Khách tham quan triển lãm như bước vào dòng chảy thời gian, nơi từng tấm bản đồ, từng văn kiện cổ và những bức tranh, ảnh... đang kể chuyện. Khu vực triển lãm ảnh tư liệu về Hải quân nhân dân Việt Nam để lại ấn tượng sâu sắc, chạm đến trái tim người xem.

Những bức ảnh đen trắng dù đã phai màu theo thời gian vẫn lưu giữ trọn vẹn những khoảnh khắc đời thường, giản dị nhưng đầy kiên trung của những người lính biển. Nhiều khách tham quan rưng rưng nước mắt khi hướng dẫn viên kể về câu chuyện sau từng bức ảnh, trong đó có bức ảnh người lính hải quân trẻ nở nụ cười rạng rỡ trước giờ lên đường làm nhiệm vụ, nhưng ít ai biết rằng bức ảnh ấy không phải chụp để làm kỷ niệm, mà là di ảnh, là sự chuẩn bị lặng thầm cho một chuyến đi không hẹn ngày về...

Các chiến sĩ thuộc các đơn vị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tham quan triển lãm. 

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam thực hiện nhiều nhiệm vụ đặc biệt nguy hiểm: Vận chuyển vũ khí, lương thực, hàng hóa để chi viện cho chiến trường miền Nam trên những con tàu không số. Những con tàu ấy lặng lẽ rẽ sóng ra khơi, đối mặt với sóng dữ, bom đạn và những cuộc truy đuổi căng thẳng của kẻ thù... Trước mỗi chuyến đi, họ thường tổ chức lễ truy điệu sống, một nghi thức đặc biệt không ai mong muốn nhưng lại trở thành thông lệ. Trong số đó có những người mãi mãi không trở về, thân thể họ hòa vào lòng biển cả, làm nên con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển-một kỳ tích trong lịch sử dân tộc.

Không chỉ tái hiện hình ảnh những người lính hải quân kiên trung, triển lãm còn phác họa sinh động đời sống của quân, dân trên các đảo tiền tiêu. Từ những lớp học nhỏ bé giữa biển khơi, trẻ em xã đảo hồn nhiên cất tiếng "ê a" trong điều kiện còn thiếu thốn, nơi người lính kiên trì bám trụ, gieo mầm sống giữa thiên nhiên khắc nghiệt đến những lễ chào cờ trang nghiêm, quân dân cùng hướng về lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió biển, thể hiện lòng yêu nước và tinh thần bất khuất.

Chúng tôi gặp 5 học viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Hải quân chăm chú xem từng bức ảnh. Một chàng trai trẻ khẽ nói với chúng tôi, giọng đầy quyết tâm: “Xem triển lãm, tôi thấy trách nhiệm của bản thân lớn hơn bao giờ hết. Những gì thế hệ trước đã làm, thế hệ chúng tôi phải tiếp tục thực hiện...”.

Triển lãm là nơi lưu giữ ký ức lịch sử, là lời nhắc nhở rằng độc lập và chủ quyền hôm nay được đánh đổi bằng máu xương của biết bao thế hệ. Nhìn những bức ảnh, bức tranh, những văn kiện cổ, ta không chỉ thấy quá khứ mà còn thấy chính mình trong đó, thấy trách nhiệm đối với biển, đảo nói riêng, chủ quyền đất nước nói chung.

Bài và ảnh: XUÂN HƯƠNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.