Tương truyền, khi đến tuổi lấy chồng, mẹ của Lê Thị Hoa và nhân dân đã tổ chức lễ hội kén rể. Lễ hội kén rể xuất hiện từ đó và được gìn giữ qua hàng trăm năm. Lễ hội dừng tổ chức từ năm 1940 và phải đến năm 2001 mới được khôi phục nhờ sự chung sức của chính quyền và nhân dân địa phương.

Việc chọn lựa người đóng vai nữ tướng Lê Thị Hoa và hai chàng trai tham gia kén rể rất tỉ mỉ. Người được chọn phải có học thức, chăm ngoan và chưa lập gia đình. Em Nguyễn Thị Hường, người đóng vai nữ tướng Lê Thị Hoa ở lễ hội kén rể Đường Yên năm ngoái chia sẻ: "Em rất vinh dự khi được tham gia đóng vai nữ tướng tại lễ hội kén rể. Vai nữ tướng Lê Thị Hoa đòi hỏi em phải cố gắng thể hiện khí chất, giọng nói, tác phong cho phù hợp với thần thái của nhân vật. Đến giờ, em vẫn thấy vui khi mình được chọn đóng vai nữ tướng Lê Thị Hoa".

leftcenterrightdel
Chàng rể và nữ tướng ra mắt dân làng tại lễ hội.Ảnh: HỮU HƯNG 

Hai ứng cử viên tham gia kén rể được chia thành phe Bắc và phe Hậu cùng trải qua 5 phần thi, gồm: Đối đáp, thi cày, câu ếch, bắt chạch trong chum và trò chọc chó. Phần thi cày mở màn với việc hai bên sẽ trình diễn kỹ năng buộc dây vào cổ trâu và tạo ra những đường cày thẳng, đẹp, nhanh.

Phần thi câu ếch là sự phối hợp nhịp nhàng giữa người câu và ếch. Trong lúc câu, nếu ếch nhoài phần thân vượt ra vòng tròn để bắt mồi thì tính phạm luật. Khi câu được ếch, ứng cử viên kén rể sẽ nhanh chóng mang ếch về trình ban giám khảo. Phần thi bắt chạch trong chum rất sôi động vì có thêm hai thị nữ của mẫu bà sẽ “phá rối”, gây khó cho việc bắt chạch. Ai bắt được chạch trước sẽ là người chiến thắng. Chủ khảo sẽ tổng hợp số điểm và công bố người chiến thắng, người đó sẽ là chàng rể của nữ tướng Lê Thị Hoa.

Nhiều năm qua, lễ hội kén rể đã góp phần giáo dục về tinh thần yêu nước, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Ông Trần Văn Hiến, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Đường Yên cho biết: “Lễ hội kén rể có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân địa phương. Mỗi năm đến hội, con cháu người làng Đường Yên xa xứ nô nức trở về quê hương dự hội, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, ghi nhớ cội nguồn. Hiện chính quyền địa phương đang có kế hoạch làm hồ sơ để trình các cấp có thẩm quyền ghi nhận lễ hội kén rể là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia”.

Kén rể là một lễ hội độc đáo ở làng Đường Yên diễn ra vào mồng 2 tháng Hai âm lịch. Người Đường Yên mong chờ du khách đầu tháng Hai âm lịch tới sẽ về chung vui với hội làng. 

NGUYỄN VĂN CÔNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.