Mở đầu chương trình là bài hát “Tiến quân ca” của Văn Cao đồng thanh vang lên; bài “Chúc văn” của tác giả Trịnh Yên, do NSND Lê Tiến Thọ trình bày đã mang đến không khí thiêng liêng, để thế hệ ngày nay tưởng nhớ về Văn Cao - một nhân cách sáng ngời đã đồng hành cùng đất nước. Ông đã đi xa nhưng những tác phẩm của ông vẫn sống mãi trong lòng nhân dân.
 |
Mở đầu chương trình là nghi lễ chào cờ và hát Quốc ca. |
Văn Cao tự tỏa mình vào 3 loại hình nghệ thuật
Nhạc sĩ Văn Cao, người đi để lại thương nhớ ngân xa cùng “Đàn chim Việt” bay mãi trên bầu trời tự do, hòa bình và bác ái. Nhà thơ Văn Cao đã để lại cả mùa “Lá xanh” của mùa xuân cùng hoa cúc vàng của mùa thu như các hợp âm lãng mạn nhất, hào hùng nhất mà cả đời ông đã tích lũy được. Họa sĩ Văn Cao đã để lại một số tác phẩm sơn dầu ở một số bảo tàng, để lại một cá tính minh họa sách báo, sân khấu, điện ảnh mà hậu thế có thể gọi là “nghệ thuật đa năng” với nhiều bài viết của các họa sĩ đã đánh giá ông là cây bút khởi sắc cho nền minh họa siêu thực.
 |
Hội thảo về thân thế sự nghiệp Văn Cao. |
Thay mặt gia đình phát biểu tại lễ kỷ niệm, họa sĩ, nhà thơ Văn Thao-con trai danh nhân văn hóa Văn Cao bày tỏ: “Cha tôi vốn là người bình dị, yêu thương vợ cùng con cháu hết lòng, quý mến bạn bè, chia sẻ cho đồng nghiệp và các ca sĩ đã đến và thực hiện ca khúc của ông hết nghĩa chân tình và nhân ái”.
“Chúng tôi nhìn cha như cây cao bóng cả, ơn mẹ không chỉ như suối nguồn yêu thương, mà chính mẹ cũng là cái bóng lớn lao chia sẻ cả cho cha tôi, cho con cháu cả đời thụ hưởng yêu thương và cảm thông trước đức hạnh của mẹ. Chúng tôi luôn giữ gìn gương sáng cha mẹ và bảo nhau cố gắng noi gương cha để làm việc, để cống hiến phần nhỏ bé về nghệ thuật cho cha vui lòng, cho mẹ an tâm thì quả nhiên không dễ khi chúng tôi đã cố gắng hết mức “theo cha” nhưng chẳng bao giờ vượt qua cái bóng của người”, họa sĩ, nhà thơ Văn Thao chia sẻ.
Trong tham luận gửi tới hội thảo, Thiếu tướng, Nghệ sĩ Nhân dân, nhạc sĩ Đức Trịnh - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho rằng: Chúng ta tự hào Việt Nam có một Văn Cao không chỉ nổi tiếng cả 3 lĩnh vực sáng tác âm nhạc, thi ca, hội họa mà còn thấy ở ông sự thân thiện, giản dị nhưng bên trong tràn đầy khí phách hào hùng và lãng mạn bởi các tác phẩm của ông như có sức hút mỗi khi chúng ta được nghe, được làm lễ Chào cờ và hát Quốc ca đều không quên hình bóng của ông. Với đời sống của bậc vĩ nhân có nhiều cống hiến như Văn Cao quả nhiên là quá ngắn khi chúng ta đánh giá về ông với sức sáng tạo vẫn đầy ắp khi bài hát “Mùa xuân đầu tiên” của ông là sáng tác cuối đời nhưng vẫn chứng minh tiềm năng sáng tác trong ông đầy tính bác học bởi giai điệu thanh cao, lời lẽ nhân ái, năng lượng tràn trề thì quả là đáng tiếc nếu ông đi cùng chúng ta đến hôm nay, chắc chắn sẽ còn được đón nhận nhiều hơn nữa những tác phẩm nghệ thuật của ông.
 |
Tranh và ảnh về Danh nhân văn hóa Văn Cao trưng bày tại hội thảo. |
Theo nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, tài danh của Văn Cao đặc biệt nhất là việc ông tự tỏa mình vào 3 loại hình nghệ thuật là âm nhạc, thi ca, hội họa. Đặc biệt hơn là trong cả 3 loại hình đó, ở loại hình nào cũng thấy bóng dáng của hai loại hình kia. Trong thơ thì thấy ấn tượng của âm nhạc và hội họa. Trong họa thì thấy dạt dào chất nhạc và chất thơ, độc đáo rõ nét là ở trong các bức tranh tập thể. Còn trong nhạc thì cũng thấy trào dâng chất thơ trong ca từ, chất hội họa trong đường nét, giai điệu.
Văn Cao là “nhạc sĩ 3 trong 1”, đó là cảm nhận về danh nhân văn hóa Văn Cao của nhạc sĩ Doãn Nho. Nhiều người trong đó có những nhạc sĩ lão thành gọi Văn Cao là “nhạc sĩ 3 trong 1” với ý thán phục một con người với 3 tài năng lớn, vừa là nhạc sĩ, thi sĩ, họa sĩ. Đã có những nhận xét đánh giá cao các tác phẩm của Văn Cao theo chuyên ngành nhạc, họa, thơ, nhưng thật ra lý thú và chính xác hơn nhiều khi những tác phẩm ấy được phân tích trong mối tương quan biện chứng, bởi vì chúng không thể tách rời trong cảm hứng của một con người tràn đầy năng lượng sáng tạo như Văn Cao.
Vẽ tranh bằng âm thanh
Đó là cảm nhận của nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu, Phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Theo nữ nhạc sĩ này, Văn Cao vẽ tranh bằng âm thanh, điều đó được thể hiện trong ca khúc của ông. Có thể thấy ông có biệt tài không chỉ vẽ tranh phong cảnh thiên nhiên lãng mạn, cảnh sinh hoạt lao động đời thường, bức tranh phong cảnh của ông gắn liền với tâm trạng của lòng người.
 |
Các tranh minh họa của Danh nhân văn hóa Văn Cao. |
Nổi bật trong các sản phẩm âm nhạc mà nhạc sĩ Văn Cao sáng tác là ca khúc “Tiến quân ca”- một trong những ca khúc tiêu biểu của dòng nhạc cách mạng Việt Nam, với âm hưởng hào hùng thôi thúc, “Tiến quân ca” đã cổ vũ tinh thần, nhiệt huyết và lòng yêu nước của bộ đội, nhân dân Việt Nam cùng đứng lên giành độc lập.
Đại diện cho quê hương của danh nhân văn hóa Văn Cao phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Chiến, Phó bí thư Đảng ủy xã Liên Ninh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định bày tỏ: Những năm cuối đời, nhạc sĩ Văn Cao về quê nhiều hơn, chúng tôi nhớ lại hình ảnh của ông, tấm lưng còng, tay chống gậy đến bên mộ ông bà, cha mẹ, đến mảnh đất nhỏ mà cha mẹ mình đã từng sinh sống nay không còn chứng tích gì, đôi mắt ông thẫn thờ, cái nhìn xa xăm như đang cố tìm lại kỷ niệm xưa, chỉ nghe khẽ khẽ có tiếng thở dài. Qua lời của họa sĩ, nhà thơ Văn Thao, trước khi qua đời, danh nhân văn hóa Văn Cao đã nói với các con: Bố mất các con đưa bố về quê!
Danh nhân văn hóa Văn Cao đã về cõi vĩnh hằng nhưng gia tài nhạc, họa, thơ mà ông dành cho hậu thế mãi là những tác phẩm trường tồn cùng thời gian, tạo dấu ấn mạnh mẽ, có tác dụng khai mở, định hướng và đặt nền móng cho sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam hiện đại.
Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.