Trung thu ở rất gần
Càng gần đến Trung thu, không khí của ngày hội trăng rằm lớn nhất trong năm càng nhộn nhịp trên các con ngõ, từ trung tâm thành phố đến các huyện ngoại thành. Phố Hàng Mã, từ lâu được coi là “thủ phủ” của các hoạt động Trung thu, khoảng một tháng nay đã rực rỡ sắc màu với hàng trăm gian hàng bày bán đa dạng các loại đồ chơi, từ truyền thống đến hiện đại. Cảnh mua bán diễn ra tấp nập. Nhiều bạn trẻ, du khách sớm tìm đến con phố trang hoàng lộng lẫy này để chụp ảnh kỷ niệm. Trên nhiều phố, một vài đứa trẻ đã được cha mẹ, người thân mua cho mặt nạ, đèn lồng, xúng xính đội mũ miện... Dịp này, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam... phối hợp với các nghệ nhân, thợ thủ công tổ chức nhiều hoạt động, trải nghiệm thú vị cho trẻ vui Trung thu.
 |
Nghệ nhân làm tò he truyền thống phục vụ thiếu nhi tại Hoàng thành Thăng Long. |
Ở huyện ngoại thành xa nhất của Hà Nội, UBND xã Ba Vì (huyện Ba Vì) đã sớm ban hành kế hoạch tổ chức hoạt động Trung thu năm 2023 với mục đích nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tổ chức Tết Trung thu vui tươi, an toàn cho trẻ em trên địa bàn huyện. Anh Triệu Sinh Viễn, Bí thư Đoàn xã Ba Vì cho biết: "Xã Ba Vì có đại đa số người Dao sinh sống. Trong văn hóa của người Dao không có câu chuyện chị Hằng, chú Cuội. Nhưng từ lâu, ngày Tết Trung thu vẫn được các cơ quan, đoàn thể và cộng đồng dân cư tổ chức như một dịp thể hiện sự quan tâm và mang đến niềm vui, tiếng cười cho các em nhỏ. Dịp này, chúng tôi vừa giáo dục kỹ năng sống, vừa tổ chức các trò chơi dân gian như đập bóng, bịt mắt bắt dê, đoán chữ người Dao... để giáo dục truyền thống cho các em, góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc. Ngoài ra, chúng tôi cũng thường chuẩn bị những suất quà tặng học sinh khuyết tật, học sinh thuộc gia đình khó khăn... Với những hoạt động vui tươi, ý nghĩa nên dù đặc thù địa bàn rộng, có thôn ở xa trung tâm tới 12km nhưng hằng năm, Lễ hội Trung thu do xã tổ chức vẫn thu hút đông đảo trẻ em và phụ huynh tham gia".
Giữ gìn vốn văn hóa truyền thống
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Quân đội nhân dân, những năm gần đây, đồ chơi Trung thu truyền thống đã được nhiều người tiêu dùng lựa chọn thay cho những đồ chơi nhựa ngoại nhập. Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Quyền (thôn Đàn Viên, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai) cho biết: "Năm 2007 là năm đầu tiên chúng tôi được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mời ra biểu diễn cho du khách trải nghiệm làm đồ chơi truyền thống. Cả mùa Trung thu tôi chỉ bán được 5-7 chiếc đèn kéo quân, 15 đèn ông sao. Năm nay, chỉ tính riêng đèn kéo quân, tôi làm được 500 chiếc, làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Khi hướng dẫn cho các cháu nhỏ, có cháu sau khi hoàn thành sản phẩm gọi ngay về cho bố mẹ khoe rối rít. Đấy là niềm vui của trẻ nhỏ nhưng cũng là niềm vui của những người làm nghề truyền thống như chúng tôi".
Không gian trưng bày Trung thu tại Hoàng thành Thăng Long năm nay có nhiều chiếc đèn truyền thống rất đẹp. Hỏi ra mới biết đây là những chiếc đèn do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội phối hợp với nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách cùng nghệ nhân các làng nghề chuyên làm đèn Trung thu xưa ở phố cổ (Hà Nội), Thanh Oai (Hà Nội), Báo Đáp (Nam Định), Đông Hồ (Bắc Ninh)... phục dựng dựa trên các nguồn tư liệu quý của các nhà nghiên cứu nước ngoài như: Henri Oger, Albert Kant; Bảo tàng Quai Branly (Pháp)... Những mẫu đèn cổ đã bị thất truyền có hình thù đa dạng như cá chép hóa long, cá chép trông trăng, cua sống, cua chín, thỏ, bướm, tôm, quả đào... bằng giấy dó, giấy nhiễu, giấy bóng kính, nan tre, mây, hồ dán... tưởng chỉ có thể tìm được trong những bức ảnh xưa, nay sống động, hấp dẫn, thu hút nhiều khách khi đến với không gian trưng bày Tết Trung thu tại Hoàng thành Thăng Long. Những chiếc đèn này gợi nhớ lần chúng tôi đến tư gia của nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách cách đây vài năm. Ông cho biết đã cùng một số người tâm huyết kỳ công phục dựng bởi đồ chơi dân gian được làm theo lối cổ đẹp và có hồn, mỗi chiếc một sắc thái chứ không như những sản phẩm có thể sản xuất hàng loạt hiện nay. Ông nâng niu những chiếc đèn này như báu vật bởi với ông, chúng là văn hóa của cả dân tộc.
Gặp gỡ các nghệ nhân, các nhà nghiên cứu, tận mắt chứng kiến họ coi việc gìn giữ vốn văn hóa truyền thống qua đồ chơi dân gian như trách nhiệm của mình bằng việc chú trọng bảo tồn, quảng bá mới thấy mỗi món đồ chơi truyền thống đều mang đến những giá trị văn hóa, lịch sử. Những hoạt động trải nghiệm đa dạng đang được các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, cá nhân tổ chức dịp Tết Trung thu cũng chính là hiện thực hóa mong muốn góp phần đẩy mạnh hoạt động giáo dục di sản của Thủ đô, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, nâng cao ý thức bảo tồn, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống, phát triển hệ sinh thái giáo dục sáng tạo trong cộng đồng, thúc đẩy phát triển du lịch.
Bài và ảnh: THANH LIÊN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.