Đến Đường Lâm, trước mắt tôi hiện lên khung cảnh quen thuộc với tiếng đục, đẽo vang lên bên tai. Từ lớp học nghệ thuật sơn mài miễn phí này nhẹ nhàng tỏa ra mùi hương trầm. Vài cô cậu học trò đang say mê sáng tác, thầy Phát chăm chú vào lớp học. Xung quanh thầy trò là các tác phẩm tượng sơn mài độc bản được sáng tạo trên chất liệu mang giá trị bản địa như đá ong, gỗ mít...

Tâm sự về lý do mở lớp học này, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát cho biết: “Thuở ấu thơ, tôi theo chân ông nội đi vẽ tượng, đắp hoa văn. Đồ chơi của tôi khi ấy chỉ cần là thứ có thể vẽ được như bút chì, cành củi hay kể cả mảnh gạch vỡ... Vì vậy, tình yêu tôi dành cho nghệ thuật truyền thống được nuôi dưỡng và trưởng thành từ trong máu thịt. Tôi luôn khao khát được đưa nhiều du khách đến tham quan làng cổ Đường Lâm, biết đến và hiểu về nghề sơn mài. Đây là lý do tôi mở lớp truyền nghề sơn mài miễn phí, tô thắm vẻ đẹp văn hóa vùng đất Sơn Tây, xứ Đoài quê tôi”.

Mở được lớp học, nhưng duy trì đến hơn 10 năm các lớp học miễn phí thì không hề đơn giản. Mọi hoạt động đều cần một khoản tiền không nhỏ. Nhưng với tình yêu quê hương và nghệ thuật sâu sắc, anh Phát vẫn bền bỉ đầu tư, duy trì con đường đi của mình.

leftcenterrightdel
 Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát ân cần truyền dạy nghề làm nghệ thuật sơn mài cho em Vũ Quang Thịnh.

Đến lớp học, tôi đặc biệt chú ý đến em Vũ Quang Thịnh, năm nay tròn 20 tuổi. Khi giao tiếp với Thịnh, tôi phải dùng bút viết vào sổ tay, vì em là người câm điếc bẩm sinh. Tôi học theo cách mà anh Phát sử dụng khi giảng dạy cho Thịnh. Vì thế, quá trình học tập của em mất nhiều thời gian hơn so với người bình thường. Vượt lên khó khăn, chỉ sau 3 tháng học tập, Thịnh đã được làm việc trong xưởng sản xuất sơn mài của anh Phát cùng các học viên khác. Thịnh rất vui khi có công việc phù hợp với bản thân, vừa góp thêm một phần thu nhập cho gia đình, lại được tự lập và sống với đam mê.

Chị Phùng Thị Anh, học viên đã có gần 10 năm theo học ở đây, cho biết: “Hiện nay, đời sống tinh thần của người dân ngày càng cao, những lớp giảng dạy các môn nghệ thuật được mở ra ngày càng nhiều, song lớp học được hướng dẫn bởi chính nghệ nhân lành nghề, lại tổ chức miễn phí là rất hiếm. Qua một thập kỷ từ khi thầy Phát mở lớp truyền nghề, bên cạnh những học viên kiên trì theo học đến gần 10 năm, không ít người đã bỏ giữa chừng. Do tính chất phức tạp của nghề sơn mài, làm nghề lại không thể mang lại thu nhập ngay nên nhiều người dù nuôi hy vọng mưu sinh bằng nghệ thuật sơn mài cũng chỉ học được vài tháng đến một, hai năm là bỏ”.

Vừa sáng tạo nghệ thuật, vừa đầu tư thời gian, công sức, tài chính cho lớp học miễn phí, trên con đường “giữ lửa” sơn mài truyền thống, anh Nguyễn Tấn Phát đã lan tỏa mạnh mẽ tinh thần văn hóa dân tộc, góp phần mang lại vẻ đẹp và ấn tượng sâu sắc đối với mỗi du khách khi đặt chân tới mảnh đất quê hương mình. Không chỉ truyền nghề sơn mài miễn phí, anh còn mở lớp trải nghiệm tranh in khắc gỗ miễn phí dành cho các em nhỏ, học sinh và du khách đến tham quan làng cổ Đường Lâm. Khách đến đây được hướng dẫn học vẽ và thực hành kỹ thuật làm tranh in khắc gỗ, từ đó phát triển tư duy, kỹ năng sáng tạo.

Bài và ảnh: THÁI PHƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.