Dẫu nghệ thuật có muôn ngàn lối rẽ thì thơ ca cũng không thể rời xa thực tại. Thơ hay cũng là khi chúng ta thấy được thực tại ở đó, hay chúng ta nhìn vào thực tại để tìm ra vẻ đẹp của thơ. 

"Thanh âm vùng biên" là một tập thơ mang đầy thực tại về cuộc đời những người lính, về những vùng đất biên cương xa xôi. Từ đó những câu chuyện sẽ được mở ra dẫn dắt bạn đọc bước vào thế giới thi ca của Nguyễn Xuân Việt.

Rừng núi, suối sông/ Đường biên và cột mốc/ Một dải đất nối liền hình chữ S/ Từ Sa Vỹ địa đầu/ Đến mũi nhọn Hà Tiên… (Trấn biên cương).

Ngay những câu thơ đầu tiên nhà thơ đã dựng lên một phác thảo về đất nước để từ đó lần lượt mỗi trang thơ hiện ra và găm vào lòng ta những tình cảm sục sôi, những nỗi buồn dằng dặc và một niềm tự hào kiêu hãnh bay lên. Từ bài thơ mở đầu ẩn chứa nhiều tình cảm và cả trí tuệ ấy, chúng ta sẽ lần lượt được cùng với nhà thơ trải nghiệm các cung bậc của cảm xúc, hay những câu chuyện mà anh trải qua, anh chứng kiến trong đời lính của mình, những cảnh vật, địa danh, vùng đất mà anh đi qua đã lưu dấu vào thơ.

Nhà thơ Nguyễn Xuân Việt phát biểu tại Lễ ra mắt tập thơ.

Cũng qua đây ta thêm thấu hiểu một cuộc đời nhiều dịch chuyển, nhiều chiêm nghiệm của nhà thơ: Những tên đất, tên làng… ta đến, ta đi/ tâm hồn hóa vào trong ánh mắt/ cảm xúc hóa và lời thơ, nốt nhạc/ chủ quyền ngấm mạch đập trái tim (Cảm xúc biên thùy).

Đã có rất nhiều thơ ca viết về đề tài này nhưng điều chúng ta vẫn thấy là cảm hứng ngợi ca, lấy niềm vui chung để khoả lấp, xoa dịu nỗi niềm riêng. Với "Thanh âm vùng biên", Nguyễn Xuân Việt đã cho bạn đọc thấy anh là một nhà thơ thực sự bởi thơ anh bước qua sự kể lể, miêu tả thông thường để kiếm tìm và định hướng đường đi của nghệ thuật ngôn từ.

Cho dù đây là một đề tài không dễ để viết mới thì Nguyễn Xuân Việt vẫn cho thấy khả năng thấu hiểu và nội lực để tạo ra một phong cách thơ riêng biệt cho một đề tài quen thuộc: Đêm biên giới/ trăng treo đỉnh núi/ lính biên phòng ghé bản thăm chơi/ mái nhà sàn bếp lửa hồng tươi/ xua cái lạnh núi rừng tê tái (Chàng ơi chàng ở).

Bằng những vần thơ mộc mạc, chân thành nhưng rất đỗi thấm thía, ý nghĩa, nhà thơ đã nhắc nhủ chúng ta phải biết hướng về cội nguồn, không bao giờ được quên ơn những thế hệ cha anh đã đi trước, đã ngã xuống để chúng ta có được hôm nay. Trong thơ Nguyễn Xuân Việt ta gặp lý tưởng của người anh hùng là sự quyện hòa giữa nhân nghĩa với yêu nước, thương dân; giữa vẻ đẹp của thiên nhiên và sự lãng mạn trong tâm hồn con người. Điều đó đã làm nên khắc khoải, thao thức một đời của thi sĩ: Mang trên mình/ bộ quân phục thân thương/ hàng dọc, hàng ngang/ hòa cùng màu xanh biên giới/ tâm hồn trong như suối/ cuộc đời, một trường ca!

Tập thơ "Thanh âm vùng biên" của nhà thơ Nguyễn Xuân Việt.

Ở thơ Nguyễn Xuân Việt ta thấy có sự nồng nhiệt, tình cảm của một tâm hồn giàu cảm xúc; có sự thăng hoa tinh tế được chắt chiu từ những nguồn cảm hứng; có sự sâu thẳm, cô đọng được hình thành từ trong bản ngã, nhân định: Biên giới mùa này/ dào dạt/ lục bình trôi tím ngát sông trôi/ thả nhành hoa trên khúc sông này/ chở cả tình ta xuôi về nơi ấy…(Tuần tra mùa nước nổi).

Đôi khi Nguyễn Xuân Việt xa xôi và mơ hồ với chính mình trong thơ, đó là do những liên tưởng của nghệ thuật ngôn từ đã dẫn dụ anh, nhưng cũng có khi anh nhìn vào đời sống tâm hồn mình để nhận thấy những ý nghĩa thực sự của cuộc đời người lính nơi biên cương gian khó mà thiêng liêng: Ta của một thời/ bốn mùa biên ải/ tuổi xuân gửi lại/ núi rừng, mênh mông! (Bốn mùa biên ải).

Phía sau của mỗi câu thơ là một khoảng không do người viết để lại. Khoảng không ấy là nơi để người đọc cảm nhận, hình dung, và tưởng tượng. Nhưng cũng có những câu thơ mà ngay khi đọc lên ta tìm thấy chính mình trong cùng cảm xúc của người viết. Đó là những câu thơ sâu nặng nghĩa tình với non sông đất nước, tâm thức ấy đã ăn sâu trong mỗi tâm hồn người Việt Nam chúng ta: Những chàng trai/ xẻ dọc rừng sâu/ đá núi leo mòn/ lưng cõng ba lô/ vai ghì cây súng/ lấy tim mình che chắn/ nơi Tổ quốc bắt đầu. Không một chút nào màu mè hay khuôn sáo, mà chính cái tình của người viết đã làm cho những câu thơ ấy trở nên đầy đặn, bao la, thăm thẳm hơn…

Ở "Thanh âm vùng biên", mỗi câu thơ, bài thơ đều cho thấy một khả năng, một cảm quan riêng biệt, độc đáo của người viết. Đó là tố chất nghệ thuật của người cầm bút. Vẻ đẹp là điều mà mọi nghệ thuật đều hướng đến. May mắn thay, thơ ca lại có thể nắm bắt, khắc ghi được những gì đẹp đẽ nhất, cảm xúc nhất: Có ánh trăng nào đẹp hơn trăng biên cương/ Nửa treo đầu non, nửa vờn trên suối/ Đêm thanh vắng chỉ mình ta với trăng và núi/ Họa bức tranh thơ treo lơ lửng giữa biên thùy (Cảm xúc biên thùy).

Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu xúc động chia sẻ về tập thơ. 

Nguyễn Xuân Việt đã gom nhặt tất cả những tinh hoa của cảm xúc và trải nghiệm để lắng đọng vào những câu thơ. Có những bài thơ chúng ta tìm cái hay trong ý, trong lời. Lại có những bài thơ, chỉ đọc lên rồi cảm nhận ta đã thấy cái hay, cái rung cảm sẽ lây lan trong tâm hồn mình, đó chính là cái thú của việc đọc thơ.

Thơ Nguyễn Xuân Việt có hiện thực và siêu thực, có mê đắm và mộng mơ ở khung trời liên tưởng. Sau đó thi sĩ lại đưa chúng ta trở về với những dấu yêu đời thường, mà sự hiện diện ấy chính là nền tảng chắp cánh cho tâm hồn nhà thơ bay xa, neo đậu: Ta tựa lưng vào đêm/ gối đầu vào gió/ giá lạnh thấu xương, sương dày hơn cỏ/ nòng súng đen ngòm… chờ giặc đêm nay.

Xưa nay có người đến với thơ để tìm danh, có người đến với thơ để tìm mình. Đọc Nguyễn Xuân Việt tôi nhận ra anh đến với thơ để tìm sự bất biến. Đó là những giá trị của lịch sử đất nước, những giá trị của tinh thần dân tộc, những giá trị của tâm hồn mỗi chúng ta. Thời gian có trôi đi, mọi sự có biến thiên, thay đổi thì những giá trị ấy luôn là vẻ đẹp trường tồn, là ngọn lửa ấm và sáng trong mỗi chúng ta, để chúng ta luôn nhìn về phía trước bằng sự trao chuyền của cha anh.

Những câu thơ của anh cho ta thêm yêu đất nước, yêu con người bằng tình cảm trong trẻo nhất, ấm áp nhất: Sáng tinh mơ từng hạt sương kết lại/ cánh lá mềm hóa đá trắng trên cây/ chiến sĩ biên phòng đứng gác nơi đây/ trái tim ấm, biên thùy mùa giá lạnh.

Thời đại của Nguyễn Xuân Việt là thời hoàng kim của lý tưởng. Những người có có lý tưởng như anh là đại diện cho cả một thế hệ. Tuy vậy, như đã nói ở trên thì bên cạnh con người lý tưởng Nguyễn Xuân Việt còn là người nghệ sĩ, có lẽ vì thế nên anh không bị rơi vào sự cứng nhắc, rập khuôn. Ở anh là sự khoan hòa, ấm áp, tình cảm mà vẫn lý trí: Lại một ngày xa nhau/ em ơi đừng buồn nhé/ dẫu xa dài… xa nữa/ hãy đợi nhé, anh về…

Thời gian, trải nghiệm, ý chí và tâm hồn là những yếu tố hun đúc nên một chân dung thơ Nguyễn Xuân Việt hào hoa, phóng khoáng mà cũng chân thật, dung dị và sâu sắc.

LAM ANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.