leftcenterrightdel
Nhà văn Lê Văn Thảo. Ảnh tư liệu 

Dạo ấy, đêm đêm qua Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh Giải Phóng, chúng tôi thường được nghe những sáng tác mới của ông. Truyện và ký của Lê Văn Thảo hừng hực hơi thở chiến trường; làm người đọc, người nghe thêm yêu quý đất và người phương Nam,  yêu quý và trân trọng cuộc kháng chiến chính nghĩa của quân và dân ta.

Sau này, đất nước thống nhất, về công tác tại TP Hồ Chí Minh, được trực tiếp gặp và làm việc với Lê Văn Thảo, tôi có điều kiện cảm nhận sâu sắc hơn về con người và tác phẩm của ông. Đó là một nhà văn chiến sĩ giàu lòng nhân ái, gần gũi đời thường, sống có thủy có chung, đầy trách nhiệm với cuộc sống.

Sinh trưởng trong gia đình giàu truyền thống yêu nước, Lê Văn Thảo thừa hưởng gen thông tuệ của cha ông. Thân phụ ông - nhà giáo Dương Văn Diêu nổi tiếng một thời, là thầy dạy của nhiều thế hệ người thành đạt.

Lê Văn Thảo tên thật là Dương Ngọc Huy, quê ở huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Năm 1962, đang là sinh viên khoa Toán, Trường Đại học Khoa học Sài Gòn, Dương Ngọc Huy trốn vào chiến khu tham gia kháng chiến. Thực tế cuộc sống của người lính cách mạng đã hun đúc, rèn luyện Dương Ngọc Huy từ một sinh viên Toán thành nhà văn. Ông khởi nghiệp văn chương từ những năm Mỹ đổ quân ồ ạt vào miền Nam, lấy bút danh là Lê Văn Thảo. Bắt đầu viết từ năm 1965, bốn năm sau, Lê Văn Thảo trình làng "đứa con đầu lòng", đó là tập “Ngoài mặt trận” (NXB Giải Phóng-1969), tập hợp những bài ký và truyện viết về đất và người phương Nam. Năm 1972, Lê Văn Thảo cho xuất bản tập sách thứ hai - “Đêm Tháp Mười” (NXB Giải Phóng)...

Cứ thế, mấy chục năm cầm bút, nhiều năm phải đảm đương trọng trách như: Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa VII (2005 - 2010); Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh khóa IV và V (2000 - 2010); Phó chủ tịch liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật TP Hồ Chí Minh... Lê Văn Thảo luôn sáng tác đều tay, với gần 20 đầu sách đã xuất bản. Song, có thể nói, giai đoạn những năm 90 của thế kỷ trước và thập niên đầu của thế kỷ này, ngòi bút của Lê Văn Thảo mới thật sự sung sức và thăng hoa.

Văn là người, đúng như quan niệm sáng tác của ông: "Tôi viết không có ý định dạy ai, chỉ nói về nỗi niềm của mình, ký ức mình về đồng đội, đồng bào, nơi tôi có những năm dài tham gia kháng chiến. Đó là những kỷ niệm quý giá”.

Văn chương của Lê Văn Thảo đậm tính nhân văn. Cõi nhân sinh như quan niệm của nhà văn chứa chất số phận con người với biết bao hoàn cảnh éo le, đôi khi ngang trái, chẳng cái nào giống cái nào. Đọc các tác phẩm của ông: “Bên lở bên bồi” (1978); “Cửa sổ màu xanh” (1981); “Ông cá hô” (1995); “Con mèo” (1999)... ta thấy rõ điều đó.

Sáng tác của Lê Văn Thảo không chỉ là những hoài niệm mà còn ngồn ngộn hiện thực. Đặc biệt, ngòi bút của Lê Văn Thảo thật dịu dàng, nhân hậu, trân trọng khi viết về người phụ nữ Việt Nam. Đọc “Những người viết thư thuê”, “Bà nội tôi”, “Cô giáo Hồng”, “Cô áo tím”, “Người đàn bà khóc”, “Đứa cháu gái”…, ta có cảm giác đây không phải là những trang văn mà chính là cuộc sống - cuộc sống của người phụ nữ với biết bao cung bậc cảm xúc, ý chí và niềm tin. Phải yêu quý, trân trọng lắm mới có giọng văn gần gũi mà thiết tha như thế.

Trong sự nghiệp văn chương, Lê Văn Thảo đã gặt hái nhiều thành công. Ông đã nhận giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam hai lần (1998 và 2003); Giải thưởng văn chương ASEAN (2006); Giải thưởng Nhà nước về Văn học-Nghệ thuật (2007) và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học-Nghệ thuật (2012).

Khi về công tác tại Báo Sài Gòn Giải phóng (SGGP), tôi có may mắn được cộng tác với ông. Từ năm 2008 đến 2013, Báo SGGP và Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh liên tiếp mở các cuộc thi viết để tìm kiếm tài năng và phản ánh hiện thực cuộc sống. Đó là các cuộc thi: Ký văn học Chân dung người đương thời (2008); Truyện ngắn Con người và cuộc sống hôm nay (2011) và Phóng sự-Ký sự Doanh nhân-bản lĩnh và cống hiến (2012).

Trong cả 3 cuộc thi ấy, ông và tôi đều nằm trong Ban giám khảo. Làm việc với ông, tôi biết rõ hơn phong cách và bản lĩnh của ông. Một nhà văn thuộc loại "cây đa, cây đề "của làng văn chương nước nhà, nhưng hết sức khiêm tốn, dung dị. Ông có cái nhìn nhân hậu và trân trọng những người viết mới, đặc biệt là lớp trẻ. Với trách nhiệm là Chủ tịch Hội đồng giám khảo, chúng tôi đã cùng ông cân nhắc kỹ từng trường hợp trước khi trao giải. Những bài viết mang tính phát hiện với lối thể hiện phá cách, sáng tạo, bao giờ cũng được ông coi trọng và đề cử giải thưởng cao.

Những năm gần đây, biết sức khỏe mỗi ngày một yếu, ông dốc sức làm việc. Gặp tôi, nhà văn Lê Văn Duy, nguyên giám đốc hãng phim Nguyễn Đình Chiểu (em trai ông) và nhà biên kịch-đạo diễn Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TP Hồ Chí Minh (em gái ông) cho biết, ông vẫn say sưa làm việc. Tiểu thuyết “Những năm tháng nhọc nhằn”  vừa xong cũng là lúc ông kiệt sức phải vào bệnh viện...

Nhà văn Lê Văn Thảo đã về cõi vĩnh hằng. Ông bỏ lại sau lưng những “Cơn giông”, những “Con mèo”, những “Ông cá hô”, “Năm tháng nhọc nhằn”… để theo “Con đường xuyên rừng”, “Lên núi thả mây”…, gặp các bạn đồng nghiệp, đồng đội, các nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Thanh Giang, Võ Trần Nhã…

TRẦN THẾ TUYỂN - (nguyên Tổng biên tập Báo SGGP)