Tôi đã đi qua bao mùa sương như thế, ký ức lấp đầy bao nỗi vấn vương. Trong miền ký ức ấy, tôi cảm nhận từng hạt sương rơi ngấm vào quần áo, tay chân trên con đường đến lớp những ngày đi học. Những ngày giao mùa diễn ra thật nhanh. Mới đó thôi, những trận mưa vẫn dai dẳng, đất trời vẫn nặng nề sầm sập chợt trút nước bỗng trở nên hanh khô kèm theo cái lạnh đặc trưng của miền cao nguyên mỗi sáng sớm và khi mặt trời khuất bóng. Rồi sương giăng khắp nơi. Những cánh đồng lúa, những vườn rau, những con đường, những vườn cây đều ngập một màu sương trắng xóa. Sương phủ trên mặt hồ, trên những dòng kênh đầy nước tạo nên một màu trắng bạc mơ màng. Sương giăng trên hàng cây, che mờ cả lối đi trên các con đường trập trùng dốc. Trên những ngọn đồi, nhất là trên núi Hàm Rồng được ví như mái rông Tây Nguyên là một màn sương trắng bao trùm mà nếu từ trên cao nhìn xuống ta không thể phân biệt nơi đâu là nhà, là vườn cây, là những bạt ngàn nương rẫy. Biển Hồ, đôi mắt của Pleiku như mơ màng hơn trong sương sớm.

leftcenterrightdel
Sương giăng phố núi ở Đà Lạt. Ảnh: VnExpress 

Sương phủ trên cánh đồng đang vào vụ gặt. Màu sương trắng hòa cùng màu vàng tươi của bông lúa, màu vàng nhạt của thân lúa. Những giọt sương đọng trên bờ cỏ xanh, vương trắng trên những tấm mạng mà những chú nhện vừa chăng ra. Màn sương ấy lung linh khi mặt trời bắt đầu hắt những tia nắng xuống rồi tan đi trả lại cho cánh đồng một màu vàng trải rộng của những ruộng lúa chín, xen lẫn với màu xanh của những bờ cỏ. Giữa khung cảnh miền quê êm đềm ấy là những cô bác, anh chị nông dân hiền hậu, chất phác với những công việc đồng áng quen thuộc.

Màn sương trắng bao bọc trên các mái nhà tranh từ từ tan ra trong làn khói bếp mà những bà mẹ quê đã nhóm lên để nấu bữa ăn sáng cho cả nhà. Khói bếp hòa cùng với khói sương bảng lảng trong bầu không khí buổi sớm se lạnh và đầy sương tạo nên một vẻ đẹp hư ảo.

Sáng sớm, trên những con đường ở phố núi, sương vẫn còn phủ dày che khuất tầm nhìn. Những học trò đi học trường xa đã sẵn sàng quần áo cặp sách và gọi nhau cùng lên đường đến lớp. Sương rơi làm ướt cả rèm mi, mái tóc, làm ẩm cả quần áo. Cùng với cái lạnh của mùa khô Tây Nguyên, đường đến trường như xa hơn vì nhiều lúc lạnh quá, mệt quá, cả bọn lại cùng nhau dắt bộ. Mùa sương này cùng với gió lạnh đã làm những khuôn mặt bừng đỏ, những đôi môi khô nẻ có lúc rớm máu. Những ngày xa ấy còn thiếu thốn nhiều thứ, đôi tay trần phơi giữa gió hanh cũng khô nứt, rát buốt. Con đường đến trường đầy sương sớm lạnh giá ấy như vẫn còn trong tâm trí của những học sinh thập niên 1980. Cái lạnh tê da giữa màn sương ấy giờ đã là một nỗi nhớ mỗi khi một mùa sương về trên phố núi cao nguyên.

“Trời trở mình sương rơi trên phố núi / Xuân mơ màng giăng mắc nỗi chờ mong/ Ai đã đến dù một lần nhớ mãi/ Dưới bóng thông già đường uốn dốc nhấp nhô” (thơ Lê Quang). Ai dù một lần đến với phố núi mùa sương, chắc chắn sẽ nhớ và lưu luyến mãi. Trên các cung đường có rất nhiều loại hoa đẹp, lạ, nhìn rất hấp dẫn, đặc biệt là chậu bon sai nhiều kiểu dáng, đặc trưng của miền cao nguyên. Người và xe qua lại tấp nập, những nam thanh nữ tú và cả người lớn tuổi đi qua, đều muốn dừng lại chụp những tấm hình để ghi dấu kỷ niệm, góp phần đưa nét đẹp của phố núi Pleiku đến với bè bạn, như một cách để giới thiệu tự hào về quê hương. Mỗi năm là một mùa sương giăng. Năm tháng trôi đi cùng mái tóc dần nhuốm màu sương gió, nhưng nét đẹp của một sáng mù sương cùng bao kỷ niệm vẫn đi cùng năm tháng. Được ngồi bên ly cà phê bốc khói trong màn sương lãng đãng giữa phố xá, ta càng yêu quý hơn một miền đất thân yêu với một mùa sương nhiều thương nhớ.

NGUYỄN THỊ THÚY ÁI