Náo nức đu quay, tung còn

Để tổ chức hai trò chơi tung còn và đu quay, đồng bào Tày chọn khu đất bằng phẳng, rộng bên ven suối. Vị trí tổ chức trò chơi tung còn tại khu vực cắm cây nêu của bản làng. Tại đây, người dân ở mọi lứa tuổi cùng nhau đến dự hội xuân, cùng nhau thi tung còn.

Theo quan niệm dân gian của đồng bào Tày vùng Tây Bắc, quả còn tượng trưng cho rồng, cho hồn của đất, nước, sông, núi. Vì thế, quả còn khi làm được bọc bên ngoài bằng vải màu xanh, đỏ, đen, trắng, bên trong được nhồi bông và các loại ngũ cốc với mong muốn hướng tới sự sinh sôi nảy nở.

leftcenterrightdel

Bản làng vùng cao Tây Bắc, nơi lưu giữ những trò chơi dân gian vào dịp Tết.

Bên ngoài quả còn có nhiều khấc, mỗi khấc gắn với tua rua vải rất đẹp mắt, tượng trưng cho sự sống, ánh sáng và mưa thuận gió hòa trong năm mới. Trước ngày hội xuân, các chị em phụ nữ trong các bản Tày cùng nhau làm quả còn bên nhà sàn, quả còn càng đẹp thì càng tạo nên sự may mắn.

Vào ngày hội, mở đầu là phần nghi lễ, thầy mo dâng hai quả còn làm lễ giữa trời đất, cầu cho bản làng yên vui, mùa màng tươi tốt, nhà nhà no ấm. Sau phần nghi lễ, thầy mo cầm hai quả còn đã được “ban phép” tung lên cho mọi người tranh cướp, khai cuộc chơi ném còn năm đó.

Người tung còn được đứng thành hàng quanh cây nêu. Ngọn cây nêu có một vòng tròn, người chơi phải tung quả còn lọt qua vòng đó thì giành phần thắng. Hai hàng người chơi ném còn đứng đối diện với nhau ở hai bên cây nêu, nam nữ xen kẽ mặc trang phục Tày.

Một bên tung còn, một bên đỡ quả còn. Người Tày quan niệm, người tung còn thể hiện việc xua đi những điều xấu, những rủi ro không mong muốn trong cuộc sống. Còn người đón quả còn là đón lấy những may mắn, những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Cứ như thế, quả còn được người chơi tung lên qua lại bên cây nêu tạo nên một không gian diễn xướng trò chơi dân gian sôi động, thân tình và đoàn kết.

Khi kết thúc tung còn, thầy mo rạch quả còn thiêng đã được trời ban phép tung lên để những hạt giống bên trong quả còn rơi ra. Người dân nhặt những giống đó về để gieo trồng, theo họ, nếu năm đó nhặt được hạt giống trong quả còn sẽ may mắn cả năm và được mùa màng bội thu.

Cùng với tung còn, trò chơi đu quay được đồng bào Tày tổ chức trong ngày hội xuân để đồng bào cùng tham gia. Để tổ chức trò chơi này, các bản Tày chọn khu đất bằng phẳng để chôn những cột đu quay bằng cây gỗ to cho sâu và chắc để làm trụ cột cho trò chơi.

Có hai kiểu đu quay, một kiểu đu quay vòng tròn theo hai đầu cây gỗ chạy vòng tròn lên xuống quanh trụ cột, kiểu thứ hai đu lắc hai bên bằng một bệ đu được thiết kế bằng thân cây tre với hai cột trụ hai bên. Đây là trò chơi mạo hiểm nhất trong các trò chơi dân gian ở các bản Tày vào dịp đầu xuân nhưng cũng thu hút đông đảo đồng bào thử sức.

Ở kiểu đu quay vòng tròn, hai người bám vào hai đầu quay sau đó người điều khiển sẽ dùng lực đẩy thân cây gỗ quay vòng tròn theo trụ, hai người hai bên sẽ theo đà của cây đu mà được đẩy lên cao hoặc hạ xuống thấp luôn phiên. Còn đu lắc hai bên thì đứng trên bệ đu có thể từ một đến hai người, có thể là một đôi nam nữ.

leftcenterrightdel
Ném còn là trò chơi thu hút đông đảo người tham gia trong dịp Tết đến, xuân về ở vùng cao Tây Bắc.

Khi đu, người theo quán tính của vòng đu sẽ được văng ra xa, lên cao rồi lại đu về phía sau. Cứ như thế, các vòng đu liên tiếp không dừng. Trò chơi đu quay đem lại cảm giác mạnh cho người chơi, nếu ai không quen sẽ có cảm giác chóng mặt. Khi chơi, ai cũng có những trải nghiệm rất thú vị.

Tung còn và đu quay đòi hỏi sự khéo léo, bền bỉ, kiên trì và sự nhanh nhẹn của người chơi. Hai trò chơi là những công cụ trong sinh hoạt cộng đồng của đồng bào vùng cao Tây Bắc, thể hiện sự gắn kết cộng đồng, mong ước những điều tốt đẹp trong cuộc sống, rèn bản lĩnh đối mặt với những khó khăn, thử thách của con người.

Sôi động trò chơi đánh quay ngày xuân

 Ở vùng cao Tây Bắc, tại các bản người Mông vắt vẻo trên núi cao, mỗi khi Tết đến, xuân về, từ già trẻ, lớn bé đều tập trung ở một bãi đất bằng phẳng hay sân nhà để chơi đánh quay, một trò chơi truyền thống của người Mông. Để có được những con quay to và tốt, trước Tết khoảng một tháng, người Mông lặn lội lên núi tìm những khúc gỗ chắc khỏe về đẽo quay. Có rất nhiều loại gỗ rừng dùng để đẽo quay.

Mỗi người có một sở thích về một loại gỗ dùng để đẽo quay. Vì vậy, mỗi con quay của người Mông lại được làm bằng một chất liệu gỗ khác nhau. Thông thường hay dùng gỗ lý để đẽo con quay vì gỗ lý nặng, bền chắc. Sau khi quay được đẽo xong, họ mang xuống ao hay ruộng bùn ngâm khoảng một tuần cho quay được bền chắc hơn. Trò chơi này chủ yếu dành cho nam giới nhưng đôi khi cũng có phụ nữ cao hứng xin được tham gia.

Người tham gia chơi quay phải có sức khỏe, khéo léo khi tham gia trò chơi ở các cự ly để có độ chính xác cao thì dây quay phải được làm bằng dây lanh hoặc chất liệu chắc bền, một đầu dây được cố định vào cây que quay hình trụ bằng gỗ hoặc cây trúc có chu vi 4 đến 5cm chiều dài khoảng 50 đến 60cm, đầu tự do của dây quay được gắn một sợi lông gà có màu sặc sỡ, để người tham gia đánh và người thách đấu có thể điều khiển con quay một cách đều đặn và quay tít, tránh được một số tai nạn đáng tiếc xảy ra trong quá trình chơi quay.

Ở các bản Mông, đồng bào chọn một bãi đất phẳng ở giữa bản, đất nhẵn, xung quanh có ta luy để tránh việc khi đánh quay, con quay bị vung xa sẽ rơi xuống dốc núi. Các “xới” chơi quay đứng thành từng vòng tròn, to hay nhỏ tùy vào số lượng người tham gia. Lúc đầu là chơi thử sau đó là các cuộc thi đánh quay. Cuộc thi đánh quay của người Mông khá độc đáo.

leftcenterrightdel
Trò chơi đánh quay truyền thống của đồng bào Mông Tây Bắc.

Một con quay thắng cuộc phải là quay được bổ xuống theo hình vòng cung tính từ tay người đánh, quay đó phải quay tít, quay lâu và khi quay phát ra tiếng kêu vù vù. Quay của ai bị ngừng quay trước sẽ để ở giữa vòng tròn để cho các con quay khác bổ vào. Nếu bổ trúng con đã ngừng quay mà con quay của mình vẫn quay tít là sẽ được vào vòng tiếp theo.

Trò chơi đánh quay của đồng bào Mông vùng Tây Bắc diễn ra trước và sau các ngày tết và có khi kéo dài vài tháng để chơi quay. Người chơi đánh quay thì say sưa và dồn hết sức khéo léo vào những lần đánh quay. Ai ai cũng mong cho con quay của mình quay được lâu hơn, tít hơn các con quay khác. Còn người xem đứng phía sau thì chăm chú theo dõi kèm theo những lời, pháo tay cổ vũ nồng nhiệt.

Ông Lý Chiến Sách - Trưởng bản Mông Tổng Kim, xã Vĩnh Yên, huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai) cho biết: “Trò chơi đánh quay là một nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của đồng bào Mông Tây Bắc mỗi khi nhàn rỗi và Tết đến, xuân về. Mong cho con quay của mình được quay lâu, quay tít cũng là sự thể hiện một quan niệm nhân sinh của đồng bào Mông ở vùng cao Tây Bắc. Đó là mong ước có được sức khỏe, sự dẻo dai để chinh phục được thiên nhiên, duy trì cuộc sống trên những đỉnh non cao vời vợi, rèn luyện sức khỏe. Hội chơi quay của đồng bào Mông ngày Tết cũng thể hiện sự đoàn kết, kiên trì và rèn cho bàn tay khéo léo hơn”.

Những trò chơi dân gian ngày xuân có giá trị gắn kết cộng đồng, góp phần làm nên nét đẹp truyền thống, bản sắc văn hóa, không khí vui tươi và nếp sống văn minh tại các bản làng ở vùng cao Tây Bắc mỗi khi Tết đến, xuân về. Đồng thời, gửi gắm trong mỗi trò chơi là những mong ước bình dị, tốt đẹp trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Bài, ảnh: NGUYỄN THẾ LƯỢNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.