QĐND Online - Trải qua bao thăng trầm lịch sử, với bề dày gần 300 năm ra đời và phát triển, múa rối nước ở làng Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội hiện đã trở thành nét đẹp văn hóa và là điểm đến quen thuộc của du khách trong nước và quốc tế.
Từ mấy trăm năm trước, múa rối nước Đào Thục được ông tổ nghề Nguyễn Đăng Vinh, tự là Phúc Thiêm dày công nghiên cứu, sáng tạo. Ông là người rất yêu nghệ thuật múa rối nước và luôn tâm huyết truyền bá nghệ thuật này cho đời sau. Vì có công lớn nên dân làng đề nghị Triều đình Hậu Lê phong thần, lập bia đá năm 1735 (thời Vua Lê Ý Tông). Hằng năm, vào ngày giỗ của ông, người dân Đào Thục thường dâng hương để tưởng nhớ công đức của vị tổ nghề.
Nghệ thuật múa rối nước ra đời bắt nguồn từ những trò chơi dân gian, hình thành từ văn hóa của người dân lao động, nó tái hiện cuộc sống và ước vọng của người nông dân, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, uống nước nhớ nguồn mang đầy ý nghĩa nhân văn sâu sắc được thể hiện qua các tích như: Chọi trâu; dệt vải trao con; cáo bắt gà; đánh cá, câu ếch...
 |
Nghệ nhân Đặng Văn Hà đang chuẩn bị cho tiết mục biểu diễn.
|
Trong thời kỳ chiến tranh chống đế quốc Mỹ, nghề múa rối nước bị mai một. Năm 1984, các nghệ nhân trong làng đã đứng lên khôi phục nghệ thuật múa rối truyền thống. Năm 2007, Đào Thục đã có nhiều chiến lược như: Xây dựng đội ngũ nhân viên kinh doanh; lập web quảng cáo; mở các lớp đào tạo cho các thế hệ trẻ; đón thầy, nghệ nhân về dạy. Trải qua hàng trăm năm, người dân Đào Thục vẫn lưu giữ nghề rối nước như báu vật của làng. Nhiều gia đình, dòng họ trong làng đã có 5 đời giữ nghề rối nước. Hiện nay, phường rối nước Đào Thục có khoảng 40 nghệ nhân, người cao tuổi nhất đã trên 80 tuổi, người ít tuổi nhất chỉ vào khoảng 14-15 tuổi.
Ông Nguyễn Thế Nghị, phụ trách điều hành phường múa rối Đào Thục cho biết, từ năm 2002, phường thường có từ 10 đến 15 suất diễn mỗi tháng, trong những dịp lễ hội của làng thì biểu diễn khoảng từ 20 đến 30 tiết mục. Không chỉ biểu diễn ở các tỉnh trong nước, phường còn được mời biểu diễn tại nhiều nước như Hà Lan, Thái Lan, Trung Quốc... và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Vài năm trở lại đây, vẫn có những đoàn khách quốc tế tìm về Đào Thục để được xem biểu diễn múa rối nước. Có đoàn trên dưới 40 du khách, đủ quốc tịch Pháp, Mỹ, Anh, Đức, Canada... Đến đây, khách tham quan không chỉ xem biểu diễn rối nước mà còn thăm khu di tích lịch sử, đình, chùa làng Đào Thục; xưởng sản xuất con rối và phong cảnh làng quê...
Nghệ nhân Đặng Văn Hà - người đã có 30 năm trong nghề múa rối nước cho biết, các buổi diễn về mùa lạnh, diễn viên phải ngâm mình trong bùn nước vì chưa có đủ trang phục bảo hộ có thể chịu được nước. Nhiều lần quá lạnh, anh chị em phải cùng nhau uống nước mắm để cơ thể ấm lên chống chọi lại với cái lạnh cắt da, cắt thịt. Để có một vở diễn, những nghệ sĩ múa rối phải tập luyện cực nhọc và mất nhiều thời gian, nhưng tiền thù lao thì cũng không được bao nhiêu, khoảng 50 - 100 nghìn đồng một đêm diễn.
Những con rối được nghệ nhân trong làng Đào Thục làm, điêu khắc theo hình tượng nhân vật, con vật trong những câu chuyện dân gian của Việt Nam. Hiện nay, vẫn dựa trên các nguyên mẫu dân gian nhưng các con rối được làm khá to, lắp ghép trong một thân hình, cao khoảng 30 - 40cm. Để có một con rối hoàn chỉnh, cần mất rất nhiều công đoạn, đòi hỏi sự khéo léo của các nghệ nhân. Chất liệu làm nên con rối phải là gỗ sung, loại gỗ dai, nhẹ và dẻo để con rối có thể nổi trên mặt nước và người điều khiển con rối dễ dàng biểu diễn.
Mặc dù múa rối nước Đào Thục được coi là môn nghệ thuật độc đáo và đầy triển vọng, song nó đã và đang gặp không ít khó khăn về kinh tế để đầu tư phát triển.
Những nghệ nhân tâm huyết và gắn bó với nghề như nghệ nhân Đặng Văn Hà vẫn luôn trăn trở: "Tôi mong rằng, nghệ thuật truyền thống sẽ không bị mai một bởi một số ngành nghề giải trí thuộc đời sống hiện đại ngày nay. Nhưng để làm được điều đó, cần sự chung tay của nhiều cấp chính quyền, nhà quản lý và quan trọng là sự đón nhận của khán giả".
Bài, ảnh: THÚY NGUYỄN