Lan tỏa yêu thương
“Mẹ ơi, Trung thu năm nay lớp con sẽ không tổ chức tưng bừng như mọi năm mà con và các bạn sẽ dành những phần quà để gửi tặng các bạn đang gặp khó khăn vì thiên tai, bão lũ mẹ ạ!”, nhìn gương mặt hân hoan, tràn đầy hạnh phúc của con và các bạn, trong lòng tôi cảm thấy vô cùng ấm áp.
Tết Trung thu này thật đặc biệt, cho dù không có những hoạt động vui chơi, múa lân, múa rồng nhưng các em nhỏ vẫn cảm thấy hào hứng bởi đã làm được những việc vô cùng ý nghĩa, truyền đi thông điệp của lòng nhân ái và tinh thần “lá lành đùm lá rách” của người Việt Nam.
Ca sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hà (Hà MyO) công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cùng với Nghệ sĩ Nhân dân Tự Long, Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Bắc và nhiều ca sĩ, nghệ sĩ thực hiện chương trình “Trung thu không xa cách”, diễn ra tại Hà Nội vào tối 17-9, để ủng hộ người dân và trẻ em bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
|
|
Ca sĩ Hà MyO (thứ hai từ trái sang) trong buổi giới thiệu chương trình “Trung thu không xa cách”. |
Ca sĩ Hà MyO chia sẻ: Đây là một chương trình rất ý nghĩa mà tôi vô cùng vinh dự khi được nhận lời mời tham gia của Nghệ sĩ Nhân dân Xuân Bắc (Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam).
“Khi còn nhỏ, tôi rất nhớ những Tết Trung thu được bố mẹ đưa đi phá cỗ ở nhà văn hóa thôn, được rước đèn ông sao, xem múa lân, ăn kẹo, nhận quà và hát múa. Trung thu năm nay, tôi mong các em nhỏ đang chịu ảnh hưởng bởi bão lũ với nhiều mất mát sẽ vẫn cảm nhận được sự quan tâm yêu thương từ người dân Việt Nam trên mọi miền Tổ quốc. Đừng lo lắng!, rồi các em sẽ lại được đến lớp với đầy đủ sách vở và dụng cụ học tập cùng với bạn bè, thầy cô”.
|
|
Các em học sinh Trường Tiểu học Nam Thành Công, Đống Đa, Hà Nội có một mùa Trung thu ý nghĩa với chương trình hướng về đồng bào bị lũ lụt. |
Thông qua chương trình "Trung thu không xa cách", ca sĩ Hà Myo mong muốn gửi thông điệp về sự sẻ chia rằng, không ai bị bỏ lại phía sau. Mong bà con sẽ sớm vượt qua nỗi đau mất mát để tiếp tục sống và làm việc, nhanh chóng tái thiết cuộc sống bình thường trở lại.
“Tôi luôn tin rằng vì chúng ta là người Việt Nam nên sức mạnh lớn nhất của chúng ta đó chính là tinh thần đoàn kết. Chính trong khoảnh khắc khó khăn nhất thì tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam lại sáng ngời hơn bao giờ hết”, ca sĩ Hà Myo bộc bạch.
Để gửi gắm tâm tình đến học sinh trong ngày Trung thu đặc biệt của năm 2024, cô giáo Nguyễn Hương, Trường Tiểu học Nam Thành Công, Đống Đa, Hà Nội đã viết thư ngỏ gửi tập thể lớp của mình rằng: “Trung thu năm nay không giống mọi năm, các con sẽ không có những hoạt động hát múa, bày cỗ trông trăng mà trong giai đoạn này thì lòng nhân ái là quan trọng hơn hết, mỗi chúng ta đóng góp một chút để những bạn nhỏ ở khu vực ngập lụt vượt qua khó khăn…”.
Một mùa Trung thu nữa lại về, không khí đón Tết Trung thu năm nay ở các tổ dân phố, từng địa phương và mỗi trường học thật đặc biệt, không tưng bừng, rộn ràng tiếng trống nhưng ai nấy đều thấy ấm áp bởi truyền thống đạo lý “thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam được phát huy và lan tỏa.
Tết Trung thu có từ bao giờ?
Trong sách Bách khoa thư làng Việt cổ truyền (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành năm 2021), tác giả Bùi Xuân Đính cho biết: "Ở Việt Nam, theo tài liệu ghi lại, Tết Trung thu là ngày Vua Lý tạ ơn thần Rồng đã mang mưa tới cho mùa màng bội thu, dân chúng được ấm no, hạnh phúc". Ngay từ thời Lý, Tết Trung thu đã được triều đình tổ chức trong ba ngày với nghi lễ cúng tổ tiên cùng hội đua thuyền, diễn rối nước, săn bắn... Khắp nơi trong cung điện đều được trang trí đèn lồng gấm vóc rực rỡ. Ngoài dân gian có phong tục ban ngày cúng gia tiên, buổi tối treo đèn bày cỗ thưởng trăng. Phong tục ấy đã được lưu truyền qua bao đời và trở thành một nét đẹp văn hóa của dân tộc.
|
|
Không gian trưng bày các đồ chơi truyền thống Trung thu tại Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội. |
Đối với người Việt Nam, Tết Trung thu là một dịp quan trọng. Đây là thời gian mặt trăng tròn nhất, sáng nhất, cũng là thời gian thu hoạch xong mùa vụ và người dân bắt đầu tổ chức những lễ hội, mà tiêu biểu trong đó là Lễ hội Trăng Rằm diễn ra vào ngày 15 tháng 8 (âm lịch) hằng năm.
Trong dịp này, các gia đình cùng quây quần, vui vẻ sau thời gian lao động vất vả. Tục phá cỗ, trông trăng cũng thể hiện sự quan tâm chăm sóc, giáo dục trẻ em cả về vật chất lẫn tinh thần một cách cụ thể, tinh tế, sinh động và độc đáo của người Việt Nam. Mâm cỗ đêm rằm Trung thu không chỉ để ăn, mâm cỗ này cho mắt ngắm, tai nghe, mũi ngửi mà ở đó còn có cả “hồn trăng” soi vào chiếc bánh nướng, bánh dẻo, nhìn thấy ánh mắt trẻ thơ tràn đầy trong những đồ chơi kỳ thú. Bởi lẽ đó, Tết Trung thu còn là Tết dành cho trẻ em, là dịp các em được vui chơi thỏa thích, được thỏa trí tưởng tượng và sáng tạo của bản thân trong các món đồ chơi đa dạng và giàu ý nghĩa.
GIA KHÁNH
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.