Trao đổi với chúng tôi vào chiều 29-11, giọng Thượng tá, nhạc sĩ Nguyễn An Hiếu, Phó chủ nhiệm Khoa Quản lý Văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội không giấu được xúc động khi thông báo về sự ra đi đột ngột của nhạc sĩ Xuân Phương, tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng, gắn liền với tuổi thanh xuân của biết bao thế hệ khán giả, đặc biệt thế hệ "7X", "8X" hay "9X".
 |
Nhạc sĩ Xuân Phương với ca khúc nổi tiếng: Mong ước kỷ niệm xưa. Ảnh: Facebook nhân vật |
Nhạc sĩ Xuân Phương sinh năm 1973 tại Hưng Yên. Bố của anh là PGS, TS, nhạc sĩ, NSƯT Nguyễn Xuân Tứ, nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật Hà Nội (nay là Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội). Từ nhỏ, Xuân Phương đã có niềm đam mê và yêu thích âm nhạc. Sau khi học chuyên ngành piano tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia), Xuân Phương được đào tạo thêm về sáng tác. Từ năm 2000, nhạc sĩ Xuân Phương giảng dạy tại Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội (nay là Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội).
 |
Nhạc sĩ An Hiếu, Phó chủ nhiệm Khoa Quản lý Văn hóa, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, người bạn vong niên của nhạc sĩ Xuân Phương. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Gắn bó và thân thiết với nhạc sĩ Xuân Phương từ khi còn nhỏ, nhạc sĩ An Hiếu hiểu tính nết, con người anh đến "nằm lòng". Anh cho biết, từ khi còn trẻ, mới vào nghề cho đến mãi sau này, Xuân Phương luôn thể hiện tình yêu cháy bỏng đối với âm nhạc. Con người anh hiền lành, chất phác, không uống rượu, không hút thuốc, “ngoan nhất trong các nhạc sĩ cùng thế hệ”... Thường cứ hết giờ làm việc ở trường, anh lại tranh thủ nghiên cứu, sáng tác, hoặc về với gia đình, vợ con.
Cũng theo nhạc sĩ An Hiếu, Xuân Phương là cây keyboard rất cừ khôi. Thập niên 1990, Xuân Phương thành lập Ban nhạc Chìa Khóa Vàng cùng các ca sĩ: Bằng Kiều, Mỹ Linh, Ngọc Anh... Với phong cách tươi mới, trẻ trung, Chìa Khóa Vàng trở thành một trong những ban nhạc hoạt động sôi nổi nhất ở Hà Nội vào những năm 1993-1996.
Đặc biệt, Xuân Phương là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng viết cho phim, đồng thời gắn bó với tên tuổi nhiều ca sĩ, nhóm nhạc nổi tiếng, như: “Anh” (Hồ Quỳnh Hương), “Nếu phải xa nhau” (Minh Quân), “Mong ước kỷ niệm xưa” (Nhóm 3A), “Lời chưa nói”, “Lời ru cho con” (Hà Trần), “Người đàn bà thứ 2” (Nguyễn Ngọc Anh),...
"Các ca sĩ nếu ít trải nghiệm và tình cảm có lẽ khó hát hay các tác phẩm của anh Phương. Vì các bài hát anh ấy viết melody đều rất đẹp, chất chứa đầy cảm xúc và luôn là những bản "hit" mà bất cứ ca sĩ nào nếu hát cũng phải chạm đến cảm xúc. Đặc biệt, mảng nhạc phim dành cho truyền hình gần như trở thành sân chơi độc quyền của nhạc sĩ Xuân Phương. Bộ phim nào có sự góp mặt về âm nhạc của Xuân Phương đều thành công. Điều đặc biệt ở chỗ, phần lớn những lời ca, giai điệu các bài hát anh viết cho các bộ phim đã bước ra cuộc sống một cách tự nhiên, để rồi từng ngày thấm vào trí nhớ, đi vào tiềm thức của bao thế hệ", nhạc sĩ An Hiếu chia sẻ.
 |
Nhạc sĩ Xuân Phương (đứng giữa) và Đại tá, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy (thứ 3 từ trái sang), Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Ảnh: Facebook nhân vật |
Nổi tiếng và mang dấu ấn quan trọng nhất là ca khúc "Mong ước kỷ niệm xưa" (nhạc phim “Xin hãy tin em” của đạo diễn Đỗ Thanh Hải, lên sóng năm 1997). Ca khúc với giai điệu ngọt ngào, ca từ hoài niệm gây sốt không chỉ thời điểm mới ra mắt mà còn có sức sống bền bỉ suốt nhiều thập kỷ. Ca khúc này trở thành một trong những ca khúc bất hủ dành cho học sinh, sinh viên Việt Nam. Bằng chứng là sau đó rất nhiều ca sĩ thể hiện thành công bài hát này trên những sân khấu khác nhau.
Thời gian trôi qua mau/Chỉ còn lại những kỷ niệm/Kỷ niệm thân yêu ơi, sẽ còn nhớ mãi tiếng thầy cô/Bạn bè mến yêu ơi, sẽ còn nhớ mãi lúc giận hờn/Để rồi mai chia xa, lòng chợt dâng niềm thiết tha/Nhớ bạn bè, nhớ mái trường xưa...
Năm 2022, “Mong ước kỷ niệm xưa” thậm chí được sử dụng làm nhạc cho bộ phim “Mỹ nhân thần sách” của đạo diễn Nguyễn Tường Nguyên Phương, có sự tham gia của nhiều diễn viên trẻ Việt Nam và Thái Lan.
 |
Từ trái sang phải: Thiếu tướng, nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Đại tá, nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội và Nhạc sĩ Xuân Phương. Ảnh: Facebook nhân vật |
Ngoài “Mong ước kỷ niệm xưa”, nhạc sĩ Xuân Phương còn có nhiều ca khúc nổi tiếng, như: "Lời ru cho con", top 10 bài hát của Làn sóng xanh; "Nếu phải xa nhau", top 10 Bài hát tôi yêu; "Anh", bản "hit" do ca sĩ Hồ Quỳnh Hương thể hiện…
Nhạc sĩ Xuân Phương từng tâm sự, khi sáng tác, anh thường cố gắng tạo nên những tác phẩm mà số đông khán giả có thể đồng cảm. Kể cả viết nhạc phim, anh cũng không sáng tác ca khúc chỉ dành riêng cho bộ phim đó. Thay vào đó, anh chỉ lấy chủ đề của phim và hướng nội dung, cảm xúc bài hát tới khán giả nhiều hơn. Nhờ đó, những ca khúc của anh vẫn có thể tách rời bộ phim với sức sống bền bỉ suốt nhiều năm qua.
Thông tin người nhạc sĩ tài hoa qua đời khiến nhiều đồng nghiệp, bạn bè bàng hoàng, tiếc nuối. Thiếu tá Trịnh Văn Phương, giảng viên Khoa Thanh nhạc, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, chia sẻ, nhạc sĩ Xuân Phương là người hết sức chỉn chu trong chuyên môn. Từng lời ca, giai điệu anh sử dụng trong các tác phẩm âm nhạc đều rất đẹp, gần gũi, chân thực, càng nghe càng ngấm, đặc biệt là phù hợp với mọi lứa tuổi. “Biết rằng anh mắc bệnh hiểm nghèo và ngày này sớm muộn cũng đến, nhưng sự ra đi của anh vẫn khiến mọi người cảm thấy đột ngột quá. Cán bộ, giảng viên và các thế hệ sinh viên nhà trường không ai muốn tin...”, Thiếu tá Trịnh Văn Phương xúc động, bày tỏ.
Được biết, với vai trò là một nhạc công trước đây, sau này trên cương vị Chủ nhiệm Khoa Âm nhạc, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Trung tá, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Phương đã góp phần đào tạo ra nhiều lứa học viên, sinh viên ưu tú, trở thành những diễn viên chủ công, những nhạc sĩ trong các ban nhạc lớn, các đoàn văn công trong Quân đội.
NGUYỄN HỒNG SÁNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.