Nhìn bức ảnh, lòng tôi chợt trỗi dậy những hoài niệm xưa cũ. Nhắm mắt, tôi hít một hơi thật sâu, cố lục tìm cái mùi hôi hắc của dầu hỏa quyện với các mùi hành mỡ, kẹo đắng, tỏi phi... trong căn bếp nhỏ của mẹ.

Dòng hồi ức trở về những năm của thập niên 1990, mẹ tôi được cơ quan cấp cho một căn nhà nhỏ phía sau khu nhà hành chính. Căn nhà vừa đủ cho 3 người, mọi thứ phải sắm sửa lại. Họ hàng gom góp, mỗi người cho một ít đồ dùng. Trong số ấy, quý giá nhất là chiếc bếp dầu của ông ngoại tặng. Bếp dầu hình trụ, có vỏ được tráng men xanh bóng, bầu dầu lòng trắng, củ bấc sơn đen. Hồi ấy, trong khi nhiều gia đình vẫn còn lịch kịch đun củi, bếp than tổ ong thì chiếc bếp dầu nhà tôi là một điều gì đó thật khác biệt.

leftcenterrightdel

Ảnh minh họa: Báo Nông nghiệp

Tôi vẫn nhớ như in khoảnh khắc bố mang bếp ra sử dụng. Đám trẻ con hàng xóm tò mò kéo đến chỉ trỏ thích thú. Bố chẻ sợi lạt từ ống tre, dỡ cuộn bấc trắng ra và lồng vào giữa. Từng sợi bấc được lồng cẩn thận, bố tôi còn vặn đi vặn lại cái núm tròn xem bấc có di chuyển đều hay không. Xong công đoạn lồng bấc, bố chế dầu hỏa vào ngăn chứa. Dầu hỏa ngấm dần vào sợi bấc, nồng lên một mùi đặc trưng. Chưa hết, đôi tay bố lại lắp lõi trong, lõi ngoài rồi kẹp lại cái ngoàm để bấc bếp gọn gàng không bị nhô ra ngoài.

Công đoạn châm bếp cũng phải cẩn trọng. Bố tôi lấy chiếc nan hoa xe đạp hỏng quấn vào đầu một ít giẻ cũ. Nhúng đầu giẻ ấy vào dầu, ông châm lửa và nhóm vào đầu bấc. Bố tôi dặn không được dùng đóm tre để châm bếp vì sẽ làm rơi tàn vào chỗ bấc gây hỏng và bẩn bếp. Cũng có khi bấc dầu trong bếp bị thối, ông phải tháo hết ra để thay bấc mới. Khi châm bếp bằng bấc mới, lửa bùng lên mạnh vì bố quên chưa vặn núm chỉnh lửa về hết cỡ làm con gái giật mình ngã ngửa, khóc như mất bò. Ông bố ôm con vào lòng, dỗ dành mãi mới nín. Thương nhớ quá chừng!

Việc nấu bếp cũng cần chú ý kinh nghiệm nhìn lửa. Mẹ vẫn chỉ cho tôi khi ngọn lửa xanh là bếp đun nấu bình thường, còn khi lửa có màu đỏ thì phải chú ý lượng dầu trong ngăn hay bấc đã nhiều muội tàn phải cắt. Có bếp dầu, việc nấu ăn của mẹ cũng nhàn tản hơn hẳn. Bữa sáng không còn cảnh vội vàng nổi lửa, thay vào đó là nhẹ nhàng châm bếp, rang một ít cơm thơm mùi mỡ hành hay nấu một nồi mì ấm nóng. Món đậu tẩm mỡ hành, nem rán được chế biến qua bếp dầu dường như cũng ngon hơn hẳn vì có thể điều chỉnh được lửa to nhỏ theo ý định. Nhưng tiện nhất phải kể đến những ngày mưa, trong khi nhiều gia đình còn mù mịt khói vì đống củi ướt, than ẩm thì chiếc bếp dầu của nhà tôi vẫn bùng lên ngọn lửa ấm áp.

Dẫu vậy, nếu ai không quen được mùi dầu hỏa thì bếp dầu cũng mang lại những bất tiện không nhỏ, nhất là có khi mùi dầu còn ám cả vào thức ăn. Ấy vậy mà đến giờ, với tôi nó là mùi thơm đầy thương nhớ của kỷ niệm! Nó quyện lấy tuổi thơ hạnh phúc bên cha mẹ, bên nếp nhà dẫu còn khó khăn nhưng lúc nào cũng rộn tiếng cười.

Khi tôi lên 6 tuổi, bố mẹ chuyển hẳn ra nhà ông bà để tôi có điều kiện học tập tốt hơn. Về nhà ông bà nội, gần Thủ đô, hầu như chẳng thiếu thứ gì. Nhà ông bà dùng bếp gas nên bếp dầu được bỏ vào thùng cất gọn trong kho. Sau bao năm, bếp dầu vẫn lặng thinh trong góc nhà chứng kiến những biến thiên của cuộc sống mới. Giờ đây, không ai dùng bếp dầu nữa, nhưng với những người đã sống qua những năm tháng ấy, bếp dầu vẫn mãi là một khoảng trời kỷ niệm đầy yêu thương.

NGUYÊN ĐỨC