Vũ Hoàng sinh năm 1989, tại Hà Nội. Trong mắt thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp, anh là người khá đặc biệt. Có niềm đam mê với hội họa từ rất sớm nhưng vì thể theo nguyện vọng của cha, Hoàng đành tạm gác ước mơ để trở thành một kỹ sư điện. Thi đại học lần hai khi đã gần 30 tuổi, Vũ Hoàng cho biết mình chịu rất nhiều áp lực. Anh phải chứng minh cho mọi người thấy một khi đã sống với đam mê thì mọi khó khăn, thử thách đều sẽ vượt qua.

leftcenterrightdel
      Họa sĩ Vũ Hoàng say sưa bên giá vẽ. 

Theo đuổi con đường hội họa chuyên nghiệp không còn cách nào khác là phải thường xuyên tham gia các triển lãm tranh. Quyết tâm là vậy, năm 2020, Vũ Hoàng đã tham gia Triển lãm mỹ thuật Việt Nam với bức “Cứa 3” vẽ về một chàng trai bị trầm cảm. Qua đó, anh muốn truyền thông điệp một cách nhẹ nhàng về thực trạng cũng như tìm giải pháp để đẩy lùi việc người trẻ đang vướng phải căn bệnh này. Một năm sau, anh tham gia Triển lãm “Chúng ta nghịch gì” với bức “Hiện diện”. Đặc biệt, bức tranh sơn dầu “Cửa sắt” của anh đã giành giải nhì tại Festival mỹ thuật trẻ lần thứ 6 năm 2022. “Bức tranh khắc họa hiện thực cuộc sống qua cảm quan của cá nhân tôi. Nó như là vòng lặp cuộc sống được gói gọn trong không gian đô thị chật hẹp và lộn xộn. Những cảnh người và mảnh đời đang sinh sống trong không gian ấy luôn có mối liên hệ với nhau. Sự hoài niệm trong sáng và đẹp đẽ trong mỗi con người đang sống và sẽ tiếp tục sống trong một xã hội đô thị thay đổi từng ngày”, họa sĩ Vũ Hoàng chia sẻ.

Họa sĩ Diệp Quý Hải, giảng viên Khoa Hội họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam bày tỏ: “Tác phẩm “Cửa sắt” của tác giả Vũ Hoàng đã truyền tải được nhiều thông điệp về cuộc sống con người trong xã hội hiện đại ngày nay cùng với nhiều băn khoăn, chia sẻ, ưu tư... Họa sĩ có một tay nghề vững, chững chạc, kỹ thuật tinh tế, điêu luyện... Tất cả yếu tố đó đã tạo nên tác phẩm có sức lôi cuốn mạnh mẽ, có nhiều ấn tượng sâu đậm và có lẽ cũng để lại cả những ám ảnh cho người xem”.

Cảm hứng sáng tác của Vũ Hoàng không cao xa, hầu hết được lấy từ hiện thực cuộc sống. Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, vì thế, anh rất quen với đời sống, sinh hoạt trong đô thị. Mọi thứ Hoàng nhìn thấy trên đường, thậm chí là ngửi thấy, nghe thấy đều được thông qua các giác quan và từ cảm xúc hỗn độn bên trong, anh phát nó ra bằng nghệ thuật. Việc mới được kết nạp làm hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam là động lực và là bệ đỡ quan trọng để anh có nhiều cơ hội được thỏa sức với đam mê, đồng thời cũng tạo áp lực để anh cống hiến cho hội họa nước nhà.

Bài và ảnh: NGÔ KHIÊM