Mà khổ, tư duy của người làm nghiên cứu, phê bình lại thích mọi thứ phải thẳng băng, rõ ràng, xác lập, sắp đặt “đâu vào đấy”. Đến giờ, điều làm tôi băn khoăn hơn cả là sự đồng nhất giữa thế hệ cầm bút sinh những năm 1970 và những năm 1980 (hay còn gọi là thế hệ 7X và 8X) vào chung khái niệm này. Theo tôi, mặc dù có những nét tương đồng, nhưng đây vẫn là hai thế hệ khác biệt trên bình diện xã hội và văn học nên không thể “bỏ chung một rổ” được. Dẫu biết việc phân biệt hai thế hệ này rất khó khăn, nhưng tôi vẫn mạnh dạn đề xuất một vài điểm khác biệt sau:

Về độ tuổi, thiết nghĩ khi đề xuất điểm khác biệt này, điều cần tránh đầu tiên là sự máy móc. Không thể quy giản rằng cứ nhìn năm sinh của nhà văn mà xét thuộc thế hệ này hay thế hệ kia. Vì có nhiều trường hợp các nhà văn thế hệ 7X và 8X chênh lệch nhau không đáng kể, chỉ khoảng 2, 3 năm. Điều chúng ta hướng tới là sự khác biệt về mặt xã hội giữa hai độ tuổi. Giả dụ, một nhà văn thế hệ 7X sinh năm 1970 và nhà văn sinh năm 1989 thì độ chênh về tuổi tác giữa hai người là 19 tuổi. Một độ chênh đủ để thiết lập mối quan hệ tuổi tác giữa “cha và con”. Nhà văn sinh năm 1970 trưởng thành khi đất nước vẫn còn trong thời kỳ bao cấp, trong khi nhà văn sinh năm 1989 lại trưởng thành trong hoàn cảnh đất nước đã bước vào thời đại hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. Như vậy, giữa thế hệ 7X và 8X có tồn tại một khoảng cách của hai thế hệ bên cạnh khoảng cách của những người gần tuổi nhau. Điểm này rất quan trọng, vì chúng ta đều biết mỗi thế hệ có suy nghĩ, lối sống, tâm thế thời đại khác nhau, do đó tất yếu sẽ dẫn đến văn chương khác nhau. Mặt khác, ở thời điểm hiện tại, các nhà văn thế hệ 7X đã trải qua tuổi “nhi lập” đang bước dần đến tuổi tứ tuần, độ tuổi đức Khổng Tử đánh giá “nhi bất hoặc”, nên trong đời sống xã hội họ đã có được sự ổn định cơ bản về gia đình và nghề nghiệp. Trong khi đó, các nhà văn thế hệ 8X hiện nay mới hướng đến độ tuổi ba mươi, độ tuổi của sự trưởng thành, mọi thứ mới bắt đầu, cuộc đời phía trước còn “dài rộng vô biên”. Vậy nên trước cùng một vấn đề, một hiện thực, chắc chắn sự cảm thụ, đánh giá, nhận định, cách viết giữa họ sẽ có điểm khác biệt. (Ở đây còn xét đến phương diện tài năng cá nhân của từng người). Ngoài nguyên nhân kể trên, điểm khác biệt cơ bản giữa hai thế hệ còn nằm ở những yếu tố chuyên môn.

Về khuynh hướng sáng tác, mặc dù trên thực tế có khá nhiều nhà văn 7X và 8X sáng tác cả thơ ca và văn xuôi (truyện ngắn, tiểu thuyết), thậm chí còn là cây bút lý luận phê bình sắc sảo, nhưng xét ở phương diện tạo “dấu ấn cá nhân” trên con đường văn nghiệp thì có thể thấy hầu hết các nhà văn thế hệ 7X đều thiên về văn xuôi. Nhắc đến Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Danh Lam, Phạm Duy Nghĩa, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Xuân Thủy, Vũ Đình Giang… là nói đến Sự trở lại của vết xước, Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ, Giữa dòng chảy lạc, Giữa vòng vây trần gian, Cơn mưa hoa mận trắng, Bóng của cây sồi, Chúa đất, Cánh đồng bất tận, Sông, Nháp, Phiên bản, Hoang tâm, Nhắm mắt nhìn trời, Song song, Bờ xám… chứ mấy ai bàn đến “mấy bài thơ trong hộc bàn” của họ đâu. Mặt khác, những thi tập của Bình Nguyên Trang, Lê Thiếu Nhơn, Lê Vĩnh Tài, Nguyễn Vĩnh Tiến, Phan Huyền Thư… mặc dầu đã làm nên tên tuổi của họ trên văn đàn, nhưng chưa đủ lực tạo cho người đọc về một thế hệ 7X làm thơ. Ở chiều hướng ngược lại, những sáng tác (tiểu thuyết) của Nguyễn Quỳnh Trang, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Nguyễn Văn Học… chưa đủ nhiều và hay để tạo nên ấn tượng về một thế hệ 8X viết văn xuôi. Nhắc đến thế hệ này là nhắc người ta nhớ đến những bài thơ đầy tính đột phá, cách tân táo bạo của những Vi Thùy Linh, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Hoàng Chiến Thắng, Đoàn Văn Mật... Những gì gọi là thành công của họ có được cho đến thời điểm này chính là nhờ những tác phẩm đó.

Về phong cách sáng tác, tạo ra được phong cách sáng tác là điều khó, rất khó, không có nhiều cây bút ở hai thế hệ làm được. Nhưng theo tôi cho đến thời điểm này, nhiều cây bút 7X đã định hình được nét đặc trưng riêng trong sáng tác của mình. Ví như khi nói đến Đỗ Bích Thúy, độc giả nghĩ ngay đến những nhân vật nữ miền cao thân phận quanh năm lam lũ, bốn mùa vất vả nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp của lòng trắc ẩn, vị tha trong các sáng tác của chị. Và trên cơ sở thành công đó, họ có những thử nghiệm sang các lối viết khác nhằm thử sức bản thân hoặc đi tìm một sự mới lạ cho văn chương. Nguyễn Ngọc Tư là một điển hình. Sau thành công của Cánh đồng bất tận, chị đã có những thử nghiệm mới về lối viết. Gai góc hơn, bạo liệt hơn, không gian mở ra theo chiều hướng phố thị chứ không còn ở vùng nông thôn như trước. Trong khi đó, về cơ bản, sáng tác của các cây bút 8X nhìn chung vẫn ở giai đoạn tìm tòi, thử nghiệm để tạo cho mình được cái nét riêng đó. Như vậy, tuy cùng khoác chung tấm áo “cách tân văn học”, song giữa hai thế hệ này khác nhau cơ bản. Một bên định hình rồi cách tân để làm mới mình, một bên miệt mài thử nghiệm để tìm ra chính mình.

Về thành tựu văn học, nhiều nhà văn thế hệ 7X đã đoạt các giải thưởng văn học uy tín của Báo Văn nghệ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, Giải thưởng văn học ASEAN như Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Đình Tú, Phạm Duy Nghĩa, Nguyễn Danh Lam, Kiều Bích Hậu, Nguyễn Thế Hùng… Đã có một số lượng lớn bài viết, bài nghiên cứu, khóa luận tốt nghiệp, luận văn cao học làm về họ. Trong khi đó, những gì đạt được cho đến nay của các nhà văn 8X còn khá khiêm tốn, mới chỉ có một vài cây bút thế hệ này đoạt những giải thưởng văn học có uy tín. 

Trên đây là sự phân biệt hai thế hệ nhà văn cùng khoác tấm áo nhà văn trẻ. Vẫn biết mọi sự phân biệt đều chỉ có tính chất tương đối và bản thân sự phân biệt này cũng chỉ có ý nghĩa ở thời điểm nhất định. Trong tương lai, những nét khác biệt kể trên có thể bị xóa nhòa, thay đổi bởi những tác phẩm, thành tựu văn học đến từ những người cầm bút 7X và 8X. Và đấy là điều tôi hy vọng nhất.

TRIỀU DƯƠNG