Tiết trời đầu xuân se sắt lạnh, vượt qua cung đường Thái Nguyên - Cao Bằng qua những triền núi nhấp nhô, uốn lượn, chúng tôi đặt chân đến Pác Bó giữa mùa hoa mơ, hoa mận bung nở. Nơi đây, cảnh sắc núi rừng, những bản làng vùng cao bình yên, thơ mộng nép mình dưới những chân núi trập trùng đã gợi lên một hình ảnh Việt Bắc trong kháng chiến.
Trong sắc xuân hòa vào sắc trắng của hoa mơ, hoa mận, đứng trước địa danh Pác Bó, chúng tôi nhớ đến những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu ghi lại những giây phút Bác Hồ trở về Tổ quốc thân yêu sau bao năm bôn ba tìm đường cứu nước: “Bác đã về đây Tổ quốc ơi/Nhớ thương hòn đất ấm hơi Người/Ba mươi năm ấy chân không nghỉ/Mà đến bây giờ mới tới nơi”.
 |
Pác Bó, nơi suối nguồn cách mạng của dân tộc Việt Nam. |
Nhà thơ Tố Hữu còn ghi lại khoảnh khắc thiêng liêng vào mùa xuân năm 1941: “Ôi sáng xuân nay xuân bốn mốt/Trắng rừng biên giới nở hoa mơ/ Bác về im lặng con chim hót/Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ”.
Dạo bước trên con đường đưa đến Nhà trưng bày khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, chúng tôi được nghe kể về sự kiện ngày 28-1-1941, Bác Hồ về nước để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Cột mốc 108 trên biên giới Việt – Trung thuộc xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng là nơi Người đặt chân lên đất Tổ quốc, trở về quê hương sau hành trình 30 năm bôn ba tìm con đường cứu nước, cứu dân.
Xúc động biết bao khi chúng tôi được nghe kể câu chuyện khi Bác tới cột mốc 108, Người đã cầm nắm đất lên hôn như hình ảnh một người con trở về đất mẹ hiền bao la nghĩa tình. Nhà thơ Chế Lan Viên đã cảm nhận được giây phút ấm áp ấy: “Kìa, bóng Bác đang hôn lên hòn đất/Lắng nghe trong màu hồng, hình đất nước phôi thai” (Người đi tìm hình của nước).
 |
Suối Lê Nin, núi Các Mác - nơi gắn với hình ảnh Bác Hồ ở Pác Bó. |
Trở về Tổ quốc, Bác Hồ đã chọn Pác Bó làm nơi hoạt động cách mạng, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Pác Bó theo lời kể của người dân địa phương, nơi đây có địa hình núi rừng hiểm trở, có núi cao, suối sâu, tiếng Nùng gọi là Cốc Bó (Đầu nguồn). Nơi đây có hang Pác Bó sâu và rộng, Bác lấy tên là Già Thu, chọn địa điểm này để ở và làm việc.
Đứng trước hang Pác Bó, chúng tôi xúc động và cảm phục trước sự giản dị mà vĩ đại của Bác trong những tháng ngày Người lãnh đạo cách mạng ở nơi núi rừng Pác Bó. Hang đá sâu thẳm, cây lá um tùm đã che chở, bao bọc Người những ngày kháng chiến đầy cam go, gian khổ. Tuy thiếu thốn về cơ sở vật chất nhưng tinh thần của Bác luôn lạc quan, luôn tin tưởng vào tương lai tươi sáng của cách mạng.
Trong bài thơ Tức cảnh Pác Bó, Người đã ghi lại khung cảnh nơi đây: "Sớm ra bờ suối, tối vào hang/Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng/Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng/Cuộc đời cách mạng thật là sang”.
Nơi núi rừng Pác Bó, Người đã lãnh đạo và đưa ra những quyết sách cho con đường cách mạng của dân tộc. Trong đó có một quyết sách quan trọng của Bác đối với cách mạng Việt Nam, đó là Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được Người gửi cho đồng chí Võ Nguyên Giáp.
Ngày 22-12-1944, tại khu rừng Sam Cao (rừ ng Trần Hưng Đạo), huyện Nguyên Bình, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân thành lập gồm 34 chiến sĩ do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy. Bên bàn đá mộc mạc, bên dòng suối Lê nin trong xanh, dưới núi Các Mác sừng sững, Bác đã dành thời gian dịch tiếp cuốn “Lịch sử Đảng Cộng sản Nga” ra tiếng Việt để làm tài liệu huấn luyện đảng viên.
 |
Bàn đá bên bờ suối, nơi Bác Hồ ngồi làm việc. |
Nhà trưng bày Nhà trưng bày khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó ở xã Trường Hà, huyện Hà Quảng được xây dựng trên một khu đất rộng và bằng phẳng, mái ngói đỏ tươi, phía sau là ngọn núi cao sừng sững, cây lá xanh ngút ngàn. Khu di tích lưu giữ những hình ảnh quý, những tư liệu lịch sử về Bác Hồ và những sự kiện cách mạng giai đoạn đầu Bác về nước lãnh đạo cách mạng.
Từ hang Pác Bó, theo tư liệu lịch sử và lời kể của hướng dẫn viên khu di tích, chúng tôi được đến thăm những địa danh gắn với hình ảnh Bác Hồ những năm người về nước ở vùng đất Hà Quảng (Cao Bằng).
Những địa danh chủ yếu gắn liền với thiên nhiên, núi rừng Pác Bó như hang Lũng Lạn, nơi Bác ở và làm việc trong thời gian khoảng cuối tháng 3-1941; hang Ngườm Vài. Lán Khuổi Nặm là địa điểm Bác Hồ ở lâu nhất. Căn lán được dựng theo kiểu nhà sàn, là nơi có địa thế thuận lợi, an toàn và bí mật. Ngoài ra còn có hang Slí Điếng và hang Diêm Tiêu, nền nhà ông Lý Quốc Súng, nơi có ngôi nhà Bác Hồ ở khi mới về nước.
 |
Hang đá ở Pác Bó, nơi Bác Hồ từng ở và làm việc. |
Dòng suối Lê nin, nơi Bác Hồ ra câu cá khi ở Pác Bó. Khung cảnh nơi đây hoang sơ, thơ mộng, dòng nước trong xanh chảy từ nơi đầu nguồn núi thẳm soi bóng ngọn núi Các Mác cao vời vợi. Phía trên vách đá, những lùm cây xanh thẳm buông mình chờm xuống dòng nước khiến cho không gian tràn ngập sắc xanh của núi rừng.
Trong những tháng ngày hoạt động cách mạng ở Pác Bó, Bác đã đặt tên dòng suối Lê nin và ngọn núi Các Mác. Bên dòng suối ấy, những tảng đá bằng phẳng được Người chọn làm thành chiếc bàn đá để ghi chép tài liệu. Tiếng suối chảy từ nơi đại ngàn như cất lên âm vang của cách mạng những ngày tiền khởi nghĩa. Dòng Khuổi Nặm rì rào quanh những bản làng bình yên.
Thầy giáo Nông Tuấn Trung, giáo viên Trường THPT Thông Nông (Cao Bằng) chia sẻ: “Pác Bó là nơi lưu giữ hình ảnh thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu, là địa chỉ đỏ để thế hệ trẻ hướng về trong hành trình về nơi suối nguồn cách mạng của dân tộc”.
Về Pác Bó là trở về nơi đầu nguồn cách mạng, mỗi hang đá, mỗi dòng suối, mỗi vạt rừng, mỗi ngôi nhà đều in đậm hình ảnh Bác Hồ. Núi rừng xưa cất lên lời ca ngợi công lao vĩ đại của Bác đối với cách mạng Việt Nam. Cuộc sống nơi đây no ấm, đổi thay và khởi sắc từng ngày. Khung cảnh bình dị của Pác Bó luôn gợi lên trong tâm hồn con người hình ảnh vị Cha già kính yêu của dân tộc.
NGUYỄN THẾ LƯỢNG