Từ mảnh đất thiên nhiên hùng vĩ

Có dịp đến Khâu Vai vào bất kỳ mùa nào trong năm, mọi người đều được chiêm ngưỡng cảnh núi non hùng vĩ với màu xanh bạt ngàn của cây rừng, của nương ngô hòa quyện với màu đá xám đứng hiên ngang giữa đất trời. Bắt đầu từ xã Lũng Pù đến cửa ngõ xã Khâu Vai, là những rừng hoa đá, hoang mạc đá, dãy núi Kim tự tháp, trải dài dọc theo tuyến đường giao thông, tạo thành bức tường đá sừng sững, vững chắc, bảo vệ những bản làng trước thiên nhiên mùa Đông khắc nghiệt của vùng cao nguyên đá.

Đến Mê cung đá, chỉ cách trung tâm xã Khâu Vai 2km, với diện tích hơn 9ha. Bắt đầu từ năm 2017, nơi đây được tỉnh Hà Giang và huyện Mèo Vạc chọn làm sân khấu để tổ chức các hoạt động văn hóa tại Lễ hội chợ Phong lưu Khâu Vai hằng năm.

leftcenterrightdel
Dòng sông Nho Quế hùng vĩ trên Cao nguyên đá. 

Từ khu vực Mê cung đá ngược lên dãy núi đá thuộc thôn Sán Séo Tỷ chừng hơn 3km, mọi người sẽ được ngắm toàn cảnh thôn Khâu Vai và các đơn vị trường học. Trên cung đường này có dãy núi Kim tự tháp, hang Rùa, đặc biệt là bàn tay của cha mẹ bằng đá đang nắm chặt tay nhau giơ lên trời cao như thể hiện quyết tâm chinh phục thiên nhiên, xây dựng cuộc sống hạnh phúc trên miền đá núi Khâu Vai.

Xuôi xuống chân núi xã Khâu Vai là lòng hồ Thủy điện Bảo Lâm 3 trên dòng sông Nho Quế thơ mộng chạy qua địa phận các xã Khâu Vai, Niêm Tòng (huyện Mèo Vạc) và xã Đức Hạnh (huyện Bảo Lâm, Cao Bằng). Với lòng sông rộng và trải dài hơn 8km, lòng hồ Thủy điện Bảo Lâm 3 không chỉ đem lại lợi ích về thủy điện, chăn nuôi thủy sản, mà có tiềm năng du lịch rất lớn.

Bên kia hẻm thuộc đất xã Đức Hạnh (huyện Bảo Lâm, Cao Bằng) có một hang Dơi rộng lớn hơn sân bóng chuyền, chạy dài khoảng 400m, là địa điểm lý tưởng để du khách có thể tham quan, cắm trại quanh năm. Điểm giống nhau giữa hẻm Tu Sản và hẻm Phong Lưu, là do cấu tạo của địa chất, nên dãy núi đá hai bên hẻm đều có hai màu trắng và màu đỏ đối diện nhau, cộng với màu nước xanh ngọc bích của dòng Nho Quế, luôn cuốn hút những người săn ảnh đẹp.

Từ hẻm Phong Lưu xuôi về đập Thủy điện Bảo Lâm 3 là hàng cây Mộc miên được trồng hai bên bờ sông, vào mùa xuân hoa nở đỏ phủ kín ven sông hòa quyện với màu nước sông xanh biếc, in hình bóng những dãy núi đá xuống dòng sông Nho Quế, tạo thành bức tranh sơn thủy hữu tình, mà du khách cứ ngỡ đang đi thuyền trên vịnh Hạ Long.

Đến con người thân thiện, giàu bản sắc văn hóa

Xã Khâu Vai (Mèo Vạc, Hà Giang) có 9 dân tộc anh em chung sống, đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ nhau cùng phát triển, trong đó dân tộc Mông chiếm hơn 95%. Là xã có nhiều dân tộc nên mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa đặc sắc riêng. Vào dịp Lễ hội chợ Phong lưu Khâu Vai, tất cả mọi người từ các thôn đến tụ hội tại trung tâm xã để giao lưu, tìm lại bạn xưa, kết duyên bạn mới và trút bầu tâm sự chia sẻ về những buồn vui trong cuộc sống.

leftcenterrightdel
 

Cùng với sự thay đổi của thời gian, sự phát triển kinh tế -xã hội; đời sống của nhân dân xã Khâu Vai ngày càng nâng lên nhưng họ vẫn giữ được những nét văn hóa đặc sắc truyền thống của dân tộc mình, như: Thổi múa khèn Mông, hát đối giao duyên dân tộc Nùng, may mặc trang phục truyền thống, thờ cúng tổ tiên…

leftcenterrightdel
Thiếu nữ dân tộc Nùng trong trang phục truyền thống đi chợ Phong lưu. 

Tiêu biểu nhất là dân tộc Nùng, tuy chỉ có 57 hộ dân sinh sống tại thôn Khâu Vai nhưng vào các ngày 2, ngày 7 âm lịch hằng tháng, nhân dân vẫn duy trì sinh hoạt họp chợ phiên; vào ngày Mồng 2 Tết Nguyên đán, ngày 2-2 và 27-3 âm lịch, các hộ gia đình dân tộc Nùng thôn Khâu Vai đều làm Lễ dâng hương miếu ông, miếu bà để tưởng nhớ mối tình đẹp của chàng Ba, nàng Út và cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, mọi nhà bình an, hạnh phúc.

Trong sinh hoạt văn hóa, họ còn duy trì Đội văn nghệ dân gian thường xuyên biểu diễn các làn điệu hát đối giao duyên (hay còn gọi là hát Phươn) vào các dịp lễ tết, đám cưới, mừng thọ, vào nhà mới.

Để phát huy tiềm năng thế mạnh về du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Khâu Vai đã ban hành nghị quyết, kế hoạch phát triển du lịch gắn với bảo tồn văn hóa, trong đó tập trung xây dựng Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Nùng thôn Khâu Vai; bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội chợ Phong lưu Khâu Vai”; kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển du lịch khu vực Mê cung đá và đề xuất với huyện các giải pháp về phát triển du lịch lòng hồ Thủy điện Bảo Lâm 3.

Có như vậy, trong tương lai không xa, hy vọng Khâu Vai sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn du khách thập phương.

Bài, ảnh: QUỲNH LƯU

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.