Tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước) trưng bày gần 80 tài liệu, tư liệu hình ảnh với chủ đề “Trở về Trung thu xưa”. Qua đó, công chúng có thể tìm hiểu những nghi lễ Tết Trung thu nơi cung đình xưa, không khí rộn ràng tiếng trống, rực rỡ đèn lồng, đèn ông sao, đèn con thỏ... của Tết Trung thu trên phố phường Hà Nội.

 Các em nhỏ tham quan, đọc tư liệu tại trưng bày “Trở về Trung thu xưa”.

Bà Nguyễn Thu Hoài, Phó giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I cho biết: “Tết Trung thu ở Việt Nam không biết có tự bao giờ, chỉ biết rằng Tết Trung thu có nguồn gốc từ một nghi lễ nông nghiệp. Ngày nay, Tết Trung thu đã trở thành một trong những ngày lễ truyền thống lớn nhất trong năm. Hầu hết các vùng, miền trong cả nước đều tổ chức Tết Trung thu với bản sắc, phong tục riêng. Lễ hội diễn ra vào giữa mùa thu, ngày rằm tháng Tám âm lịch, khi trăng tròn và sáng nhất trong năm, còn gọi là Tết Trông trăng”.

Từ thời Lý, Trung thu là lễ tiết quan trọng của đất nước với hoạt động cúng tổ tiên, đua thuyền, diễn rối nước... Khắp nơi trong kinh thành Thăng Long được trang hoàng gấm vóc, đèn hoa lộng lẫy, nhân dân nô nức đi xem. Trong phong tục dân gian truyền thống, Trung thu không chỉ là ngày tết của trẻ thơ mà còn là dịp để các thành viên trong gia đình đoàn tụ, sum vầy bên nhau...

Trong khuôn khổ chuỗi hoạt động, công chúng được đến với Ngôi nhà di sản, số 87 phố Mã Mây, chứng kiến cảnh quan Tết Trung thu truyền thống của người Hà Nội... Sau đó, du khách đến xem biểu diễn rối cạn của làng Tế Tiêu tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật, số 22 Hàng Buồm. Không dừng lại ở đó, du khách tiếp tục tham gia hoạt động sắp đặt không gian Tết Trung thu; giới thiệu, hướng dẫn làm đồ chơi truyền thống xưa và nay tại đình Đồng Lạc, số 38 Hàng Đào và tham quan các gian hàng giới thiệu về đồ chơi truyền thống, đèn ông sao, ông tiến sĩ, chuồn chuồn tre, tò he... tại không gian phố bích họa Phùng Hưng.

Du khách còn được trải nghiệm làm các sản phẩm đồ chơi Trung thu truyền thống như: Mặt nạ bồi, làm và trang trí diều giấy, chơi trò chơi Trí Uẩn, cùng các nghệ nhân, thợ thủ công tới từ các làng nghề lân cận ở Hà Nội như: Trải nghiệm làm con giống bột với “Lớp học tò he” cùng nghệ nhân Đặng Văn Hậu; làm đèn ông sao truyền thống “Lồng đèn đón trăng” cùng nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến; ngắm các loại đèn Trung thu cổ truyền do nhà nghiên cứu Trịnh Bách và nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình khôi phục...

Em Nguyễn Phương Uyên cùng gia đình tham gia hoạt động tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội chia sẻ với phóng viên: “Trải nghiệm các hoạt động thú vị trong ngày Tết Trung thu truyền thống hôm nay đã cho em trở về những kỷ niệm của tuổi thơ trong trẻo, đáng nhớ của mình. Những tư liệu cổ tại trưng bày “Trở về Trung thu xưa” còn giúp em hiểu thêm nguồn gốc, lịch sử, không khí ngày Tết Trung thu của ông cha ta”.

 Bài và ảnh: THÁI PHƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.