Hát canh của người quan họ thường được tổ chức vào dịp lễ hội, hoặc tổ chức mừng thọ một người trong gia đình-khi ấy gọi là “khao canh”. Để tham gia hát canh, các liền anh, liền chị phải thuộc hàng trăm câu quan họ, mỗi câu có dung lượng bằng một bài hát.

Một canh quan họ có 3 chặng, kéo dài từ 19 giờ 30 phút tối hôm trước đến khoảng 2 giờ sáng hôm sau, có canh kéo dài đến tận 5 giờ sáng. Sau chặng đầu “mời nước mời trầu”, là chặng hai với “giọng vặt” thể hiện tình nghĩa gắn bó, nỗi nhớ mong và thương cảm về cuộc đời. Chặng cuối diễn ra khi trời đã về sáng, có tên gọi là “giọng giã”.

Nét đặc trưng của hát canh quan họ tại Bắc Ninh là các liền anh, liền chị ngồi xuống chiếu hát đối đáp theo cặp nam hát với nam, nữ hát với nữ. Người hát không cần loa, không nhạc nhưng giọng hát chậm rãi, vang, rền, nền, nảy làm xao động lòng người. Canh quan họ chỉ kết thúc khi hai bên hết câu đối đáp và bên trai không giữ được bên gái ra về.

Một liền chị sửa soạn lại khăn vấn đầu.  
 Hai liền anh giúp nhau sửa soạn áo the. 
 Tô son cho duyên dáng người quan họ. 
 Trước khi ngồi xuống chiếu canh, các liền chị dành nhiều thời gian chăm chút hình ảnh. 
Để tham gia hát canh, mỗi liền anh, liền chị phải thuộc hàng trăm câu quan họ.  
Liền anh có lời để các liền chị ra câu đối trước.  
 Người hát canh không cần loa, không nhạc nhưng giọng hát chậm rãi, vang, rền, nền, nảy làm xao động lòng người.
Với những người sành quan họ, hát canh càng về đêm nghe càng hay.  
Trong hát canh, các liền anh, liền chị sẽ hát theo cặp nam-nam, nữ-nữ. Bên nữ thường được ưu tiên ra câu đối trước và bên nam sẽ đáp lại.  

ĐẠI THẮNG (thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.