Chuyện xưa truyền rằng, cụ cử Lương Van Can là người làng Nhị Khê. Theo lệ làng, tới gần nhà thờ Nguyễn Trãi mới phải xuống ngựa, nhưng với tấm lòng tôn kính tiền nhân, cụ cử Can mỗi dịp về làng đều xuống ngựa từ ngoài cổng rồi đi bộ về nhà.

leftcenterrightdel
Cung chính thờ Nguyễn Trãi được dòng tộc, nhân dân kính lễ. 

Nhà thờ quan khai quốc công thần Nguyễn Trãi nằm cách cổng chính chừng mấy trăm mét. Đây vốn là từ đường của dòng họ Nguyễn ở Nhị Khê. Ngày ngày, cụ Nguyễn Thông là hậu duệ đời thứ 18 của quan Nguyễn Trãi chăm lo nhang đăng phụng thờ ấm cúng. Ông Thông tuổi nay đã ngoại bát tuần nhưng vẫn minh mẫn kể lại chuyện xưa: “Năm 1464, vua Lê Thánh Tông đã ban chiếu giải oan quan khai quốc công thần Nguyễn Trãi, đề tặng 7 chữ “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo” và cho lập nhà thờ”.

Nhà thờ qua nhiều lần trùng tu, khuôn viên nằm giữa một vùng cư dân quần tụ đầm ấm. Nhà thờ được xây theo hình chữ đinh, có đại bái, trung đường và hậu cung. Chính giữa hậu cung thờ tượng Nguyễn Trãi. Nhiều bức hoành phi, câu đối bằng chữ Hán ca ngợi Nguyễn Trãi như: “Khai quốc nguyên huân”, “Bình Ngô khai quốc”, “Nho thần thạc vọng”, “Quang khuê tảo”, “Bình dị cận dân”... Trước nhà thờ có hồ bán nguyệt, tượng đài Nguyễn Trãi do nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo thiết kế. Hai bên là nhà trưng bày, thư viện Nhị Khê. Nhà thờ Nguyễn Trãi được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1964.

leftcenterrightdel

Nhà thờ Nguyễn Trãi ở thôn Nhị Khê, xã Nhị Khê (Thường Tín, Hà Nội). 

Nhà thờ Nguyễn Trãi trở thành nơi khách thập phương xa gần đến chiêm bái kính lễ, tưởng nhớ vị khai quốc công thần triều hậu Lê. Trong đoàn khách thăm nhà thờ dịp đầu xuân, em Nguyễn Minh Khôi, học sinh Trường THPT Lý Tử Tấn (Thường Tín) chia sẻ: “Mỗi dịp đến lễ danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, chúng em mong muốn học hành tấn tới, nguyện phấn đấu phát huy truyền thống khoa bảng của quê hương Thường Tín”.

Cách nhà thờ Nguyễn Trãi không xa có khu ao Huê, trại Ổi-nơi cha Nguyễn Trãi là cụ Nguyễn Phi Khanh xưa kia mở lớp dạy học, đây cũng là khu vực nền nhà cũ của Nguyễn Trãi. Ông Nguyễn Tiến Minh, Bí thư Huyện ủy Thường Tín cho biết: “Được sự đồng thuận của các cấp chính quyền, sự đồng lòng, góp sức của nhân dân, huyện Thường Tín đã triển khai xây dựng khu lưu niệm Nguyễn Trãi ở khu vực ao Huê, trại Ổi. Nơi đây gắn kết với nhà thờ Nguyễn Trãi trở thành địa điểm tôn vinh anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi trên mảnh đất danh hương Thường Tín”.

Mùa xuân về thăm quê hương Nhị Khê tâm thành kính lễ Nguyễn Trãi, chúng tôi được nghe nhiều chuyện xưa để hiểu thêm tấm lòng Ức Trai luôn trọng dân, kính dân là bởi “Ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày”, sâu xa hơn là tư tưởng của bậc danh nhân khoan hòa nhân ái đề cao “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, suốt một đời phụng sự dân tộc, vì nhân dân.

Bài và ảnh: ĐĂNG KHOA

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.