khá nhiều nét tương đồng với đồ sứ thời nhà Nguyên-Minh nhưng chúng lại có thể dễ dàng được phân biệt khi gốm Việt nhìn đơn sơ, mộc mạc hơn hẳn. Thời nhà Nguyễn thế kỷ 19 khi mà đồ sứ đã phát triển tới đỉnh cao bên Trung Quốc thì ngược lại ở Việt Nam đồ sứ vẫn rất hiếm gặp, chủ yếu chỉ được phát hiện qua những đồ vật mà vua quan nước ta sang đặt hàng các lò sứ bên Trung Quốc làm rồi đem về. Dòng sản phẩm này về sau thường được giới sưu tầm nghiên cứu gọi là đồ sứ ký kiểu.

Những lò sứ đầu tiên ở Việt Nam được ghi nhận vào cuối thế kỷ 19 tại khu vực phường Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, ban đầu do các thương nhân và thợ gốm sứ người Hoa thành lập nên. Đồ sứ nhanh chóng chứng tỏ được chất lượng hơn hẳn đồ gốm. Ngoài dòng gốm sứ Vạn Ninh (Quảng Ninh), nửa đầu thế kỷ 20 trong miền Nam cũng có các dòng gốm sứ như Nam Phong (TP Hồ Chí Minh) chất lượng sản phẩm làm ra đã tiệm cận với đồ sứ của Trung Quốc, mà người ta thường gọi là đồ bán sứ (nửa gốm nửa sứ chứ chưa đạt tới độ tinh xảo như đồ sứ 100%).

Cuối thập niên 1960 với việc phát hiện ra nhiều mỏ đất cao lanh ở Quảng Ninh, Hải Dương (nay là Hải Phòng), đồ sứ Việt Nam mới chính thức được sản xuất và lưu hành rộng rãi trên thị trường với 2 thương hiệu chủ yếu là sứ Móng Cái và sứ Hải Dương khá quen thuộc.

Hoa văn gợi nhớ về quê hương, đất nước

Cùng với sự lựa chọn chất liệu thô mộc thì nét hoa văn trên các sản phẩm gốm sứ Việt Nam suốt hàng ngàn năm qua cũng có nét rất chung. Không quá cầu kỳ tỉa tót, chủ đề cũng không cần phải cao sang, gốm sứ Việt luôn đề cao sự mộc mạc, giản dị nhưng lại khiến cho mỗi người khi nhìn vào luôn có cảm xúc rất sâu lắng khó tả. Những nét vẽ đơn giản về một cành hoa sen, một bông hoa cúc, một khóm tre trúc, một con gà trống... như gợi nhớ về ký ức tuổi thơ, về quê hương, đất nước.

Đồ gốm Việt thời Lý-Trần nét hoa văn chủ đạo là những cánh hoa sen, hoa cúc dây trong văn hóa Phật giáo. Bên cạnh đó là cảnh sinh hoạt thường ngày như săn bắn hái lượm, chèo thuyền, múa hát, cưỡi ngựa, cưỡi voi cũng được khắc họa rất nhiều trên đồ gốm hoa nâu hoa lam.

Điều khác biệt ở đây là trong khi gốm sứ Trung Hoa đề cao sự tinh xảo kỹ lưỡng thì hoa văn trên gốm Việt lại được vẽ rất đơn giản và bình dị. Hoa văn trên đồ gốm Chu Đậu thời nhà Lê, gốm thời nhà Mạc hay gốm Bát Tràng thời nhà Nguyễn cũng luôn giữ được nét mộc mạc, dân dã. Thỉnh thoảng giới sưu tầm kinh doanh đồ cổ sau này bắt gặp những món đồ gốm Việt với nét hoa văn cầu kỳ thì đa phần chúng lại là những sản phẩm xuất bán đi nước ngoài.

Cùng với sự phát triển về khoa học kỹ thuật công nghệ, đồ gốm sứ Việt Nam bước sang thế kỷ 20 đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Sản phẩm đa dạng, phong phú hơn, mẫu mã bắt mắt hơn nhưng đa phần các mặt hàng có hoa văn tinh xảo là do những lò gốm sứ hoặc thợ thuyền người gốc Hoa chế tác. Các lò gốm sứ thuần Việt vẫn luôn trung thành với phong cách bình dị vốn có của gốm Việt bao đời. Từ bông hoa, chiếc lá, con gà cục tác, tranh Đông Hồ, khung cảnh sinh hoạt đời thường tới hình ảnh các danh nhân trong lịch sử dân tộc như Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo... đều được thể hiện đầy sâu lắng trên từng sản phẩm gốm sứ, gợi nhắc mỗi chúng ta về tình yêu đất nước, quê hương.

Giữ nét đẹp độc đáo gốm sứ Việt

Đất nước thời kỳ mở cửa từ cuối thập niên 1990 chứng kiến một nốt trầm của gốm sứ Việt Nam. Sản phẩm gốm sứ nước ngoài từ Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu... với chất lượng và giá thành tốt hơn hẳn đã khiến cho rất nhiều làng nghề tại Việt Nam phải ngừng sản xuất hoặc giảm sản lượng. Các lò gốm Châu Ổ (Quảng Ngãi) đóng cửa, gốm Biên Hòa (Đồng Nai) năm 2000 có 300 cơ sở kinh doanh thì tới sau đại dịch Covid-19 giảm xuống chỉ còn 40 cơ sở. Các dòng gốm sứ khác như Bát Tràng (Hà Nội), Đông Triều, Móng Cái (Quảng Ninh), gốm Thổ Hà (Bắc Giang, nay là Bắc Ninh)... cũng chịu ảnh hưởng khá nghiêm trọng. 

Cùng với sự phát triển của phong trào kinh doanh mua bán, sưu tầm đồ cổ đồ xưa, thông qua các triển lãm, hoạt động văn hóa gắn liền với sản phẩm gốm sứ, rất nhiều dòng gốm Việt như dần được hồi sinh với loại hình sản phẩm độc đáo làm lại theo mẫu mã đồ gốm sứ của thời xưa, thường được gọi là dòng đồ “giả cổ”. Đi đầu trong phong trào này phải kể đến các lò gốm Bát Tràng, Biên Hòa, Lái Thiêu (Bình Dương, nay là TP Hồ Chí Minh), Chu Đậu (Hải Dương, nay là Hải Phòng), Thổ Hà và gốm Chăm. Công tác marketing PR sản phẩm cũng rất được các cơ sở, doanh nghiệp chú trọng.

Thậm chí trong vòng hai năm trở lại đây một số dòng gốm có số lượng sản xuất đồ giả cổ còn nhiều hơn cả số lượng sản phẩm theo mô típ hiện đại. Các dòng gốm tưởng chừng như sắp thất truyền như gốm Châu Ổ, gốm Quảng Đức (Phú Yên, nay là Đắk Lắk) cũng ngày càng nhận được sự quan tâm từ các cấp chính quyền địa phương và đang bắt đầu quay trở lại sản xuất khôi phục những sản phẩm xưa cũ.

Ngay cả hệ thống sản phẩm mới của gốm sứ Việt cũng đang kế thừa không ít những đặc điểm về tạo hình, hoa văn từ các thế hệ cha ông nên rất dễ dàng phân biệt với dòng sản phẩm gốm sứ tới từ quốc gia khác. Sản phẩm gốm sứ Việt làm hoàn toàn theo mô típ của nước ngoài ngày càng ít gặp trên thị trường. Không đơn thuần chỉ là nhu cầu sản xuất tiêu dùng, xu hướng này còn góp phần không nhỏ trong việc gìn giữ nét truyền thống và hồn cốt văn hóa dân tộc.

Trải qua hàng ngàn năm hình thành và phát triển, các sản phẩm gốm sứ Việt vẫn luôn mộc mạc, bình dị và sâu lắng như chính con người Việt Nam vậy. Không hoa mỹ, phô trương mà rất đơn giản và mến khách. Cùng với sự phát triển của lĩnh vực văn hóa và du lịch, các sản phẩm gốm sứ Việt cũng đang ngày càng khẳng định được chỗ đứng trên thị trường. Không chỉ khách hàng trong nước ưa chuộng, chúng còn được xuất khẩu ra thị trường quốc tế, vừa tạo ra việc làm và doanh thu, vừa như là một lời giới thiệu với bạn bè quốc tế về hình ảnh và nét văn hóa của con người Việt Nam.

Nhà sưu tập gốm sứ NGUYỄN ĐƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.