 |
Một góc phòng thí nghiệm niên đại tại Viện Khảo cổ học |
*Xác định tuổi chính xác tới hơn 500 nghìn năm trước Công nguyên
Đó là: Phòng thí nghiệm xác định niên đại Viện Khảo cổ học - thuộc Viện KHXH Việt Nam vừa mới được thành lập và đi vào hoạt động từ vài năm nay. So với một thế kỷ có dư tuổi đời hoạt động của ngành Khảo cổ học (KCH) Việt Nam, thì sự ra đời của phòng thí nghiệm này phục vụ cho công tác nghiên cứu, quả là đã quá chậm(!). Nhưng dù sao “chậm còn hơn không”- Nhiều nhà nghiên cứu KCH Việt Nam đánh giá như vậy và còn cho đây là một “thành tựu” của ngành KCH nước nhà trong quá trình đổi mới và hội nhập.
TS Nguyễn Quang Miên, Trưởng phòng thí nghiệm xác định niên đại của Viện KCH cho biết: Phòng có may mắn được tiếp nhận một hệ thống thiết bị thí nghiệm vào loại tiên tiến trên thế giới. Đó là những thiết bị đo lường phóng xạ siêu nhạy (Ultra Low Level), những nguồn chuẩn Radioactivity do cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế và Hiệp hội thí nghiệm xác định niên đại Carbon phóng xạ thế giới chuẩn cấp... Với những phương tiện trang thiết bị nghiên cứu hiện có, chúng ta có thể tự hào vì đã có một phòng thí nghiệm chuyên xác định niên đại cho KCH sánh ngang với các quốc gia có hoạt động KCH tiên tiến trên thế giới. Điều này đã giải quyết cơ bản tình trạng từ nhiều chục năm về trước, để xác định giá trị của di tích, di chỉ KCH, nhiều nhà khoa học đã phải “cầm lòng vậy, bằng lòng vậy” với việc “nghiên cứu chay” trong nghiên cứu KCH.
Trước đến nay, phần lớn các nhà khoa học thông qua các cuộc thám sát, khai quật, bằng mắt thường nhìn thấy những tư liệu, hiện vật tìm được, những tầng, lớp văn hóa… để đoán định niên đại cho di chỉ và hiện vật KCH vừa phát hiện(!). Nguyên nhân chính của việc làm này tựu trung lại là do kinh phí của nhà nước ta có hạn, trong khi đó ở trong nước chưa có phòng thí nghiệm, mọi công việc phân tích xác định chính xác tuổi niên đại đều phải gửi ra nước ngoài phân tích giám định. Tình hình trên đã gây rất nhiều khó khăn cho những người làm công tác nghiên cứu. Chúng ta chỉ được phép chọn rất ít mẫu điển hình trong một số di chỉ KCH thật điển hình để gửi đi giám định. Trong suốt hàng chục năm trời của thời kỳ chiến tranh, công tác giám định cổ vật chủ yếu là “phải nhờ vả” các chuyên gia kỹ thuật trong các nước xã hội chủ nghĩa thuộc Liên Xô và Đông Âu trước đây giúp, nên chúng ta không thể đòi hỏi điều kiện gì hơn về khoa học với các bạn. Đặc biệt nguồn tư liệu dùng để đối chứng, so sánh khoa học trong quá trình giám định còn thiếu nhiều. Đó là chưa kể đến thời gian giám định mẫu vật KCH, chúng ta phải kiên trì chờ đợi kết quả giám định đến vài năm mới có. Trong quá trình gửi mẫu đi phân tích giám định, ở mỗi nước khác nhau, có quy trình kỹ thuật thí nghiệm khác nhau, ở trong điều kiện môi trường, khí hậu, giá lạnh, nóng ẩm, cách bảo quản… khác nhau, sẽ cho kết quả giám định khác nhau. Vì thế các mẫu vật KCH của chúng ta đưa đi giám định chưa thể thỏa mãn hết được. Tính chính xác, tính thuyết phục trong khoa học vì thế cũng chưa thể đáp ứng hết cũng là điều khó tránh khỏi.
Nay chúng ta đã có phòng thí nghiệm xác định tuổi niên đại đạt chuẩn quốc tế: Từ quy trình vận hành và sử dụng thiết bị đo; quy trình làm giàu mẫu trong đo tuổi carbon phóng xạ; quy trình thực hiện phân tích thí nghiệm đo tuổi carbon phóng xạ; quy trình quản lý chất lượng thí nghiệm xác định niên đại; các công đoạn tham gia vào quá trình xác định niên đại được phân nhỏ đến từng thao tác và kiểm tra theo chỉ tiêu QA/QC của phép đo lường phóng xạ quốc tế… Phòng thí nghiệm của Viện Khảo cổ học thường xuyên kết hợp với nhiều chuyên gia đến từ Ủy ban năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA),Viện năng lượng nguyên tử Việt Nam tiến hành kiểm chuẩn thiết bị và thực hiện các mẫu phân tích đối sánh với các phòng thí nghiệm khác, đều thừa nhận kết quả thu được tương đương với các phòng thí nghiệm uy tín của thế giới.
Từ năm 2000 đến nay, Phòng thí nghiệm xác định niên đại thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam với đội ngũ biên chế chỉ có 2 cán bộ và một số hợp đồng, nhưng đã nghiên cứu, giám định chuẩn xác được 318 mẫu khảo cổ học ở khắp các thời kỳ từ tiền sử, sơ sử cho đến nay - Trong đó có mẫu răng Người Vượn Homo erectus ở hang Thẩm-Khuyên (Lạng Sơn) được xác định tuổi chính xác từ 534 nghìn năm (cộng trừ 87 nghìn năm) đến 401 nghìn năm (cộng trừ 51 nghìn năm) trước Công nguyên. Chỉ tính số lượng mẫu được nghiên cứu trong vòng hơn 5 năm này đã vượt xa so với tổng lượng mẫu của cả ngành (250 mẫu) gửi ra nước ngoài từ nhiều chục năm trước đó cộng lại, nhưng giá thành chỉ bằng một phần ba, chất lượng giám định bảo đảm chính xác tuyệt đối… Những kết quả đáng phấn khởi trên đã khẳng định công tác giám định niên đại của Viện KCH đạt tiêu chuẩn quốc tế, chẳng những đã phục vụ đắc lực cho công tác nghiên cứu KCH nước nhà, mà còn là địa chỉ hợp tác khoa học tin cậy của nhiều công trình nghiên cứu khác từ các bộ, ngành, đơn vị trong nước và quốc tế.
Bài và ảnh: ĐỖ HẢO