Lễ hội Cổ Loa (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) được tổ chức vào ngày mồng 6 tháng Giêng hằng năm. Đến với lễ hội, trong tôi bỗng ùa về câu ca dao: “Ai về qua huyện Đông Anh/Ghé xem phong cảnh Loa thành Thục Vương/Cổ Loa hình ốc khác thường/Trải bao năm tháng nẻo đường còn đây”. Lễ hội là dịp để giáo dục lịch sử, văn hóa, truyền thống và lòng biết ơn của các thế hệ hôm nay đối với công lao của Đức vua An Dương Vương người đã khai sinh ra nhà nước phong kiến Âu Lạc.
 |
Cán bộ Ban CHQS huyện Đông Anh và lực lượng dân quân tự vệ tìm hiểu hiện vật tại khu di tích thành Cổ Loa. |
Trong dòng người tấp nập, tôi thấy nhiều học sinh, sinh viên, thanh niên chăm chú ghi chép thông tin liên quan đến các hiện vật tại thành cổ. Đang chăm chú ngắm kiến trúc cổ kính của thành cổ, tôi nghe được lời mời gọi, hướng dẫn du khách qua tiếng loa phát thanh:
- Kính chào quý khách đã đến tham dự lễ hội Cổ Loa. Đề nghị mọi người giữ gìn trật tự, không chen lấn, xô đẩy, chấp hành tốt quy định của lễ hội...
Người đang nói qua loa phát thanh và hướng dẫn du khách là anh Nguyễn Văn Lợi, thôn Mạch Tràng, xã Cổ loa, huyện Đông Anh. Anh Lợi vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương tháng 1-2023. Trước đây anh là chiến sĩ công tác tại Phòng Tham mưu Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không - Không quân. Anh Lợi chia sẻ:
- Tôi rất vinh dự, tự hào vì quê hương mình có khu di tích thành Cổ Loa nổi tiếng với những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, quân sự. Tôi luôn mong muốn được cùng với chính quyền và nhân dân giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị của công trình này cho thế hệ hôm nay và mãi mãi về sau.
Cùng chúng tôi tham quan khu di tích và dừng chân tại Đền Thượng, nơi thờ Đức vua An Dương Vương, Thượng tá Lại Đức Mạnh, Chính trị viên Ban CHQS huyện Đông Anh say sưa giới thiệu với chúng tôi như một “hướng dẫn viên” du lịch:
- Thành Cổ Loa do Đức vua An Dương Vương xây dựng từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên với chức năng là kinh thành - quân thành của nhà nước Âu Lạc. Đây là một kiến trúc quân sự nổi tiếng, thể hiện sức lao động đặc biệt và nghệ thuật quân sự đặc sắc của dân tộc ta. Theo sử sách ghi lại, thành có 9 lớp, hiện chỉ còn dấu vết của 3 lớp khép kín gồm: Thành trong, thành giữa và thành ngoài lồng vào nhau. Cả 3 vòng thành dài khoảng 16km, rộng hơn 46ha. Sông Thiếp (tức sông Hoàng Giang) trở thành giao thông hào bao quanh, trước còn nối với sông Hồng và sông Cầu, nên Cổ Loa từng là cảng sông lớn của nước ta. Đây là di tích lịch sử văn hóa hết sức đặc biệt, một công trình phòng ngự kiên cố. Mặt ngoài thành dựng đứng như bức tường để cản giặc tấn công. Mặt trong thoai thoải để quân lính đi lại tuần tra, canh gác và vận động lên mặt thành nhanh chóng khi có tình huống...
Theo Thượng tá Lại Đức Mạnh, khi nghiên cứu truyền thuyết, lịch sử, văn hóa di tích quốc gia đặc biệt thành Cổ Loa, nhiều bài học bổ ích, kinh nghiệm quý báu về lịch sử đánh giặc, giữ nước của ông cha ta đã được đúc rút và rất bổ ích trong công tác giáo dục truyền thống, nghệ thuật quân sự của đơn vị. Vì vậy, Ban CHQS huyện thường chọn di tích thành Cổ Loa là nơi giáo dục lòng yêu nước, tinh thần chống giặc ngoại xâm cho cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện, nhất là thanh niên chuẩn bị lên đường nhập ngũ. Ban CHQS huyện thường xuyên tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương đưa các thanh niên chuẩn bị nhập ngũ đến di tích thành Cổ Loa tham quan, học tập truyền thống, qua đó khơi dậy niềm tự hào dân tộc, trách nhiệm công dân, lý tưởng phấn đấu cho mỗi người trước khi lên đường bảo vệ Tổ quốc.
 |
Cán bộ Ban CHQS huyện Đông Anh và lực lượng dân quân tự vệ tham quan đền Thượng tại khu di tích thành Cổ Loa. |
Say sưa ngắm nhìn những công trình kiến trúc cổ kính, uy nghiêm, tôi đặt câu hỏi với Thượng tá Lại Đức Mạnh:
- Năm xưa, Triệu Đà giả cầu hòa, sai con trai là Trọng Thủy sang cầu thân và kết hôn với Mỵ Châu và sau đó đánh cắp bí mật quân sự của nhà nước Âu Lạc. Từ bài học lịch sử này, anh có suy nghĩ gì về công tác giáo dục truyền thống?
Suy ngẫm trong giây lát, Thượng tá Lại Đức Mạnh cho rằng, những câu chuyện lịch sử này nhắc nhở hậu thế không bao giờ được mất cảnh giác trước những âm mưu xảo quyệt của các thế lực ngoại xâm. Bài học về nàng Mỵ Châu “nỏ thần sơ ý trao tay giặc”, về vua An Dương Vương mất cảnh giác nhận giặc làm con rể để đến nỗi “cơ đồ đắm biển sâu” đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Từ ý nghĩa của bài học trong truyền thuyết, Ban CHQS huyện Đông Anh thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ LLVT và nhân dân trên địa bàn tinh thần cảnh giác cách mạng, tuyệt đối giữ gìn bí mật quân sự, bí mật quốc gia. Đồng thời không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ sẵn sàng chiến đấu, kịp thời tham mưu, xử lý các tình huống, không để bị động, bất ngờ.
Những năm qua, cùng với việc tổ chức tham quan, học tập truyền thống cho thanh niên địa phương, lực lượng dân quân tự vệ, Ban CHQS huyện còn tổ chức lực lượng tham gia bảo vệ an toàn cho lễ hội. Để góp phần cùng các lực lượng bảo vệ an toàn lễ hội, Ban CHQS huyện chủ động trang bị kiến thức cho cán bộ, chiến sĩ, qua đó để hướng dẫn cho du khách tham quan, truyền tải kinh nghiệm chống giặc ngoại xâm của cha ông ta.
Cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân, cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện Đông Anh tự hào khi được góp sức bảo vệ, giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của khu di tích thành Cổ Loa. Những việc làm thiết thực của cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện Đông Anh đã tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách thập phương khi về trẩy hội…
Bài và ảnh: HẠ ANH