Tác giả Trần Đức Anh sinh năm 1997, tại Hà Nội, tốt nghiệp hai ngành báo chí và lịch sử tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) và đang hoạt động trong lĩnh vực báo chí-truyền thông. Từ khi còn nhỏ, Đức Anh đã mày mò, nghiên cứu và đắm say với ca trù. Những năm học THPT, Đức Anh như đắm chìm trong những bài hát được học trong chương trình ngữ văn, để rồi “Thực lục” ra đời như một tác phẩm đầu tay của anh ở tuổi 15. Ra đời trong âm thầm, gần đây được bạn bè và gia đình động viên, Đức Anh đã mạnh dạn sản xuất và hoàn thiện trọn vẹn tác phẩm đầu tay với sự hỗ trợ tích cực của nhóm Đình Làng Việt.

Trần Đức Anh sớm say mê nghệ thuật ca trù.  

“Thực” có nghĩa là đúng đắn; “lục” là ghi chép, “thực lục” là ghi chép lại trung thực, khách quan. Thông qua “Thực lục”, công chúng như được hóa thân thành một sử quan thời xưa, được “chứng kiến” quá trình dựng nước và giữ nước của ông cha ta, cùng với đó là những suy nghĩ, chiêm nghiệm của một sử quan về những biến thiên của lịch sử, của thế cuộc bể dâu. “Tôi mong muốn thông qua “Thực lục” có thể lan tỏa tình yêu lịch sử, văn hóa Việt Nam, rộng hơn là tình yêu đất nước, con người đến với các bạn trẻ. Từ lâu, Việt Nam được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa quốc tế nhận định là một trong số các quốc gia có lịch sử phát triển lâu đời và có truyền thống văn hiến, bản sắc văn hóa độc đáo. Nhưng niềm tự hào chân chính đó chỉ có giá trị khi người Việt Nam, nhất là giới trẻ thấu hiểu, trân trọng và tiếp nối truyền thống. Do vậy, những hướng đi của thế hệ trẻ, từ việc phát huy giá trị văn hóa truyền thống, cũng sẽ góp phần lớn vào việc khơi dậy tình yêu đất nước, minh chứng cho sự trường tồn của văn hóa dân tộc trong trái tim người trẻ”, tác giả Trần Đức Anh khẳng định.

Đánh giá về tác phẩm “Thực lục”, nhà nghiên cứu âm nhạc Đàm Quang Minh nhấn mạnh: “Một vài điểm độc đáo mà tôi cảm nhận được là văn từ và cách sắp đặt ca từ của “Thực lục” đã mang nét âm hưởng của ca trù và được kết hợp hài hòa cùng tinh thần của đời sống đương đại. Đó là điều tôi rất mừng. Mong rằng Trần Đức Anh sẽ tiếp nối trên con đường đưa năng lượng sáng tạo của mình, cùng với gia tài di sản mà tổ tiên để lại, tạo thành một di sản mới cho thời đại và dùng được cho đời sống hôm nay, để người ta có thể nghe được và yêu được”.

Là người sáng tác trẻ, Trần Đức Anh luôn cố gắng sáng tác dựa trên những giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc nhưng phải làm mới cho gần gũi với đời sống hôm nay. Theo Đức Anh, để có thể sáng tác được một tác phẩm dân gian đương đại hay, tác giả luôn phải tìm tòi, sáng tạo trên các chất liệu mới, bắt kịp trào lưu, xu hướng âm nhạc của giới trẻ. Bên cạnh đó, cần phải đưa những tác phẩm này tiếp cận giới trẻ thông qua các ứng dụng mạng xã hội như: Facebook, YouTube, TikTok... Ngoài “Thực lục”,  Trần Đức Anh đã có nhiều tác phẩm âm nhạc mang phong cách dân gian đương đại như: “Tom chát”, “Ai hát đồng dao?”, “Cái trống chầu”, “Giữa đường đứt gánh”...

Bài và ảnh: NGÔ KHIÊM