Từ thành phố Hạ Long, xe chúng tôi chạy trên đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn một đoạn khá dài rồi rẽ vào Quốc lộ 18 đi về hướng Móng Cái. Trên đường đi, dược sĩ Hưng, một người con quê lúa Thái Bình nhưng gắn bó cả tuổi trẻ với vùng than từ khi ra trường đến nay, rất hào hứng giới thiệu những tiềm năng của Quảng Ninh thân yêu. Anh còn quay clip giới thiệu lên YouTube, thỉnh thoảng lại hứng khởi cất lời ca: “Hạ Long mênh mông là thế...”. Không ngờ sau bao nhiêu năm mới gặp lại, thấy ông anh đồng nghiệp thân thiết của mình bỗng trở nên một con người khác lạ so với thời sinh viên bao cấp khốn khổ xưa. Sâu sắc hơn. Yêu đời hơn. Và anh ấy rất yêu mảnh đất đẹp đẽ giàu có nay đã thành quê hương của mình.
Đến huyện Hải Hà - miền đông của tỉnh Quảng Ninh, cách thành phố biên giới Móng Cái hơn hai mươi cây số thì chúng tôi rời Quốc lộ 18 rẽ phải vài ki-lô-mét tới bến tàu thủy ra đảo Cái Chiên. Từ bến tàu ra đảo mỗi ngày có 4 chuyến phà, đi hết khoảng 40 phút. Ngồi trên chiếc phà chạy nhẩn nha trên biển ngắm trời đất và hưởng gió lộng cũng là một thú vui. Thế nhưng vì lúc đó trời hơi xầm xì nên chúng tôi quyết định gọi ca nô cao tốc lúc nào cũng đậu sẵn quanh đấy để đi cho nhanh. Và hưởng thụ cảm giác mạnh khi ngồi trên xuồng cao tốc xé gió lướt sóng trong mưa rát mặt nữa. Thật là một cảm giác mạnh ít khi được hưởng trên đời. Chỉ mười phút là ca nô đã cập bến, bọn tôi lên xe điện chạy về nơi nghỉ. Đó là một nhà nghỉ kiêm nơi sinh hoạt của gia đình, nấu ăn cho khách..., thậm chí còn chưa cả kịp treo tên hay biển hiệu. Thế nhưng các phòng cũng khá tiện nghi, nước nóng, vòi hoa sen, máy lạnh đầy đủ. Nhưng đó không phải là điều chúng tôi quan tâm, quẳng ba lô vào góc phòng là cả bọn lại nhảy lên xe điện đi dọc đảo ngắm nghía. Cần phải tranh thủ, bởi đây là chuyến đi du lịch hưởng thụ cảnh quan thiên nhiên kia mà! Bọn tôi bảo với nhau thế...
Dọc con đường bê tông xuyên đảo là những ruộng lúa xanh mướt. Xa hơn chút về phía chân núi là những ngôi nhà nho nhỏ nép mình dưới tán rừng xanh, bên những khe nước ngọt chảy róc rách. Không khí sực nức mùi của cỏ cây thiên nhiên hoang dã. Thỉnh thoảng nhìn thấy một vài con cò trắng phau đứng thờ ơ, nổi bật trên màu xanh của cây lá. Nhưng khi xe đến điểm cuối của đảo là bãi tắm Đầu Rồng thì mới thực sự là khoan khoái. Gió biển lồng lộng chiều hôm tràn vào lồng ngực. Trên bãi cát vàng sạch tinh, sóng dào dạt như vẫy gọi bọn tôi xuống hòa mình vào làn nước biển trong vắt. Nếu bạn đến vào giữa tuần sẽ có những buổi tắm tự do hòa mình vào thiên nhiên hoang dã xung quanh một cách tận cùng. Bởi Cái Chiên còn khá xa lạ với du khách các nơi. Chỉ đến những dịp cuối tuần, những du khách sành sỏi yêu thích thiên nhiên hoang sơ và sự mới lạ mới dắt nhau tới nghỉ. Còn như buổi chiều ấy, chỉ có mấy người bạn chúng tôi làm chủ cả bãi biển Đầu Rồng. Nằm bồng bềnh trên mặt nước trong vắt, được sóng vỗ như mát xa, nhìn ra khơi xa ngắm biển thẳm, nghĩ suy về mọi chuyện chẳng phải là những phút giây thư giãn lành mạnh của những người cầm bút sao?
Nhưng khi đi chân trần dạo dưới rừng dương cổ thụ, bàn chân đặt lên lớp thảm lá khô dày mục bên dưới, nghe điệu nhạc vi vút muôn thuở của dương xanh hòa cùng sóng, cùng gió cũng là một niềm lạc thú khôn tả. Rồi trong ánh chiều đang buông, bạn có thể dạo bộ, tới tận bờ biển phía đằng cầu cảng ngắm những cơn mưa biển ngoài khơi xa, nơi đang mọc lên những chiếc cầu vồng kỳ vĩ như tuổi thơ ta từng mơ ước. Và hãy bỏ qua mọi bon chen khốn khổ ở trên đời để chú tâm và thận trọng khẽ khàng đặt bước chân xuống bãi đá cổ ven bờ kè. Dường như những gộp đá này là những thân cây khổng lồ của cả triệu năm trước hóa thạch mà thành ra đến ngày nay. Những vệt đá dọc chạy dài như mạch gỗ. Những mảng đá sắc màu hòa trộn vào nhau đẹp đẽ lạ lùng bí hiểm như trong một bức tranh của các danh họa. Tôi và nhà văn Uông Triều đã hầu như mê đi trong ánh hoàng hôn chiếu rọi lên gộp đá bên bờ biển Cái Chiên hôm ấy. Cả một vùng trời nước bỗng nhiên lộng lẫy mê hồn khoe sắc màu. Chúng tôi đã lặng người hồi lâu để ngắm, dường như chỉ có gió và sóng vẫn rì rào chia sẻ cảm xúc với mình...
Buổi tối, chúng tôi được anh chị chủ nhà nghỉ nấu cho một bữa đặc sản biển đúng nghĩa. Can rượu quê đặc biệt được hai dược sĩ Quốc Hưng, Văn Việt tuyển chọn, xách theo từ đất liền đã làm cho buổi tối bên bờ biển hôm ấy nồng lên hòa cùng gió biển rào rạt. Tôi chưa từng được ăn món hà biển, vốn là một món rất dân dã vùng này, ngon như vậy: Hà nấu sốt cà chua ăn cùng rau diếp, rau thơm thái nhỏ. Ngon ngọt nhức miệng! Đổi vị bằng những con ốc biển vừa bắt lên, hấp gừng sả chấm tương ớt, giòn sần sật và hơi ngăm đắng cũng là một vị ngon lạ chưa từng gặp. Chạm cốc với bạn bè rồi chiêu một ngụm rượu, bỗng thấy cuộc đời thật ra cũng chả cần gì nhiều. Có được những giây phút thanh bình êm ả thưởng thức sản vật đất nước bên bạn bè đồng nghiệp đã tiếp cho ta thêm năng lượng sống và viết.
Anh chị chủ nhà nói, xã đảo Cái Chiên giờ bắt đầu đông dần, có tới hơn trăm hộ gia đình. Hơn trăm hộ ở rải rác trên hòn đảo rộng khoảng ba ki-lô-mét vuông nên có vẻ khá thưa thớt người. Bằng chứng là nhà văn Uông Triều với tính cách lãng đãng cố hữu của mình đã đánh rơi chiếc smartphone trên đường đi dạo. Thế nhưng chán chê rồi chúng tôi mới gọi xe điện đi quanh lại con đường đã qua thì thấy cái điện thoại vẫn lập lòe nằm chơ vơ bên vệ đường! Chú tài xế xe điện cười bảo, các anh có bỏ quên cả ngày ở đây thì cũng chả mất, bởi chả ai lấy đâu, dân đảo Cái Chiên chúng em là thế mà! Dân ở đây làm nghề đánh bắt cá, nuôi hải sản, cấy lúa và làm du lịch dịch vụ theo kiểu homestay nữa. Đảo có điện lưới khá ổn định. Các dịch vụ phục vụ du khách còn sơ khai. Thế nhưng với lượng du khách ngày càng biết đến nhiều hơn, hy vọng mọi thứ trên đảo cũng nhờ thế mà phát triển hơn. Bọn tôi thì bảo nhau, thật may chúng ta đã ra đảo Cái Chiên khi nó... chưa kịp phát triển! Với cái kiểu phát triển ăn xổi ở thì mà chúng ta đã và đang thấy ở nhiều nơi thì không cẩn thận Cái Chiên cũng sẽ chung số phận xô bồ, ồn ào, nhếch nhác như những nơi ấy. Hãy thưởng thức thiên nhiên biển Cái Chiên khi chưa muộn. Và cũng rất mong những người có trách nhiệm của tỉnh Quảng Ninh hãy giữ lấy Cái Chiên và nhiều hòn đảo khác, những quà tặng vô giá của đất trời cho nhân dân nơi đây, nguyên vẻ đẹp hoang sơ, hạn chế tối đa bàn tay tác động của con người, để làm nơi cho những người yêu thích thiên nhiên biển có chốn đi về.
Chia tay Cái Chiên, chia tay Hạ Long, chia tay những người bạn nghề dược thân thiết bằng một chầu rượu lẩu “thuyền chài” trứ danh. Đây có lẽ mới đúng là ẩm thực biển đặc sắc của Quảng Ninh: Một mẻ lưới kéo từ biển lên, được con nào ăn con nấy. Cá tráp hồng, cá hói... có đến hàng chục loại cá trong một nồi lẩu. Tươi rói! Bên chén rượu nồng chúng tôi lại hẹn hò nhau về những chuyến đi mới. Nhưng ấn tượng về con người và cảnh vật của hòn đảo miền Đông Bắc Tổ quốc, Cái Chiên thân yêu, chắc sẽ còn mãi trong mỗi người.
Ghi chép của TRẦN THANH CẢNH