QĐND - Có thể nói, Y Phương là một cây bút luôn băn khoăn, trăn trở về ý nghĩa và ý thức giữ gìn những giá trị cộng đồng. Dù là thơ hay văn xuôi, tác phẩm của ông bao giờ cũng đau đáu một tấm lòng hướng về quê hương xứ sở, về mảnh đất mình sinh ra và chôn nhau cắt rốn, về dân tộc mình và đất nước mình.
Một vùng đất không thể tồn tại nếu thiếu đi phần hồn cốt của nó, một dân tộc sẽ là một dân tộc chết nếu nó không còn được nuôi dưỡng bởi dòng mạch văn hóa truyền thống. Chính vì thế, người ta thấy rất rõ một nỗi âu lo không giấu nổi ở Y Phương khi ông đang buộc phải chứng kiến tốc độ đô thị hóa quá nhanh, mà đi kèm với nó là sự mất mát bao phong tục cổ truyền, bao giá trị truyền thống cao đẹp. Dường như thấy trong những tác phẩm của ông luôn tiềm ẩn một trục đối lập mang tính so sánh giữa các không gian. Đó là sự đối chiếu giữa quê hương với nơi đất khách, ngày xưa với hôm nay, quá khứ và hiện tại. Với ông, toàn cầu hóa không thể là sự cào bằng bản sắc. Ông không chấp nhận một lối sống hời hợt, lai căng hay mù quáng chạy theo các giá trị vật chất mà bỏ quên những giá trị tinh thần cao đẹp. Trả lời một bài phỏng vấn, Y Phương từng nói: “Muốn sống đàng hoàng như một con người, tôi nghĩ phải bám vào văn hóa. Phải tin vào những giá trị tích cực vĩnh cửu của văn hóa. Chúng ta phải vượt qua sự ngặt nghèo, đói khổ bằng văn hóa. Chúng ta đừng viện cớ thiếu thốn khó khăn mà đánh mất đạo đức, văn hóa. Tôi thấy, dường như giờ đây, nhiều con em các dân tộc không mấy mặn mà với văn hóa truyền thống. Và họ đang tự nguyện nhập ngoại, lai căng một cách dễ dãi. Tôi ủng hộ hòa nhập nhưng không thể hòa tan”. Có lẽ cũng chính vì thế mà trở đi trở lại trong thơ Y Phương là những tiếng gọi, những lời nhắn nhủ. Tha thiết dặn dò thế hệ sau nhưng cũng là tự ghi khắc vào chính lòng mình: “Người đồng mình thương lắm con ơi” (Nói với con).
Có người ví tác phẩm của Y Phương như những bức tranh thổ cẩm đan dệt nhiều màu sắc khác nhau, phong phú và đa dạng; nhưng trong đó có một màu sắc chủ đạo, một âm điệu chính là bản sắc dân tộc rất đậm nét và độc đáo. Niềm tự hào là một người con của dân tộc Tày và ý thức sâu sắc về những giá trị văn hóa Tày kết tinh trong con người mình đã mang đến cho văn thơ Y Phương một làn gió mới, làm giàu có đa dạng thêm nền văn học Việt Nam. Bản thân tác giả có lần đã tự so sánh mình với cây đàn tính của dân tộc Tày: “Cây đàn này đâu phải cây đàn/ Bầu nước mắt trăm năm cười khóc/ Cây đàn này đâu phải cây đàn/ Bọc sinh nở lời chào li biệt/ Vụt đứng lên cây đàn dìu dặt/ Đi như thế cho đến ngày nhắm mắt/ Ngôn ngữ cổ còn vài câu tích tịch/ Hãy gẩy lên ở bất cứ nơi nào” (Đàn tính). Ngòi bút của ông cũng là một cây đàn trong ý nghĩa biểu tượng của nó. Đó là cây đàn bao giờ cũng cất lên những thang âm thành thật, gan ruột từ tận đáy lòng. Và người đọc sẽ được lắng nghe từ đó những lời tâm tình thủ thỉ ngọt ngào về tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, tình đất tình người đằm thắm mặn mà. Cũng có khi, nguời ta lắng lòng nghe thấy những thanh âm mộc mạc trầm đục như bước chân chắc chắn, như nhịp lao động lành hiền của những người đồng rừng. Đôi khi lại là những luyến láy mượt mà của điệu hát Woàng dzà hay điệu thơ Phong slư... Đặc biệt, không thể không kể đến những nốt nhạc rất trong, rất cao khi Y Phương viết về văn hóa gốc, về những nét đẹp bản sắc dân tộc. Với phương châm “dựa vào quê mình để nói về quê mình”, Y Phương chọn lọc những gì tinh hoa mà cũng gần gũi nhất để đưa lên trang viết. Đến với tập tản văn đã giành giải B của Hội văn học thiểu số Việt Nam là “Tháng giêng, tháng giêng một vòng dao quắm”, người đọc được gặp gỡ một dân tộc Tày đẹp trọn vẹn từ đời sống văn hóa ẩm thực, lối sống cao thượng giữa người với người cho đến dấu ấn văn hóa tâm linh.
Để khắc họa một không gian văn hóa Tày, ngòi bút Y Phương tập trung miêu tả những ngày lễ Tết, giới thiệu các phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian, đặc sản vùng miền, cảnh sắc thiên nhiên, địa danh văn hóa... Thế nhưng, ông luôn gắn mọi yếu tố ấy với nhân tố quyết định là con người. Chỉ sự tồn tại của con người mới làm nên hơi thở sự sống của một không gian văn hóa. Và cũng chính con người giữ vai trò quyết định trong việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy vốn tinh hoa dân tộc. Y Phương đã viết về các nhà văn đã làm nên tên tuổi cho văn học vùng núi phía Bắc như Vi Hồng, Pờ Sảo Mìn, Lò Ngân Sủn... Ông cũng kể những câu chuyện về người thân quen ruột thịt, về cha mẹ mình, về lối sống gia đình mình. Nhưng quan trọng hơn cả, Y Phương không bao giờ quên những phận người bé nhỏ vô danh, những người đã sinh ra, lớn lên và ra đi một cách lặng thầm nhưng tấm lòng của họ, lối nghĩ và cách sống của họ là những ghi khắc vô hình các giá trị văn hóa vào dòng chảy không ngừng nghỉ của thời gian.
Y Phương tên thật là là Hứa Vĩnh Sước, sinh ngày 24-12-1948 tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng trong một gia đình dân tộc Tày. Y Phương nhập ngũ năm 1968, phục vụ quân đội đến năm 1981. Năm 1986, ông về công tác tại Sở Văn hóa Thông tin Cao Bằng và từ năm 1991 là Phó giám đốc Sở Văn hóa Thông tin. Từ 1993, ông là Chủ tịch Hội văn học Nghệ thuật Cao Bằng, Ủy viên BCH, Trưởng ban kiểm tra Hội Nhà văn Việt Nam khóa VI. Ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007. |
THÁI HÀ