Phát huy mâm cỗ Tết truyền thống người Việt

Mâm cơm cúng ngày Tết Nguyên đán của người Việt không chỉ để gìn giữ văn hóa truyền thống thiêng liêng suốt bao thế hệ, còn thể hiện sự trù phú trong ẩm thực Việt Nam. Mâm cỗ ngày Tết không dễ nấu, việc tự tay chế biến rồi trang trí các món ăn sao cho đẹp, đúng chuẩn mực lại càng kỳ công, không phải ai cũng biết làm và đặc biệt với thế hệ trẻ. Nắm bắt tâm lý thích nấu ăn, tự tay xuống bếp, bày biện các món ăn ngon, hấp dẫn vào ngày Tết, các lớp dạy học nấu mâm cỗ Tết nói riêng và các dịp cỗ nói chung đã ra đời, thu hút đông đảo người dân với đa dạng lứa tuổi theo học.

Chị Nguyễn Phương Nga (25 tuổi, tại Hà Nội) cho biết: “Hiện nay, phần lớn mọi gia đình thuộc thế hệ trẻ chúng tôi rất chuộng việc đặt cỗ Tết từ nhà hàng. Do tính tiện dụng, nhanh gọn. Đồng thời, việc làm một mâm cỗ chỉn chu cúng tổ tiên rất cầu kỳ, để làm ra được các món ăn vừa ngon miệng lại đẹp mắt yêu cầu người nấu vừa phải biết cách làm, còn phải kiên nhẫn, tỉ mỉ”.

leftcenterrightdel

 Mâm cỗ Tết là nét đẹp văn hóa ẩm thực truyền thống không thể thiếu của nước ta. Ảnh: MINH NGỌC

Tuy vậy, là người yêu thích nét đẹp và văn hóa Tết truyền thống, chị Nga đã chán cảnh năm nào cũng đặt cỗ từ nhà hàng về ăn. Nên dịp Tết Giáp Thìn 2024, chị đã quyết tâm đi học nấu cỗ, tại lớp học chị đã học được cách luộc gà, đồ xôi, rán nem... và các công đoạn trang trí mâm cỗ Tết cổ truyền thật tươm tất, chỉn chu từ mùi vị đến hình thức để tỏ lòng thành với gia tiên.

Không chỉ riêng các các cô gái, anh Nguyễn Tuấn Huy (26 tuổi, tại Hà Nam) cũng mạnh dạn đăng ký tham gia khóa học nấu cỗ Tết. Anh Huy tâm sự: “Với tôi trong mâm cỗ Tết, khó nhất vẫn là khâu… chặt gà. Bởi chặt gà nếu không đẹp thì không ngon mắt. Lớp học nấu cỗ như chiếc phao cứu sinh với những người vụng về bếp núc như tôi. Qua đó, tôi đã biết bày biện món gà luộc sao cho thẩm mỹ và ghi điểm trong mắt gia đình bạn gái”.

leftcenterrightdel
Học nấu mâm cỗ ngày Tết giúp các bạn trẻ nâng cao chất lượng cuộc sống. 

Nhiều bạn trẻ cũng tìm đến các lớp học nấu cỗ Tết bởi mong muốn có thể tham gia vào các hoạt động sum vầy ngày Tết, hay đơn giản vì yêu thích văn hóa ẩm thực truyền thống. Càng trưởng thành, người trẻ càng ý thức được vai trò quan trọng của gia đình. Bên cạnh sự đoàn tụ, sum vầy cùng nhau quây quần chuẩn bị cho ngày Tết, việc học được cách chọn nguyên liệu nấu ăn sạch, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm cũng sẽ giúp cho đời sống mỗi người trở nên lành mạnh hơn.

Kỳ công mâm cỗ Tết

Vào cuối tháng 12-2023, đầu bếp, giảng viên nấu ăn Lưu Huỳnh Châu (Hà Nội) đã bắt tay vào mở các lớp dạy nấu cỗ Tết. Mỗi lớp, anh Châu chỉ nhận khoảng 10 học viên, với nhiều độ tuổi từ 22 đến 45, trong đó đa số là các bạn sinh viên, chị em nội trợ, kinh doanh hoặc nhân viên văn phòng.

Đầu bếp Lưu Huỳnh Châu chia sẻ: “Mâm cỗ truyền thống là nét văn hóa lâu đời của dân tộc ta, việc truyền tải kiến thức kỹ năng tới cộng đồng sẽ giúp học viên trau dồi kỹ năng chế biến món ăn và góp phần phát huy nền văn hóa ẩm thực Việt Nam. Tôi muốn tạo ra một cộng đồng kết nối, chia sẻ kinh nghiệm giữa những người đam mê nấu nướng và yêu ẩm thực”.

leftcenterrightdel
Để làm ra một mâm cỗ Tết hoàn chỉnh từ vị giác tới thị giác mất rất nhiều thời gian, công sức. Ảnh: MINH NGỌC

Thông thường món ăn chủ đạo trong ngày Tết có: Gà luộc, nem rán, canh bóng, xôi gấc, rau xào, chả giò, tôm... Đây đều là những món ăn quen thuộc và mỗi món mang một khẩu vị, ý nghĩa riêng. Ví dụ như bát canh bóng mang tín hiệu của mùa xuân, biểu trưng cho sự thanh tao trong ẩm thực Bắc Bộ, hay màu đỏ của xôi gấc lại biểu đạt sự tài lộc, may mắn, phúc lành, hoan hỉ.

Bắt tay vào nấu ăn ngày Tết, ngay từ khâu sử dụng nguyên liệu phải bảo đảm chất lượng tươi sạch, giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe. Để hoàn thiện một mâm cỗ cúng Tết lại đòi hỏi người làm biết nhiều kỹ năng như: Lựa chọn, kết hợp nguyên liệu; kỹ năng cắt tỉa, trình bày món ăn; cách kiểm soát, điều chỉnh nhiệt độ lửa; lựa chọn các thiết bị, gia vị nấu nướng cũng phải đầy đủ để quy trình nấu ăn thuận lợi, tròn vị...

leftcenterrightdel
 Đầu bếp Lưu Quỳnh Châu (đội mũ, đứng giữa), luôn tâm huyết với việc lan tỏa các giá trị ẩm thực tới mọi nhà.

Thực tế, người nấu có thể phát huy sự sáng tạo để tạo ra các món ăn mới, độc đáo và ngon miệng. Sự sáng tạo bắt nguồn từ ý tưởng kết hợp các nguyên liệu khác nhau, thay đổi phương pháp nấu ăn truyền thống. Qua đó, đòi hỏi người sáng tạo ẩm thực phải rất rành về vị thực, như thế mới cho ra món ăn thành công.

Đã có nhiều năm kinh nghiệm đứng bếp, đầu bếp Lưu Huỳnh Châu tâm sự: “Việc tạo ra một mâm cỗ Tết ngon lành, thịnh soạn cũng là nghệ thuật. Đòi hỏi các bạn học viên phải có sự kiên nhẫn và lòng đam mê. Kiên nhẫn không chỉ ở việc tìm tòi kiến thức, ở cách thực hiện các phương pháp, kỹ thuật chế biến mà còn để vượt qua những vất vả trong quá trình nấu. Và chỉ khi đặt trọn tình yêu vào việc mình làm mới tạo ra các món ăn đẹp từ hình thức, tinh tế về hương vị, bảo đảm an toàn, dinh dưỡng cho người thưởng thức”.

Bài, ảnh: XUÂN PHƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.