Phóng viên (PV): Hà Nội vốn nổi tiếng với nhiều món ẩm thực. Vậy trong Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2023, người dân và du khách được trải nghiệm văn hóa ẩm thực như thế nào, thưa ông?

Ông Đỗ Đình Hồng: Hà Nội không chỉ là mảnh đất ngàn năm văn hiến, nổi tiếng với nét thanh lịch Tràng An mà còn là nơi hội tụ tinh hoa ẩm thực của đất nước. Trong đó, có những món đã nổi danh như: Phở, bún ốc, bún chả, bún thang, nem, cốm... Hà Nội sau khi mở rộng địa giới hành chính đã tiếp nhận thêm nhiều đặc sản của vùng đất xứ Đoài, xứ Sơn Nam Thượng, với nhiều làng có các món ẩm thực độc đáo.

leftcenterrightdel
  Ông Đỗ Đình Hồng. Ảnh: HẢI AN

Để giới thiệu những nét tinh hoa ẩm thực Hà thành đến với công chúng, thông qua Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2023, diễn ra những ngày cuối tuần này tại Không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông-Công viên Thống Nhất, Sở VHTT TP Hà Nội mong muốn tạo điểm đến mới thu hút đông đảo người dân và du khách. Khi xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội, các quận, huyện, thị xã đã rất hào hứng hưởng ứng đăng ký tham gia mở gian hàng. Bên cạnh đó, sự kiện cũng nhận được sự đồng hành của đại sứ quán các nước tại Việt Nam. Do đó, lễ hội với chủ đề “Giao lưu văn hóa ẩm thực Hà Nội với bạn bè quốc tế” có 80 gian hàng của Hà Nội, các tỉnh, thành phố và nhiều quốc gia như: Ấn Độ, Philippines, Malaysia, Myanmar...

leftcenterrightdel

Món Phở Hà Nội đang được xây dựng hồ sơ ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: HẢI AN

Du khách đến lễ hội không chỉ thưởng thức các món đặc sản như: Phở, cốm Mễ Trì, xôi chè Phú Thượng, miến làng So, giò chả Ước Lễ, chè lam Thạch Xá, cà dầm tương Tam Hiệp, chuối tiêu hồng Vân Nam, cháo se Hạ Mỗ... mà còn tham gia trải nghiệm thực hành quy trình, kỹ năng làm các món ăn cùng các nghệ nhân.

PV: Sau thời gian gián đoạn do dịch Covid-19, việc Hà Nội tổ chức trở lại lễ hội lần này và chọn Không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông-Công viên Thống Nhất có ý nghĩa gì, thưa ông?

 Ông Đỗ Đình Hồng: Trước đây thường tổ chức trên khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Tuy nhiên, trên khu vực cận kề là phố cổ Hà Nội rất nhiều hàng quán ẩm thực; hay đi về phía hồ Tây là khu phố ẩm thực đêm, kết hợp đi bộ tại Đảo Ngọc-Ngũ Xã, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình đang thu hút khá đông du khách. Lễ hội năm nay chọn Công viên Thống Nhất-một công trình kiến trúc công cộng xã hội chủ nghĩa, do chính các kiến trúc sư Việt Nam thiết kế, ở đó có hồ Thiền Quang với những hàng cây xanh tán dày, là điểm tạo thuận lợi cho các gian hàng và đầu bếp, nghệ nhân trổ tài chế biến thức ăn. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tổ chức các hoạt động trình diễn nghệ thuật, trò chơi dân gian truyền thống... Việc mở rộng không gian tổ chức các sự kiện là chủ trương của UBND thành phố, để người dân tại các khu vực này tiếp cận và có cơ hội trực tiếp là chủ nhân của những hoạt động, sự kiện; đồng thời thu hút các tài năng, nguồn nhân lực tâm huyết cống hiến sức sáng tạo cho Hà Nội-Thành phố sáng tạo của UNESCO.

Với Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội lần này, chúng tôi mong muốn không chỉ giới thiệu món ngon Hà Nội mà mục tiêu lớn hơn là tạo không gian ẩm thực đẹp đẽ, chất lượng như các nhà hàng mà Michelin đã chọn lựa trong danh sách vinh danh.

PV: Hà Nội đang hoàn thiện việc xây dựng hồ sơ ghi danh phở vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia. Vậy trong lễ hội lần này, món phở có một “sân khấu” riêng để lan tỏa giá trị?

 Ông Đỗ Đình Hồng: Hiện Sở VHTT TP Hà Nội đang xây dựng hồ sơ ghi danh phở Hà Nội vào danh mục DSVH phi vật thể quốc gia. Sau khi phở được ghi danh, Hà Nội sẽ phối hợp với tỉnh Nam Định và một số địa phương xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh nghề nấu phở Việt Nam là DSVH phi vật thể thế giới. Phở của Hà Nội nói riêng và của nhiều tỉnh, thành phố có giá trị rất đặc biệt. Chính vì thế, tại lễ hội lần này, chúng tôi đã mời các “thương hiệu” phở nổi tiếng của Hà Nội, các đầu bếp chế biến món phở ngon nhất của Hà Nội và Nam Định cùng trổ tài, thực hành nấu món phở để thực khách trải nghiệm. Ngoài món phở, chúng tôi cũng đang chọn lựa nhiều món ăn khác để xây dựng hồ sơ di sản.

leftcenterrightdel

Các đại biểu và du khách thưởng thức món ăn tại Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2023. Ảnh: HẢI AN

PV: Ông nghĩ sao về những ý kiến cho rằng, Hà Nội cần trở thành thành phố đi đầu xây dựng bản đồ du lịch ẩm thực Thủ đô, tiến tới hình thành bản đồ du lịch ẩm thực toàn quốc?

 Ông Đỗ Đình Hồng: Đây cũng chính là điều mong muốn của TP Hà Nội. Mới đây, trang du lịch nổi tiếng Tripadvisor công bố bình chọn Hà Nội là một trong 25 điểm đến ẩm thực hàng đầu thế giới; trước đó, Báo Telegraph của Anh cũng vinh danh Hà Nội là một trong những thành phố có nền ẩm thực hấp dẫn nhất thế giới.

Chúng tôi đang nghiên cứu và kêu gọi các nguồn nhân lực lên kế hoạch, xây dựng bản đồ du lịch ẩm thực Hà Nội. Để làm sao bản đồ du lịch ẩm thực đưa ra những gợi ý, chỉ dẫn cụ thể về các món ăn đặc sắc của Thủ đô gắn với những địa danh, điểm đến du lịch cụ thể, có thể là các làng nghề truyền thống, cơ sở chế biến món ăn hoặc những nhà hàng uy tín; góp phần mang đến nhiều trải nghiệm ẩm thực thú vị cho du khách và cũng là cách “khoe” những tiềm năng ẩm thực dồi dào của Hà Nội.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

CHÂU XUYÊN (thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.