Những động tác uốn dẻo uyển chuyển, nhịp nhàng, cùng màn biểu diễn quay thảm điêu luyện của Trúc Vi để lại ấn tượng sâu sắc với khán giả phương Nam. Đặc biệt, Trúc Vi có “thương hiệu” với màn uốn dẻo sử dụng hai chân bắn cung vỡ từng quả bóng. Để có những phút giây biểu diễn đỉnh cao trên sân khấu, chị đã trải qua quá trình luyện tập gian khó, khắc nghiệt, mạo hiểm, phải đổi bằng mồ hôi, nước mắt và cả những chấn thương.

 Diễn viên xiếc Trúc Vi với tiết mục uốn dẻo thăng bằng.

Nhớ lại những ngày đầu vào nghề, Trúc Vi chia sẻ, đó là nhờ thầy giáo, Nghệ sĩ Ưu tú Duy Hà sống gần nhà, thấy tố chất biểu diễn xiếc uốn dẻo của Vi nên xin bố mẹ cho Vi theo nghề. Được gia đình chấp thuận, Trúc Vi theo tập luyện ở Đoàn xiếc Mặt trời đỏ. Có năng khiếu, lại thông minh, kiên trì, chịu khó học hỏi, Vi nắm bắt nhanh kỹ thuật động tác uốn dẻo. Từ năm 9-10 tuổi, Trúc Vi đã trình diễn được những tiết mục xiếc uốn dẻo đầu tiên.

Trúc Vi tâm sự: “Luyện tập bộ môn xiếc uốn dẻo phải có quyết tâm rất lớn, bởi uốn dẻo phải bẻ người thường xuyên nên thời gian đầu hay bị đau nhức. Quá trình thực hiện động tác uốn dẻo cũng dễ làm chèn các dây thần kinh, dẫn đến bị choáng hay ngất xỉu. Chưa kể, với những động tác mới hoặc khó, việc gặp chấn thương là khó tránh khỏi”. Gian truân là vậy nhưng với Trúc Vi, mỗi bài biểu diễn thành công, được khán giả tán thưởng chính là niềm vui, nguồn động lực lớn để chị vững bước theo nghề. Cùng với đó, qua mỗi chương trình biểu diễn, chị càng trau dồi thêm kỹ năng nghề nghiệp, bản lĩnh sân khấu.

Nhắc đến kỹ năng uốn dẻo bắn cung bằng chân, chị cho biết đây là động tác không mới, bởi nhiều nghệ sĩ trong và ngoài nước từng biểu diễn. Cái khó của động tác chính là sự tập trung cao độ cho đôi chân để cảm nhận phương hướng, mục tiêu, thực hiện chính xác động tác giương cung...

Gắn bó với nghề đã 20 năm, Trúc Vi không khỏi trăn trở, hiện nay, các gameshow truyền hình, phương tiện giải trí trực tuyến ngày càng đa dạng nên ít người đến rạp xiếc. Tuy nhiên, mỗi khi biểu diễn, Vi thấy khán giả, nhất là các em thiếu nhi rất hào hứng. Vì lẽ đó, bên cạnh việc quảng bá, giới thiệu về loại hình nghệ thuật này đến công chúng nhiều hơn thì bản thân người làm nghề cũng phải đổi mới phong cách biểu diễn, đầu tư dàn dựng chương trình để mang đến làn gió mới, đáp ứng nhu cầu thưởng thức.

Riêng với bộ môn uốn dẻo, Trúc Vi cho biết thêm, bộ môn này vừa “kén người” vừa “kén tuổi” bởi càng lớn là xương sẽ cứng lại, khó biểu diễn. Về lâu dài, có thể để lại di chứng xương khớp. “Nghề nào cũng có khó khăn riêng, nếu đam mê, chăm chỉ, cầu tiến bộ thì sẽ có cơ hội thành công với nghề. Tôi đến với xiếc uốn dẻo là cái duyên nhưng theo đuổi đến hôm nay là từ đam mê thật sự và tình yêu với nghề”, Trúc Vi bày tỏ.

Năm 2021, Trúc Vi cùng đồng nghiệp đã xuất sắc giành giải nhất cuộc thi Tài năng xiếc toàn quốc với tác phẩm “Sắc sen”. Chị còn được Thành đoàn TP Hồ Chí Minh tuyên dương “Công dân trẻ tiêu biểu TP Hồ Chí Minh năm 2021” vì những cống hiến xuất sắc với nghề, công tác tình nguyện, thiện nguyện, tham gia phòng, chống dịch Covid-19.

Trong Đoàn xiếc Mặt trời đỏ, Trúc Vi diễn được các môn là uốn dẻo cá nhân và đồng đội, xe đạp tập thể, quay thảm tập thể. Niềm hạnh phúc lớn nhất của chị là được đứng trên sân khấu trình diễn các tiết mục xiếc độc đáo cho khán giả. Trên nền tảng hiện có, chị muốn tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới trong nghề. Qua đó, cùng với các thế hệ diễn viên xiếc đàn anh, đàn chị, góp phần đưa nghệ thuật xiếc của Việt Nam đến gần hơn với công chúng trong nước và quốc tế. 

Bài và ảnh: THƯ LÊ