Nhờ mối duyên với lụa, trong vòng chưa đầy một năm, các họa sĩ đã kết nối để ấp ủ ý tưởng và lên kế hoạch bày một triển lãm chung gồm 78 bức tranh.

leftcenterrightdel
 Bức tranh "Một góc công trình cầu Mỹ Thuận 2" của họa sĩ Tạ Thị Ánh Hồng. Ảnh do họa sĩ cung cấp

 

Họa sĩ Tạ Thị Ánh Hồng với thâm niên hơn 40 năm cầm cọ đã đem đến 10 bức tranh lụa với đề tài đa dạng nhưng nổi bật nhất là mảng đề tài đời sống sinh hoạt và phong cảnh sông nước làng quê Nam Bộ (“Sông phố nhà ghe”, “Tuổi thơ trên đồng”, “Mưu sinh”, “ Vũ điệu ngày mới”…).

Tranh của chị sống động, gần gũi với những gam màu và cách hòa sắc tự nhiên. Hình ảnh miệt vườn Nam Bộ và những con người bình dị nơi đó hiện lên trong tranh của chị rất có tình, có lẽ chính bởi suốt đời cầm cọ, chị đã sống và sáng tác ở quê hương Vĩnh Long, nơi mà chị đã nhận là “mảnh đất phù sa, bao đời cha ông với nghề nông chân chất, nơi tuổi thơ tôi gắn liền với đồng ruộng bao la”.

leftcenterrightdel
 Bức tranh "Bên dòng rạch Gòi Bé" của họa sĩ Phạm Thanh Hùng. Ảnh do họa sĩ cung cấp

 

Cũng có thế mạnh về mảng tranh đề tài đời sống sinh hoạt, nhưng họa sĩ Phạm Thanh Hùng lại chọn khai thác một góc cạnh khác. Anh chú trọng đặt con người vào trung tâm của sáng tạo nên trong những bức tranh sinh hoạt, quang cảnh chỉ còn là tấm phông mờ làm nổi bật các hoạt động đời thường (nghi lễ, sinh hoạt, lao động…) của con người. Ở trong tranh của Phạm Thanh Hùng, yếu tố địa phương được nhấn nhá sắc nét (trong các chi tiết váy áo đặc trưng…).

Họa sĩ Phạm Thanh Hùng dường như rất chủ động trong cách dụng màu, anh thường chọn hoặc tông nóng hoặc tông lạnh cho từng bức tranh, nhưng có lẽ gam màu xanh là gam màu ấn tượng nhất trong các bức tranh của anh bởi anh đã khéo léo men theo các sắc độ, tạo ra được chiều sâu hút mắt cho tác phẩm.

Thật lạ khi xem hoạ sĩ Phạm Thanh Hùng dùng gam màu xanh lá trong những bức tranh tả cảnh lao động như “Những người đóng bao cám” (2020) hay “Làm cốt bê tông” (2022). Màu sắc dịu mát dường như đối lập hoàn toàn với tính chất công việc nặng nhọc của cảnh đời sống được mô tả, nhưng đó lại chính là điểm thú vị trong tranh sinh hoạt của Phạm Thanh Hùng. Ngay cả những công việc nặng nhọc nhất cũng trở nên nên thơ, nhẹ nhõm dưới cây cọ và đôi mắt hội họa của anh.

leftcenterrightdel
Bức tranh “Sắc màu Hà Nhì 1” của họa sĩ Đỗ Thu Hương. Ảnh do họa sĩ cung cấp

 

Ở một mảng đề tài khác, hoạ sĩ Đỗ Thu Hương lại cho thấy thế mạnh về khả năng đặc tả chân dung. Các nhân vật trong tranh của chị được tạo hình giản dị nhưng giàu chất sống bởi họ luôn xuất hiện trong các tư thế, hoạt động đời thường: Thêu thùa, địu con (“Giấc ngủ trên lưng”), giặt vải (“Sắc màu Hà Nhì 2”), hút tẩu (“Khoảnh khắc”)…. Chân dung của họ vì thế tĩnh mà động. Phụ nữ và người dân tộc là 2 nguồn cảm hứng nổi bật của hoạ sĩ Đỗ Thu Hương. Với lối đặc tả chi tiết, hoạ tiết váy áo của người dân tộc, tranh của chị cuốn hút người xem bởi sự ấm áp, tươi tắn.

leftcenterrightdel
 Bức tranh "Thì thầm 2" của họa sĩ Nguyễn Việt Anh. Ảnh do họa sĩ cung cấp

 

Hoạ sĩ Nguyễn Việt Anh mang đến triển lãm một chùm tranh tĩnh vật và phong cảnh. Lối chơi tranh trong tranh là nét riêng của series tranh tĩnh vật (“Thì thầm” được đánh số từ 1-7) của anh. Sự độc đáo của lối vẽ tranh trong tranh là ở chỗ, người hoạ sĩ phô diễn được kỹ thuật vẽ chân dung, phong cảnh ngay trong bức tranh tả tĩnh vật. Cũng là một bình hoa loa kèn đó thôi, nhưng khi chúng được đặt trước những bức tranh phong cách khác nhau thì đã mang chở những cấu tứ riêng biệt rồi.

Như họa sĩ bộc bạch, “chỉ cần cắm một lọ hoa và quan sát nó theo thời gian, ta đã có một nguyên cớ để sáng tạo rồi”. Là người hướng đến sự tĩnh tại, trầm lắng, họa sĩ Nguyễn Việt Anh chuộng dùng những gam màu dịu nhẹ, tuy vẫn có những bức anh thử nghiệm những gam màu có tính tương phản cao. Chùm tranh phong cảnh của anh cho thấy anh yêu thích cách bố cục có điểm hút.

leftcenterrightdel
 Bức tranh “Miu - Tam thập lục” của họa sĩ Tạ Hùng Việt. Ảnh do họa sĩ cung cấp.

 

Khác hẳn với lối tranh tả thực của hầu hết các hoạ sĩ trong triển lãm, hoạ sĩ Tạ Hùng Việt đem đến một không khí mơ màng với chùm tranh thiếu nữ và nhạc cụ (series “Ánh trăng” đánh số từ 1 - 4), tranh mèo và nhạc cụ (“Miu - Tam thập lục”, “Miu Nhị“, “Miu - Nguyệt”…). Tranh lụa của Tạ Hùng Việt được sáng tạo theo phong thái gợi nhiều hơn tả, cả ở phần tạo hình lẫn cách dụng màu.

Nét cọ phóng khoáng, bay bổng dường như vượt lên trên mọi nguyên tắc thông thường cùng với gam màu pastel thơ mộng dễ dàng đưa người xem vào thế giới nội cảm của người nghệ sĩ. 12 bức tranh của Tạ Hùng Việt trong triển lãm lần này đều lấy nhạc cụ dân tộc làm duyên cớ sáng tạo, bởi với anh, tạo hình nhạc cụ dân tộc cũng là một cách đóng dấu bản sắc Việt trong tranh của mình.

leftcenterrightdel
 Bức tranh "Giấc trưa" của họa sĩ Nguyễn Thị Thanh Lưu. Ảnh do họa sĩ cung cấp

So với các họa sĩ trong nhóm, Nguyễn Thị Thanh Lưu là người có tuổi đời và tuổi nghề ít hơn cả. Chị vốn dân văn chương, mới rẽ ngang vào lãnh địa của hội họa trong những năm gần đây. Tuy vậy, chị đã tạo được dấu ấn riêng trong những bức tranh chân dung đậm đặc chất đồ họa của mình.

Series tranh Frustration đánh số từ 1 - 4 là series nổi bật trong 13 bức tranh chị mang đến triển lãm lần này và cũng mang phong cách đặc trưng của tranh chân dung do Nguyễn Thị Thanh Lưu vẽ. Chủ thể trong tranh chị được nhấn mạnh ở mức tối đa khi tất cả mọi chi tiết xung quanh đều chỉ làm nhiệm vụ hỗ trợ để nhân vật hiện lên rõ nét nhất, phơi bày nội tâm theo cách tinh tế nhất. Gam màu ấm nóng cũng lối tạo hình thẳng thắn khiến các nhân vật trong tranh Lưu ập vào mọi giác quan của người xem một cách thật sống động.

leftcenterrightdel
 Bức tranh "Hai mẹ con" của họa sĩ Lê Thị Thắm. Ảnh do họa sĩ cung cấp

Cũng có thiên hướng chuộng vẽ chân dung, hoạ sĩ Lê Thị Thắm trình làng một series tranh thiếu nữ ở những tư thế duyên dáng, gợi cảm cùng tà áo dài truyền thống. Chị đã đeo đuổi mảng chủ đề này từ nhiều năm nay và vẫn luôn nuôi cảm hứng sáng tạo cho hình tượng người phụ nữ Việt Nam. Với bút pháp tả thực nhưng vẫn giữ được nét mơ màng, gam màu nhẹ nhàng nhưng vẫn đủ sắc sảo và với sự cân bằng giữa đặc tả lẫn buông lơi chi tiết, tranh lụa của Lê Thị Thắm cho thấy trình độ của một hoạ sĩ có nghề cũng như tâm huyết chị đặt vào từng tác phẩm.

Dù chưa thể so sánh với lịch sử lâu đời của tranh lụa của các nước trong khu vực châu Á nhưng tranh lụa Việt Nam sau mấy trăm năm hình thành và phát triển đã định hình một phong cách riêng, thuần Việt. Thế nên, tranh lụa vẫn được xếp vào một trong những chất liệu truyền thống của nghệ thuật tạo hình Việt Nam. Cùng với sự du nhập của nhiều loại chất liệu mới và xu hướng phát triển đa dạng phong phú của nghệ thuật tạo hình ngày nay, việc tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê vẽ tranh lụa là hành động thiết thực bảo tồn văn hoá dân tộc từ góc độ hội hoạ. Triển lãm "Duyên lụa" với sự quy tụ của các hoạ sĩ chuyên vẽ tranh lụa ở nhiều vùng miền khác nhau của Việt Nam là một triển lãm đáng ghi nhận không chỉ ở các sáng tạo cá nhân của các hoạ sĩ mà còn ở chí hướng chung giàu ý nghĩa đó.    

VÂN HÀ