Vào một ngày cuối năm, chúng tôi có mặt trong Lễ hội A Za tại làng A Niêng-Lê Triêng 1, xã Trung Sơn, huyện A Lưới. Sau phần nghi lễ truyền thống là sang phần hội. Chúng tôi được hòa vào không khí vui nhộn từ những điệu nhảy rộn ràng, những tiếng vỗ tay reo hò của các chàng trai, cô gái lộng lẫy trong trang phục truyền thống của người Pa Cô. Tiếng khèn, tiếng tù và, tiếng trống, tiếng chiêng hòa quyện cùng những làn điệu dân ca ca lơi, târ a, siêng, cha chấp... vọng vang trên đỉnh Trường Sơn làm cho lòng người thêm say đắm.

Trong ngôi nhà Târ đah-ngôi nhà chung của làng, chúng tôi được Nghệ nhân Ưu tú Hồ Văn Hạnh cho biết: “Truyền thống của người Pa Cô có hai hình thức tổ chức A Za. A Za Koonh hay còn gọi là A Za Pựưt (Koonh nghĩa là bố, Pụưt nghĩa là lớn) được tổ chức lớn trong phạm vi toàn làng. A Za Kăn (nghĩa là mẹ) hay còn gọi là A Za kâr loh kumo được tổ chức hằng năm ở phạm vi nhỏ. A Za Koonh thông thường 3-5 năm/lần, hoặc khi làng được mùa lớn mới tổ chức. Thời gian tổ chức thường vào cuối tháng 12 âm lịch. Lễ hội này mang tính liên làng, số lượng khách mời đông, từ con cháu xa gần trong làng, các già làng trưởng họ đến bạn bè, thân hữu của các làng kết nghĩa đều được mời về dự. A Za Kăn được tổ chức vào giữa tháng 11 âm lịch hằng năm, lượng khách ít hơn, chỉ có con cháu trong gia đình, làng bản”.

leftcenterrightdel
Người dân Pa Cô vui hát trong Lễ hội truyền thống A Za. 

Theo chia sẻ của Già làng Hồ Văn Rãi ở xã Trung Sơn, Lễ hội A Za ở vùng cao A Lưới là dịp để tri ân, cầu xin các vị Giàng có liên quan trực tiếp đến cuộc sống của đồng bào bằng các lễ cúng như: Lễ cúng Giàng Tro/A Bon (thần lúa và các vị giống cây trồng); Lễ cúng Giàng Xứ (Giàng sông, suối, gió, núi, mây, lửa, đất, đường sá...); Lễ cúng Giàng Ku muuiq (những người đã khuất); Lễ cha đooi tâm me (lễ ăn cơm mới)... trong tổng số hơn 10 lễ cúng Giàng đều thể hiện sự cung kính, linh thiêng, cầu mong trời đất luôn phù hộ độ trì và mang đến những điều tốt đẹp, yên lành, no ấm cho mọi người trong cuộc sống. Việc duy trì tổ chức Lễ hội A Za là dịp để mọi người trân trọng tinh thần đoàn kết, khẳng định tình cảm gắn bó luôn là điều thiêng liêng, trân quý, sống chết có nhau, no đói cùng nhau, hòa thuận, thủy chung và luôn có trách nhiệm với cộng đồng.

Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới cho biết: “A Za là lễ hội truyền thống, ngày Tết cổ truyền của đồng bào các dân tộc ở huyện A Lưới, là một trong những nét văn hóa đặc sắc của người dân bản địa. Lễ hội A Za đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Di sản độc đáo này là một trong những tài nguyên văn hóa của huyện để khai thác, phát triển du lịch, góp phần thực hiện mục tiêu bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của người dân địa phương và phục vụ phát triển kinh tế-xã hội”.

Bài và ảnh: LÊ XUÂN BÍNH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.