Ngày ấy, ngang dọc vùng trời Đông Bắc là những chiếc máy bay tiêm kích Mig-21, còn được mệnh danh “én bạc”, từng lập nhiều chiến tích lẫy lừng. Bởi thế, được gắn bó với loại máy bay này luôn là niềm tự hào của mỗi người lính không quân.

Nhớ những ngày đầu làm việc ngoài sân bay, lớp trợ lý quân huấn dày dạn kinh nghiệm đã tận tình hướng dẫn cặn kẽ cho tôi những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất. Đó là sử dụng máy bay nào trước trong kế hoạch, để khi “én bạc” lăn ra, luồng phụt từ miệng động cơ không thổi vào chiếc phía sau. Đó là phương pháp phối hợp, hiệp đồng với lực lượng hậu cần, kỹ thuật hàng không để dầu bay được nạp với khối lượng phù hợp nhất cho mỗi bài bay. Đó là việc giúp phi công duy trì thời gian nghỉ giữa hai lần chuyến, tiếp thu máy bay đúng giờ để thực hiện bài bay kế tiếp...

leftcenterrightdel
Máy bay Su30-MK2 của Quân đội nhân dân Việt Nam trong quá trình huấn luyện cất cánh chặn kích mục tiêu. Ảnh: Khánh Trình

Đã tham gia hoạt động ngoại trường trong nhiều ban bay ngày, bay đêm và cả những ban bay biển, song mỗi lần máy bay đối chuẩn đường băng, tăng lực cất cánh vút lên bầu trời cao thẳm, trong tôi luôn trào dâng niềm kiêu hãnh, tự hào, để rồi lòng tự hỏi: “Phải chăng cảm xúc này với những phi công còn lớn hơn gấp bội? Và phải chăng, đó chính là chất keo gắn kết họ với nghiệp bay, là nguồn dung dưỡng tình yêu và khát vọng bầu trời trong họ?”.

Ở các học viện, nhà trường có những người thầy trên bục giảng, còn ở các đơn vị không quân có những người thầy của thực tiễn-bầu trời. Trung đoàn không quân là nơi có nhiều lứa phi công, có những người là giáo viên với hàng nghìn giờ bay tích lũy; có những phi công trẻ mới ra trường về đơn vị, được đào tạo theo từng nhiệm vụ, chương trình để có thể vững vàng ở vị trí trực sẵn sàng chiến đấu. Sau mỗi chuyến bay trên máy bay huấn luyện hai chỗ ngồi Umig-21, dẫu vẫn đang nhễ nhại mồ hôi, nhưng đã thành thói quen, phi công ngồi buồng lái trước lại đi về phía chiếc bình inox, rót một cốc nước trà xanh mang đến mời người thầy đã kèm cặp mình trong chuyến bay vừa hạ cánh. Việc làm nhẹ nhàng, giản dị song thể hiện nét đẹp trong ứng xử và thấm đẫm tình cảm đồng chí-đồng đội-thầy trò. Những sĩ quan mặt đất chúng tôi dẫu không phải học trò trên “giảng đường mây”, song vẫn gọi các giáo viên bay bằng tiếng “thầy” đầy kính trọng. Đó là thầy Lam, thầy Nhận, thầy Quang-những người say nghề, yêu nghề, cần mẫn nâng cánh bay cho bao lứa phi công trẻ.

Nhớ sân bay mỗi mùa hè đến, dù trời mới tờ mờ sáng nhưng đã phăm phăm leo đồi cùng anh em trợ lý khí tượng ngắm trời gần, trời xa, mây cao, mây thấp để chuẩn bị những thông số cần thiết cho một ngày bay. Nhớ những ban bay ăm ắp niềm vui bởi trong các chuyến bay chặn kích, phi công phát hiện, công kích tốt mục tiêu; các chuyến thả đơn cho phi công trẻ an toàn; hay những chuyến bay thử thành công như mong đợi. Nhớ cả cái cảm giác tiếc nuối khi chuyến bay trinh sát khí tượng hạ cánh chưa lâu thì mưa ầm ầm đổ xuống. Nhớ những đêm sân bay lấp lánh ánh đèn dạ hàng và khoảnh khắc đèn pha rực sáng chiếu dọc đường băng cho “én bạc” xuyên đêm vào hạ cánh...

Đường băng ngày ấy nay đã được kéo dài, mở rộng. “Én bạc” Mig-21 năm nào đã hoàn thành sứ mệnh vẻ vang, xanh cao gió lộng nay nhường lại cho “hổ mang chúa” hiện đại SU-30MK2 làm chủ. Dẫu đã có những đổi thay như thế, nhưng những thanh âm và khát vọng chinh phục bầu trời thì vẫn đang tiếp nối. Và trong tôi, nỗi nhớ đường băng, khoảng trời, đồng đội vẫn vang vọng mỗi ngày, ngay cả trong những giấc mơ...

Tản văn của HOÀNG HÀ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.