Chúng tôi đóng gói tất cả đồ đạc, quần áo, quà Tết gọn gàng vào những chiếc va li và thùng các tông. Sáng 29 Tết, cả nhà rồng rắn ra ga Hà Nội. Vợ chồng tôi hình dung được những vất vả của hành trình dài về miền Trung, còn các con thì háo hức mong chờ những ngày Tết ở quê nội.

Ga Hà Nội ngày Tết đông vui, nhộn nhịp. Mọi người lỉnh kỉnh đồ đạc, hàng hóa, bên cạnh những va li kềnh càng là những hộp quà Tết, cành đào Nhật Tân và những bó tầm xuân rực rỡ. Khung cảnh sân ga đông đúc nhưng trên khuôn mặt từng người hiện lên sự háo hức, hồi hộp. Cả hành trình chúng tôi không ai chợp mắt nổi. Các con tôi không rời mắt khỏi ô cửa sổ để ngắm cảnh người dân chuẩn bị đón Tết mỗi khi tàu đi qua các vùng quê. Sau hơn nửa ngày đường, chúng tôi đã có mặt ở ga Vinh...

Nét đẹp tết quê. Ảnh: Báo Thanh niên 

Hằng năm, vào ngày 27, 28 Tết là bố mẹ tôi gói bánh chưng. Năm nay, gia đình tôi về quê ăn Tết nên bố mẹ quyết định lùi ngày gói bánh chưng sang chiều 29 Tết. Ở nhà bố mẹ tôi đã chuẩn bị nguyên liệu làm bánh. Thấy chúng tôi từ xa về, hàng xóm sang chơi và hỏi thăm về cuộc sống ở ngoài Bắc. Các con tôi ù té ra vườn để ngắm nghía cây na, ổi, bưởi... ra hoa, ra trái. Cả buổi chiều, các con tôi xúm xít xem ông nội gói bánh chưng. Mỗi chiếc bánh được gói xong, hai anh em lại thi nhau vuốt ve trước khi xếp vào nồi quân dụng. Trong cái lạnh se sắt, sau bữa cơm tối, cả nhà tôi ngồi quây quần bên bếp lửa hồng. Các con tôi thức đến 12 giờ đêm để vớt bánh cùng ông bà.

Sáng Ba mươi Tết, bố tôi dậy từ rất sớm sắm sửa lễ vật lên ban thờ và chuẩn bị mâm lễ sang thắp hương ở nhà thờ họ. Mẹ tôi tranh thủ dẫn chúng tôi ra chợ phiên. Tuy là ngày Ba mươi Tết nhưng chợ phiên vẫn đông vui, nhộn nhịp người bán, người mua, người đi chơi. Hàng hóa tuy không phong phú như ở thành phố song có nhiều thứ rau, củ, quả tươi ngon vừa được thu hái từ ruộng vườn. Buổi chiều, chúng tôi tề chỉnh áo quần rồi được bố dẫn ra khu mộ tổ để dâng hương. Không khí Tết ngập tràn khắp đường làng ngõ xóm, tiếng loa phóng thanh cất lên những giai điệu nhẹ nhàng của mùa xuân, mùi hương trầm hòa quyện trong làn gió xuân. Chiều cuối năm, tất cả thành viên tập trung về nhà thờ họ. Tại đây, trưởng họ thực hiện nghi lễ cúng tất niên. Bữa cơm tất niên là dịp có đầy đủ các thành viên. Tối đến, bố tôi tất tả sửa soạn lễ cúng Giao thừa. Cả nhà cùng đón xem chương trình Táo Quân và bắn pháo hoa vào thời khắc Giao thừa trên ti vi...

Sáng mồng Một, bố mẹ sửa soạn lễ vật và đưa chúng tôi sang nhà thờ họ dâng hương và đi chúc Tết họ hàng, làng xóm. Trong cái lạnh se sắt, trên đường làng, mọi người xúng xính những bộ quần áo mới đi chúc Tết. Con trẻ thi nhau nô đùa và khoe những bao lì xì sặc sỡ. Mồng Hai, nhà tôi cùng bố mẹ sang chúc Tết bên quê ngoại. Đến mồng Ba, trên cánh đồng đã có người thả trâu, hái rau, làm cỏ... Vèo một cái đã hết ba ngày Tết, nhà tôi lại lục tục chuẩn bị đồ đạc để quay ra Bắc. Mẹ tôi tranh thủ ra đồng bẻ những bắp ngô nếp ngọt thơm, bố tôi ra vườn hái những quả bưởi căng mọng cùng ít đậu cô ve, bó chè xanh, có cả vài chiếc bánh chưng... để cho chúng tôi mang đi.

Mỗi năm, những người con xa quê đều mong Tết đến để được trở về với quê hương, bản quán, về với nguồn cội, để được sống trong bầu không khí ấm áp, đoàn viên của gia đình. Chỉ có về quê ăn Tết, chúng tôi mới cảm nhận được hết những giá trị thiêng liêng về nguồn cội.

NGUYỄN THÀNH TRUNG