Tôi đến Kim Hỷ không phải bởi sự hiếu kỳ mà với mong muốn được trải nghiệm trên những bản làng còn ôm ấp nhiều nét văn hóa đặc sắc.

Người Tày nơi đây giữ lại nếp nhà sàn như giữ lại hồn cốt của dân tộc mình. Những ngôi nhà sàn lợp mái ngói âm dương kề vai nhau yên bình dưới chân núi Phja Cắm, mặt hướng ra cánh đồng Bản Than hiền hòa, chở che cho biết bao thế hệ con người sinh ra và lớn lên nơi này.

Một đời sống sinh động hiện diện qua hình ảnh những xe máy ngược xuôi chở thóc từ ruộng về bản, những sàn ngô vàng óng, tiếng gà, lợn trong chuồng tạo nên hợp âm rộn ràng, gợi sự no ấm.

Thôn Bản Vèn, xã Kim Hỷ là nơi còn lưu giữ nhiều ngôi nhà sàn truyền thống hàng trăm năm tuổi. Ảnh: HƯƠNG LY

Nằm trong vùng lõi khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, hiện có 123 ngôi nhà sàn truyền thống, chủ yếu ở các thôn Bản Vèn, Bản Kẹ, Bản Vin, Kim Vân. Hầu hết những ngôi nhà có tuổi đời từ 70 đến khoảng 200 năm. Bỡ ngỡ xen lẫn niềm háo hức, tôi theo chân anh Nguyễn Duy Hoán, Trưởng thôn Bản Vèn đến thăm nhà cụ Nguyễn Duy Am (88 tuổi), chủ nhân ngôi nhà sàn cổ chừng 200 tuổi. Ngồi khoanh chân trên tấm cót mát rượi trải giữa nhà, tôi được lắng nghe cụ Am chậm rãi chia sẻ. Người Tày quan niệm ngôi nhà sàn không chỉ mang ý nghĩa là nơi ăn chốn ở mà còn biểu trưng cho giá trị thẩm mỹ, chứa đựng ý nghĩa văn hóa của dân tộc.

Để hoàn thành ngôi nhà sàn trước hết chủ nhà cần tìm những người thợ tài tình, khéo léo trong vùng đến thiết kế, đo đạc, đồng thời nhờ những thanh niên khỏe mạnh trong làng, trong xã đến góp sức, khiêng gỗ từ trong núi về đục đẽo, dựng nhà, bưng ván, lợp ngói. Ngôi nhà sàn của cụ Am rộng 8 sải tương đương 150 mét vuông, có 4 gian chính, 1 gian phụ và hai chái.

Giữa nhà là bếp lửa vuông, dọc phía bên phải nhà là chạn để bát đũa, tủ đựng thức ăn, gạo rượu, nồi chảo, gia vị. Khoảng sàn trống giữa bàn thờ và bếp lửa là chỗ linh thiêng của ngôi nhà. Trong nhà còn bài trí phòng ngủ, chỗ ngồi tiếp khách, nơi bảo quản lương thực... Có bảy bậc cầu thang bắc từ mặt đất lên trên nhà. Ngôi nhà là không gian sống quây quần, đầm ấm bên nhau của bốn thế hệ trong gia đình.

 Cụ Nguyễn Duy Am, ở thôn Bản Vèn, xã Kim Hỷ, chủ nhân  ngôi nhà sàn cổ nhất vùng. Ảnh: HƯƠNG LY

Ông Nguyễn Duy Móng, Bí thư Đảng ủy xã Kim Hỷ, con trai cụ Am chia sẻ: Trước đây khi ngôi nhà thay ngói ông và các anh em trong nhà đã tự tay làm mái ngói âm dương, viên ngói trông đơn giản nhưng chứa đựng cả một quá trình làm thủ công từ khâu chọn lựa đất, nhào nặn, đóng khuôn, nung ngói... mới có được viên ngói đẹp và bền bỉ. Thế nên, dù nhiều trận mưa lớn, dông lốc đi qua nhưng những ngôi nhà vẫn yên ả, mái ngói ít bị xê dịch, vững chãi cùng thời gian.

Nếp nhà sàn là truyền thống có không gian thoáng đãng, gần gũi, kiến trúc tiện lợi, mùa hè thoáng mát, mùa mưa khô ráo, đông đến nhờ có bếp lửa vuông giữa nhà lại ấm cúng biết bao. Nhất là dịp Tết các nhà đụng lợn, mùa cốm hay tết cơm mới, tiếng chày giã bánh lại vang trên nhà sàn, anh em trong bản quây quần bên nhau vui vẻ, thân tình. Ngôi nhà của cụ Am chính là chứng nhân của thời gian. Cuộc đời cụ gắn với ngôi nhà sàn bao nhiêu năm là từng ấy thời gian cụ được nhìn lớp con cháu sinh ra, trưởng thành trong nếp nhà thân thuộc. 

Sống trong bản làng anh Nguyễn Duy Vất ở Bản Vèn vẫn cặm cụi níu giữ điệu hát Then, hát ru Tày. Nhà nào trong vùng tổ chức lễ đầy tháng cho em bé, gia chủ lại mời anh đến dự và cất lời ru Tày gửi gắm những ước mong tốt đẹp cho các bé, tiếng ru ấm áp, ngân nga bay bổng bên cánh võng. Lời hát nuôi dưỡng tâm hồn đứa trẻ suốt tuổi ấu thơ và theo cả cuộc đời để những bước chân khôn lớn dù đi xa muôn nơi vẫn muốn quay trở về bản làng yêu dấu.

Ứ noọng nòn đắc nòn đí, nòn tắng/ Pí au qua nòn tắng a au luồm/ Đảy mè luồm pích đeng, đảy mè mèng pích cắm... (Con ơi con ngủ cho ngoan/ Ngủ đợi mẹ đi ruộng lấy con muỗm/ Được con muỗm cánh đỏ, được con muỗm cánh tím...)

Anh Vất chia sẻ, anh lớn lên trên nhà sàn cùng tiếng ru của dân tộc Tày với nhiều kỷ niệm, thế nhưng ngôi nhà của anh giờ đã mục nên gia đình đành phải chuyển xuống dựng nhà giữa cánh đồng, sợ ngôi nhà đổ bóng râm xuống ruộng hàng xóm nên không thể dựng nhà cao.

Suy nghĩ và việc làm đầy nhân văn ấy có lẽ không chỉ anh Vất mà có lẽ đó là phẩm chất chung của những người ở xứ núi xinh đẹp này. Đồng cảm với anh Vất, anh Hoán trăn trở, bà con Bản Vèn rất thích ở nhà sàn truyền thống nhưng thời gian khiến nhiều ngôi nhà lâu năm bị mục mọt nên một số hộ đã dỡ đi làm kiến trúc khác.

Về trưa bầu trời càng trong xanh, nắng loang khắp hẻm núi, nơi này cây cối uống nắng mưa mà lớn, vạt ngô ven đường lào xào trong gió, lộ ra những bắp ngô mẩy tròn. Thi thoảng tôi lại bắt gặp những bông hoa chuối rừng thắm đỏ, màu sắc ấy như thắp lên niềm vui cho lữ khách độc hành. Từ trên đèo nhìn sang những ngọn núi lô nhô, phía dưới chân là bản nhỏ lẫn vào màu xanh của cây rừng, đồng lúa đang độ chín như tấm thảm trải dọc thung lũng. Đi chừng 7 cây số, tôi đến thôn Kim Vân.

Dạo quanh bản, đến đâu tôi cũng bắt gặp những nụ cười chào hỏi thân thiện. Tôi dừng chân bên ngôi nhà sàn được dựng cách đây hơn 70 năm của gia đình ông Nông Thiêm Tiềm (73 tuổi). Những đứa trẻ chừng năm, sáu tuổi chạy xuống chân cầu thang nhanh nhảu mời tôi lên nhà, có lẽ bản tính chất phác thật thà, mến khách của con người nơi đây được hình thành từ khi còn là một đứa trẻ.

Thế giới của những em bé trong bản Tày là ngôi nhà sàn rộng thênh thang, những đứa trẻ có thể nhìn thấy mặt trời mọc rồi lặn, thấy cánh đồng từ lúc mạ còn xanh đến khi lúa chín vàng, cây mác mật đầu sàn thơm lừng mời gọi những đàn chim. Trên mỗi bậc cầu thang nhẵn thín, ghi dấu vô kể những bàn chân lạ, chân quen. 

Ông Tiềm cho biết nhà sàn của ông dựng từ năm 1946. Nói rồi ông hướng tay lên gác bếp, nơi cất chiếc bồ thóc gắn liền với ngôi nhà sàn này gần 40 năm, quả thực đây là chiếc bồ đan bằng tre to nhất mà tôi từng thấy. Ông bảo, đó là một trong những đồ dùng được làm từ tre do ông tự tay chẻ lạt, đan bện, bồ này chứa được 10 gánh, tương đương với ba tạ thóc.

Bồ thóc đã cùng gia đình ông trải qua những mùa no, mùa đói. Từng sợi lạt đan bện vào nhau dai dẳng, bền bỉ. Dù có vật dụng khác bảo quản thóc, ngô tiện lợi hơn nhưng chiếc bồ thóc cũ vẫn được gia đình ông Tiềm cẩn thận cất giữ với mong muốn níu lại làm kỷ niệm. Những thanh gác bếp đã đen kịt bồ hóng, chứng kiến những làn khói nhọc nhằn sớm tối bay lên.

Qua những câu chuyện dọc lối đi, tôi còn được biết trong thôn Kim Vân còn nhiều ngôi nhà sàn truyền thống được các gia đình trân trọng, gìn giữ. Có thể kể đến nhà sàn có tuổi đời lâu nhất của gia đình bà Nguyễn Thị Mẹt, dựng từ năm 1936 nhưng đến nay chưa phải sửa chữa, có chăng chỉ thay ván bưng, ván dải đôi lần. Ông Đinh Duy Thái, Trưởng thôn Kim Vân cho biết cả thôn hiện nay có 66 hộ dân trong đó có 20 ngôi nhà sàn cổ còn được lưu giữ.

Trao đổi với chị Hoàng Minh Nhuần, cán bộ văn hóa xã Kim Hỷ, tôi được biết thêm, hiện nay trên địa bàn xã Kim Hỷ chỉ còn khoảng 30% ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc Tày. Bà con trong xã vẫn có tinh thần, ý thức giữ gìn kiến trúc nhà sàn truyền thống. Tuy nhiên, nhiều nhà sàn đã xuống cấp trầm trọng nên bà con cũng có định hướng tu sửa và chuyển dần sang nhà xây vì không có gỗ để làm nhà. Bà con trong xã mong muốn cấp trên quan tâm và có định hướng đầu tư cho xã để bà con chung sức giữ gìn, bảo tồn nét văn hóa truyền thống lâu đời của người Tày nơi đây .

Thật tiếc nuối khi một số ngôi nhà trải qua hàng thế kỷ chịu khuất phục trước thời gian nhưng cũng mừng khi còn nhiều người luôn đau đáu tìm cách giữ gìn ngôi nhà sàn truyền thống, thấm đẫm văn hóa người Tày. Tạm biệt Kim Hỷ, vòng quay bánh xe trôi chầm chậm xuống núi như mặt trời mùa hạ. Những nếp nhà sàn khuất sau vòng cua và biết bao câu chuyện ở những bản nhà sàn còn miên man trong tâm trí tôi.

Ghi chép của HƯƠNG LY

 * Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.