Đọc xong, bạn tôi nói như muốn trao đổi cùng cánh phóng viên và nhất là những bản báo kể trên.
“Lạm dụng” là một từ Hán - Việt, kết hợp hai từ tố: “Lạm” có nghĩa là vượt quá mức, quá giới hạn được pháp luật quy định hoặc cho phép; “dụng” có nghĩa là dùng. “Lạm dụng” là dùng quá giới hạn được pháp luật quy định hoặc cho phép. Vậy nếu viết như trong hai bài báo kể trên, thì hóa ra bảo kẻ xấu cứ việc hiếp dâm trẻ em, cứ việc buôn bán, vận chuyển, chích hút ma túy; nhưng... làm vừa vừa thôi, đừng vượt quá mức cho phép (!?). Ai, pháp luật nào cho phép tên X quan hệ tình dục với cháu Y mà phóng viên lại viết “lạm dụng”? Pháp luật nghiêm cấm và xử rất nặng tội cưỡng bức, xâm hại tình dục (gồm dâm ô hoặc hiếp dâm), nhất là đối với trẻ em. Vả lại, bé Y không thể đồng thuận hoặc... cho phép tên X quan hệ tình dục với mình. Vậy, đối với hành vi của tên quỷ râu xanh với bé X, không thể dùng “lạm dụng” mà phải viết là: “Xâm hại” (hay cưỡng bức) tình dục.
Chưa hết, không chỉ báo in, báo điện tử mà đài phát thanh - truyền hình trong trao đổi, giao tiếp với các nhân vật, từ “lạm dụng” vẫn đang bị dùng tràn lan, bừa bãi. Nói cách khác, từ “lạm dụng” đang bị lạm dụng, thậm chí trở thành câu nói cửa miệng của không ít nhân vật. Cụ thể: Trên một chương trình truyền hình phát sóng tháng 10-2016, nhà đài có mời mấy vị chuyên gia tâm lý học, bác sĩ và cán bộ pháp luật tới tọa đàm về chủ đề “Chống xâm hại tình dục trẻ em”. Dòng chữ này được trình bày rõ mồn một trong khán phòng. Ấy vậy mà, không hiểu sao, trong suốt buổi lên sóng, người dẫn chương trình (MC) và các diễn giả nhiều lúc cứ thản nhiên dùng cụm từ “lạm dụng tình dục trẻ em” trái hẳn với biểu ngữ đã được trương ra! Ví dụ, họ nói: “Hiện tượng lạm dụng tình dục trẻ em đã và đang diễn ra nghiêm trọng ở nhiều nơi”; hoặc: “Hiện nay, việc lạm dụng tình dục trẻ em không chỉ đối với các bé gái, mà cả với các bé trai” v.v.. Nghe nhiều lần như thế, quả thật tôi rất khó chịu và thấy thất vọng về trình độ sử dụng ngôn từ của MC và các chuyên gia trong chương trình.
Từ tố (yếu tố) “lạm” được dùng đúng, như trong các trường hợp sau: “Lạm phát ngân sách” tức là sự phát hành hoặc chi tiêu tiền bạc cho việc đầu tư công vượt quá mức quy định, hay vượt quá mức trần Quốc hội đã cho phép. “Lạm quyền” tức là làm những việc vượt quá quyền hạn, chức trách của mình. “Lạm sát”: Giết thịt gia súc bừa bãi, vượt quá mức cho phép... Với từ “lạm dụng”, dùng đúng trong các trường hợp: “Đừng lạm dụng lòng tốt của người khác” nghĩa là: Không nên thấy người ta tử tế, tốt bụng với mình thì lấn tới, được đằng chân lân đằng đầu, lại đòi hỏi, lợi dụng ở mức cao hơn. Hoặc: “Chớ lạm dụng thuốc bảo vệ cây trồng, dễ gây hại cho môi trường”; hay: “Không nên lạm dụng thuốc kháng sinh trong một số bệnh viêm nhiễm”...
Rõ ràng, lỗi dùng từ “lạm dụng” nằm trong tình trạng dùng sai các từ Hán - Việt khá phổ biến hiện nay trong các trường học, trên các diễn đàn, các phương tiện truyền thông và ngoài xã hội. Thiết nghĩ: Các trường học, nhất là các trường đại học, cao đẳng nên phục hồi việc dạy môn “Tiếng Việt thực hành”, đồng thời coi trọng việc giảng dạy các từ Hán - Việt cho sinh viên, học sinh.
ĐÀO NGỌC ĐỆ